Quảng cáo thuốc tràn lan trên mạng, quản lý thế nào?
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 11:00, 31/10/2022
Ông Đồng Quang Thường ở TP Hải Dương từng mua thuốc chữa xoang trên YouTube về dùng nhưng không có tác dụng
"Ma trận"
Đây là từ mà Chánh Thanh tra Sở Y tế Hoàng Anh Tùng nhận định về tình trạng quảng cáo thuốc trên mạng hiện nay. “Bất kỳ ai khi xem các video trên YouTube thì đều sẽ được xem phần đầu là những quảng cáo về thuốc chữa dạ dày, tiểu đường, viêm xoang, men gan tăng, mỡ máu... Tìm trên mạng xã hội Facebook cũng nhan nhản, cứ gõ tìm kiếm loại thuốc nào là ra cả tá video giới thiệu về loại thuốc đó”, ông Tùng cho biết.
Để minh chứng, ông Tùng truy cập vào Facebook rồi gõ cụm từ tìm kiếm “Thuốc Ngựa Thái” - một loại thuốc được quảng cáo là giúp tăng cường sinh lý đàn ông thì kết quả cho ra rất nhiều video quảng cáo. Ông Tùng truy cập vào một video, liên hệ theo số điện thoại người bán hỏi về loại thuốc này. Sau cuộc điện thoại, người bán còn nhắn tin cho ông Tùng về bảng giá từng loại thuốc và cam kết về chất lượng sản phẩm. Ông Tùng cho biết: “Kiểm tra trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế thì đây là loại thuốc không được phép lưu hành, toàn tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ tiếng Việt”.
Phóng viên cũng đã xem nhiều video quảng cáo thuốc trên mạng xã hội, YouTube. Một điểm chung là những quảng cáo này đều được sản xuất khá tinh vi. Không ít quảng cáo sử dụng hình ảnh bác sĩ, nhân vật trải nghiệm để tạo lòng tin cho người tiêu dùng. Các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua đã đưa tin nhiều quảng cáo thuốc trên mạng sử dụng bác sĩ giả mạo, cắt ghép hoặc nhân vật dàn dựng. Một số sản phẩm chưa được phép lưu hành nhưng vẫn được quảng cáo công khai.
Mạng xã hội bùng nổ giúp người bán hàng tiếp cận dễ dàng với khách hàng. Tuy nhiên, với lĩnh vực y tế, người mua lại là bên phải chịu nhiều rủi ro. Bình thường khi có bệnh, người dân sẽ được bác sĩ tư vấn sử dụng các loại thuốc được kiểm định. Đằng này, hầu hết các sản phẩm thuốc quảng cáo trên mạng chưa được kiểm định, không rõ nguồn gốc. Người mua chỉ nhìn trên màn hình và nghe tư vấn của người bán nên dễ rơi vào cảnh tiền mất tật mang.
Một thời gian trước, anh Nguyễn Văn Khiêm ở huyện Tứ Kỳ bị mất tự tin, ngại giao tiếp khi trên mặt xuất hiện dày đặc mụn mủ. "Vì muốn chữa trị nhanh nên tôi nghe một người bạn mua 3 liệu trình thuốc quảng cáo trên YouTube. Theo quảng cáo, chỉ cần bôi xong 3 liệu trình này thì mụn sẽ biến mất, da mặt dần trắng sáng. Thế nhưng kết quả là mặt tôi lại xuất hiện dày đặc mụn mủ, phải đi bệnh viện chữa trị một thời gian và tốn kém mới khỏi”, anh Khiêm nói.
Ông Đồng Quang Thường ở TP Hải Dương bị viêm xoang, chữa nhiều năm không khỏi. Đầu năm nay, ông đặt mua thuốc điều trị căn bệnh này sau khi xem một video quảng cáo trên YouTube. “Bác sĩ trong video nói chỉ cần nhỏ hết 2 lọ là sẽ khỏi hẳn nhưng chẳng có tác dụng gì. Vợ tôi cũng mua thuốc chữa dạ dày qua mạng, uống cả tháng ròng mà không đỡ, ngược lại dạ dày càng bị viêm loét nặng, phải đi viện điều trị dài ngày. Mà cái ông bác sĩ bán thuốc cho vợ tôi qua đọc báo thấy đã bị bắt vì tội giả mạo”, ông Thường cho hay.
Thực tế có bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện nhưng vì tin vào những lời giới thiệu của người quen, nội dung quảng cáo trên mạng nên tự ý bỏ thuốc theo đơn của bác sĩ để chuyển sang dùng thuốc khiến bệnh càng thêm trầm trọng.
Thuốc Ngựa Thái xanh quảng cáo trên mạng không được phép lưu hành theo quy định của Bộ Y tế
Hãy tiêu dùng thông thái
Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc - mỹ phẩm - thực phẩm tỉnh mới đây đã phát hiện 18 mẫu thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm kém chất lượng, trong đó phần lớn là thuốc được rao bán trên mạng, nhà thuốc nhỏ lẻ. Mới đây, Thanh tra Sở Y tế đã phát hiện, xử lý 5 trường hợp quảng cáo bán thuốc rối loạn cương dương không đúng sự thật.
Ông Tùng cho biết thêm những sản phẩm thuốc quảng cáo trên mạng đều có chung lỗi vi phạm là thổi phồng công dụng của sản phẩm, quảng cáo vượt quá nội dung được cấp phép. Nhiều sản phẩm chưa được phép lưu hành nhưng vẫn được quảng cáo công khai. Thanh tra Sở Y tế đang tích cực kiểm tra, xử lý những trường hợp quảng cáo thuốc kiểu này, kết hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân. Tuy nhiên, việc rà theo từng quảng cáo rất khó khăn, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội và trí tuệ nhân tạo phát triển. “Để giải quyết vấn đề này thì cơ quan chức năng cần xây dựng một bộ phận quản lý, kiểm soát các website, kênh bán hàng online. Bộ phận này được phép truy cập nội bộ vào các trang quảng cáo để thẩm định, có thể sẽ xử phạt thật nặng và cho đóng cửa những website và kênh bán hàng vi phạm”, ông Tùng nêu quan điểm.
Sử dụng thuốc theo quảng cáo bừa bãi trên mạng không những không khỏi mà còn làm bệnh tình thêm nặng hơn, thậm chí nguy hại đến sức khoẻ của người bệnh. Ngành y tế và các cơ quan liên quan cần đẩy mạnh truyền thông về lĩnh vực này để nhân dân nhận diện được nguy cơ, từ đó không tuỳ tiện mua thuốc điều trị bệnh, nhất là những sản phẩm thuốc quảng cáo trên mạng. Để bảo vệ sức khoẻ của bản thân, là người tiêu dùng thông thái, mỗi người cần tỉnh táo trước các nội dung quảng cáo trên mạng.
BÌNH MINH