Tuần làm việc thứ 3: Quốc hội chất vấn Thủ tướng cùng 4 "tư lệnh" ngành
Tin tức - Ngày đăng : 11:10, 30/10/2022
Trong tuần làm việc thứ 3 từ ngày 31.10 đến 5.11, Quốc hội sẽ tiến hành nhiều nội dung quan trọng. Nổi bật nhất là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Phiên chất vấn diễn ra trong 2,5 ngày, từ chiều 3.11 đến hết ngày 5.11. Các nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn chất vấn gồm xây dựng, nội vụ, thông tin và truyền thông, thanh tra.
Cụ thể, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị sẽ là người đăng đàn đầu tiên, trả lời chất vấn về việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô TP Hà Nội. Việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản...
Tiếp theo là Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, trả lời về việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số.
Việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà sẽ trả lời chất vấn về việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Nguyên nhân, giải pháp trước tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc gia tăng trong thời gian gần đây. Việc bảo đảm biên chế cho ngành giáo dục, đáp ứng yêu cầu dạy - học...
Thành viên Chính phủ thứ 4 đăng đàn là Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, với các nội dung: nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thanh tra, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật; biện pháp xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra...
Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Các phiên chất vấn được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.
Một nội dung quan trọng khác là Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021.
Đồng thời, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thừa ủy quyền của Thủ tướng trình ra Quốc hội. Vào sáng thứ năm (ngày 3.11) Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự án luật này.
Bố cục của dự thảo luật gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều.
Trong tuần làm việc, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Luật HTX (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật Giá (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)...
Theo Tuổi trẻ