TP Hải Dương nỗ lực phát triển hạ tầng đô thị

Kinh tế - Ngày đăng : 06:00, 30/10/2022

TP Hải Dương đang nỗ lực kiến thiết, phát triển hạ tầng để hướng tới mục tiêu đô thị công thương, đô thị sống khỏe, đô thị sáng tạo, thân thiện và đô thị an toàn, an tâm vào năm 2030.


Cầu vượt Ngô Quyền là điểm nhấn kiến trúc tại cửa ngõ phía bắc TP Hải Dương

Với bề dày lịch sử và vị thế của đô thị loại I, TP Hải Dương đang nỗ lực kiến thiết, phát triển hạ tầng để thành phố trở thành đô thị văn minh, hiện đại, đáng sống.

Cú hích hạ tầng giao thông


Thành Đông xưa là phên dậu phía đông của kinh thành Thăng Long, còn TP Hải Dương nay nằm ở trung tâm của đồng bằng Bắc Bộ, nối trục tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Với vai trò quan trọng, vị trí thuận lợi, TP Hải Dương luôn quan tâm định hướng phát triển đô thị phù hợp yêu cầu thực tế. Đặc biệt, sau ngày giải phóng 30.10.1954, kiến trúc đô thị của thành phố dần được định hình, cùng với đó là những lần thay đổi địa giới hành chính để mở rộng không gian đô thị. Điều này đòi hỏi TP Hải Dương phải đầu tư cho hạ tầng, nhất là giao thông để tạo kiến trúc đô thị đồng bộ.

Cầu vượt tại nút giao đường dẫn cầu Hàn, đường Ngô Quyền và quốc lộ 5 (cầu vượt Ngô Quyền) là dấu ấn nổi bật trong phát triển hạ tầng giao thông của thành phố thời gian qua. Đưa vào khai thác, sử dụng trong tháng 8 vừa qua, cầu vượt Ngô Quyền không chỉ giải quyết tình trạng ách tắc giao thông mà còn mở ra không gian phát triển cho cửa ngõ phía bắc của thành phố. Mặc dù triển khai thi công trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường xây dựng nhiều biến động song TP Hải Dương vẫn hoàn thiện công trình. Với tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng, ngoài đáp ứng những điều kiện kỹ thuật, cầu vượt Ngô Quyền còn là điểm nhấn kiến trúc thẩm mỹ của đô thị loại I khi kết hợp hài hòa giữa công trình và cây xanh.

Không gian đô thị được mở rộng, TP Hải Dương chú trọng triển khai các dự án giao thông kết nối. Đường vành đai I là một trong những công trình giao thông như vậy. Tuyến đường có tổng mức đầu tư gần 886 tỷ đồng, điểm đầu nối với đường 62 m thuộc xã Liên Hồng và kết thúc ở xã Ngọc Sơn với tổng chiều dài 5,67 km. Khi đưa vào khai thác, đường vành đai I sẽ giảm tải lưu lượng cho quốc lộ 5 và hạn chế phương tiện qua trung tâm thành phố, góp phần giảm ô nhiễm, tiếng ồn cho khu vực lõi. Bên cạnh đó công trình giao thông này tạo tiền đề cho việc khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất hai bên đường, thu hút đầu tư nhằm làm giảm sự chênh lệch giữa các vùng.

Nếu như ở phía nam, đường vành đai I đang tập trung thi công thì ở phía đông, cầu Bùi Thị Xuân vượt sông Thái Bình đang được cơ quan chức năng gấp rút thi tuyển, lựa chọn thiết kế. Công trình thuộc dự án phát triển giao thông TP Hải Dương với tổng mức đầu tư 1.340 tỷ đồng nối các phường, xã phía đông thành phố. Ngoài ra, TP Hải Dương cũng đang triển khai cải tạo, mở rộng các tuyến đường Tuệ Tĩnh, Vũ Công Đán để sắp xếp lại kiến trúc đô thị khu vực trung tâm.


TP Hải Dương đang nạo vét đáy và kè kênh T1 để giảm áp lực chống úng ngập

Giải "bài toán" úng ngập

Ngập úng khu vực nội thành là vấn đề nan giải với TP Hải Dương trong nhiều năm qua. Nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đời sống dân sinh ngày càng đi lên trong khi hạ tầng thoát nước không theo kịp là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố khi có mưa lớn. Xác định đây là bất cập làm ảnh hưởng tới hình ảnh đô thị an tâm, an toàn mà thành phố đang nỗ lực xây dựng, TP Hải Dương huy động nguồn lực tập trung giải quyết vướng mắc này.

Dự án Phát triển tổng hợp các đô thị động lực TP Hải Dương nhằm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật tại các trục đường chính, phòng chống ngập úng cho khoảng 1.000 ha khu vực phía tây thành phố. Dự án gồm 9 gói thầu sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài với tổng mức đầu tư khoảng 1.775 tỷ đồng. Hiện 4 gói thầu đã triển khai ngoài thực địa. Đó là gói thầu hoàn thiện hạ tầng các đường Nguyễn Lương Bằng và Thanh Bình; nạo vét đáy kênh và kè kênh T1 đoạn từ đường gom An Định đến vị trí xây dựng trạm bơm Lộ Cương mới (giáp sông Sặt); xây dựng hệ thống thu gom nước thải và kết nối hộ gia đình khu vực phía bắc đường Nguyễn Lương Bằng đến sông Thái Bình; xây dựng mạng lưới thu gom nước thải kết nối hộ gia đình cho khu vực phía tây thành phố. 5 gói thầu còn lại là xây dựng trạm bơm Lộ Cương; xây dựng hệ thống thoát nước phía bắc đường sắt; xây dựng các trạm bơm nước thải; kè sông Bạch Đằng; xây dựng nhà máy xử lý nước thải hiện đang hoàn thiện các thủ tục cần thiết để triển khai thi công.

Theo ông Trần Hồ Đăng, Chủ tịch UBND TP Hải Dương, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 sẽ là đô thị công thương, đô thị sống khỏe, đô thị sáng tạo, thân thiện và đô thị an toàn, an tâm, thành phố đang tập trung kiến thiết đô thị, hướng tới hoàn thiện hạ tầng đô thị loại I. Hạ tầng không những là nền tảng, điểm tựa để thúc đẩy thành phố phát triển mà còn tạo ra không gian, điểm nhấn giúp thành phố trở thành đô thị đáng sống.

PV