Kiềm chế cơn nóng giận

Xã hội - Ngày đăng : 15:27, 29/10/2022

Khi khó khăn trẻ rất cần nhận được sự khuyến khích, ân cần chỉ bảo của bố mẹ. Như thế trẻ sẽ cảm thấy có thêm động lực để cố gắng.

Chị Thúy vừa gọi con vào phòng ngồi học được tầm 5 phút thì bên ngoài bà Lành đã nghe thấy tiếng chị mắng con xa xả, nào là “ăn gì mà dốt thế”, “ có thế mà cũng không hiểu”, “đúng là đầu óc bã đậu”, “học hành thế này thì ở nhà cho bố mẹ đỡ tốn tiền”… Cùng với lời mắng nhiếc của mẹ là tiếng khóc nghẹn của con. Bà Lành vội vào phòng trấn an cháu rồi khẽ gọi chị Thúy ra ngoài nói chuyện:

- Mẹ thấy con dạy cháu học mà quát mắng nó như thế là không được đâu, con phải cố gắng kiềm chế cảm xúc chứ.

- Nhưng mà điên lắm mẹ ạ! Đi học mà con hỏi gì nó cũng cứ ngây người ra, làm bài tập thì sai hết...

- Mẹ biết là cháu nó còn nhỏ thì cần chỉ bảo, nhưng con nên chọn cách dạy cho đúng để mang lại hiệu quả, chứ mắng nhiếc thế này cháu vừa sợ, vừa không tập trung mà mình thì cũng phát cáu.

- Con cũng muốn nhẹ nhàng lắm nhưng nói cháu không nghe, không hiểu nên cơn tức nó nổi lên là lại không thể kìm nén được...

- Trẻ con là vậy mà, vẫn còn đang tuổi ăn tuổi chơi. Hơn nữa mỗi đứa trẻ sinh ra đều có tư chất khác nhau, có đứa thì bản tính thông minh, nhưng cũng có đứa thì chậm hơn một chút so với bạn bè cùng trang lứa. Bố mẹ thì ai cũng kỳ vọng con mình sẽ là con ngoan trò giỏi, nhưng dạy dỗ sao cho con nên người là cả một quá trình lâu dài và cần sự kiên nhẫn con ạ!

Thấy chị Thúy im lặng, bà Lành khuyên tiếp:

- Con thử đặt mình vào vị trí của trẻ mà xem, khi khó khăn trẻ rất cần nhận được sự khuyến khích, ân cần chỉ bảo của bố mẹ. Như thế trẻ sẽ không cảm thấy lo sợ mà sẽ có thêm động lực để cố gắng, tập trung vào học tập hơn, sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

- Vâng, nhưng tính con lúc đã nóng lên rồi thì không còn đủ tỉnh táo và sáng suốt để nghĩ ra nên tìm cách nào để giúp đỡ cháu hiểu ra vấn đề nữa.

- Dạy con mà nóng tính thế sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và tính cách của trẻ đấy. Con nên học cách kiềm chế cảm xúc tốt hơn. Việc này có lẽ không chỉ riêng con đâu. 

- Mẹ xem, nhiều nhà dạy con cũng áp lực, điên đầu lắm chứ, có phải mình con đâu. Con cũng chỉ muốn dạy để cho cháu nó học hành tiến bộ hơn thôi.

- Vẫn biết là phải dạy bảo nhưng đúng cách thì mới phát huy được tác dụng con ạ! Không nên chê bai, mắng mỏ, cười nhạo hay coi thường trẻ, điều ấy sẽ làm trẻ bị tổn thương, mất tự tin. Hãy cố gắng để trở thành người thầy, người bạn của con với tình cảm của người làm cha làm mẹ; luôn đồng hành cùng con để giúp con vượt qua những khó khăn và tạo cho con một môi trường học tập tốt nhất. Lúc nào cảm thấy tức giận quá, không thể kiềm chế được thì nên đi ra ngoài cho bớt căng thẳng rồi quay lại sau. Cần thiết thì mẹ sẽ giúp, nhưng sợ là mẹ có tuổi rồi, kiến thức bây giờ không đủ để dạy cháu thôi.

Biết là mình đã sai khi không kiềm chế được cơn nóng giận khi dạy con, chị Thúy khẽ gật đầu với mẹ:

- Con sẽ cố gắng nghe theo lời mẹ dặn, cố kìm nén cảm xúc, không quát mắng cháu nữa ạ!

THANH GIANG