Huỷ đấu giá ấn vàng "Hoàng đế chi bảo", nỗ lực hồi hương cổ vật về Việt Nam
Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 14:21, 01/11/2022
Ngày 19.10.2022, website của hãng đấu giá Millon (thành lập năm 1928, có trụ sở chính tại Paris, Pháp) đăng tải thông tin sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật, trong đó có hai cổ vật của nhà Nguyễn (1802-1945), gồm 1 ấn vàng đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820-1841) (lô số 101) và 1 bát vàng triều Khải Định (1917-1925) (lô số 100) thuộc sưu tập Nghệ thuật Việt Nam vào trưa 31.10.2022 (giờ Paris).
Sau tất cả những nỗ lực đàm phán với hãng Millon, 7 giờ 30 ngày 31.10.2022 (giờ Paris), đại diện phía Việt Nam và hãng Millon đã thống nhất được thỏa thuận tạm hoãn đấu giá ấn vàng "Hoàng đế chi bảo". Tiếp đó, đến 10 giờ 10 ngày 31.10.2022, hãng Millon đã có thông cáo chính thức việc đưa ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" ra khỏi danh mục cổ vật đấu giá ngày 31.10.2022 của hãng.
Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”
Đây là thành công bước đầu trong lộ trình thực hiện các giải pháp nhằm hồi hương ấn vàng "Hoàng đế chi bảo". Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ nỗ lực phối hợp với Bộ Ngoại giao cùng một số bộ, ngành, tổ chức, cá nhân để huy động mọi nguồn lực nhằm "hồi hương" ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" về nước trong thời gian sớm nhất.
Quyết tâm sưu tầm, hồi hương ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" trở về Việt Nam không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, “chảy máu” ra nước ngoài mà còn khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng của dân tộc; khẳng định sự đúng đắn, tiên quyết của Đảng và Nhà nước ta về quan điểm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, nâng cao tự tôn dân tộc của thế hệ trẻ trên trường quốc tế, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới.
Đây cũng là việc làm rất có ý nghĩa bảo đảm tính toàn vẹn của di sản văn hóa - một nội dung quan trọng mà UNESCO rất chú trọng trong bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời thể hiện vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế tại các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" là di sản văn hóa của Việt Nam, là một minh chứng biểu trưng cho quyền lực chính trị trong một giai đoạn lịch sử nhất định trong tiến trình lịch sử của Việt Nam.
Theo Đại Nam thực lục của Quốc Sử quán triều Nguyễn, ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" được đúc vào ngày Giáp Thìn, mùng 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4 (tức ngày 15.3.1823). Ấn có nuốm (quai) làm rồng cuốn hai tầng, vuông 3 tấc 2 phân, dày 5 phân, bằng vàng 10 tuổi, nặng 180 lạng (chính xác là 280 lạng) 9 đồng 2 phân. Phàm chiếu như sắc dụ đều đóng ấn ấy.
Theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, vào năm Minh Mệnh thứ 9 (1828), dụ rằng: Ấn báu của nhà nước là để làm việc tuyên bố mệnh lệnh, chỉ bảo rõ ràng những việc phải làm, về khí cụ thì cực kỳ quan trọng, về điển lệ cực kỳ to lớn… Gặp có khánh tiết ban ơn, đại xá thiên hạ, cùng là các cáo dụ các thân huân (người thân và người có công), đi tuần thú để xem xét các địa phương, mọi điển lệ long trọng ấy và ban sắc, thư cho ngoại quốc, thì dùng ấn "Hoàng đế chi bảo". Như vậy, rõ ràng, "Hoàng đế chi bảo" là ấn vàng lớn nhất, đẹp nhất, quý nhất và quan trọng nhất của vương triều Nguyễn.
Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của triều Nguyễn (vào dịp lễ khánh tiết, ban ân, xá tội, đi tuần thú các địa phương, cùng với sắc thư ban cho nước ngoài...), phản ánh một giai đoạn trong tiến trình lịch sử của quốc gia - dân tộc Việt Nam, là di sản văn hóa quý báu của Nhà nước Việt Nam.
Việc sưu tầm, đưa ấn về Việt Nam để bổ sung bộ sưu tập Kim Ngọc Bảo Tỷ và hoàn thiện nội dung trưng bày về triều Nguyễn trong tiến trình lịch sử Việt Nam của Bảo tàng Lịch sử quốc gia là hết sức ý nghĩa và cấp thiết.
Kinh nghiệm thực tiễn về việc “hồi hương” cổ vật Theo kinh nghiệm quốc tế, việc kiểm chứng tính xác thực của cổ vật được đấu giá cơ bản dựa trên sự bảo đảm, uy tín của các hãng đấu giá. Trên thực tế, Việt Nam đã nhận một số cổ vật có nguồn gốc Việt Nam “hồi hương” về nước theo 3 hình thức: - Cá nhân, tổ chức vận động quyên góp, mua cổ vật và hiến tặng về nước (chuông chùa Ngũ Hộ được đưa từ Tokyo, Nhật Bản về Bắc Ninh năm 1978). - Cá nhân, tổ chức đấu giá từ nước ngoài và hiến tặng về nước (như xe kéo của Hoàng thái hậu Từ Minh được đưa về Huế năm 2015, cổ vật mũ quan đại thần và áo Nhật Bình triều Nguyễn cho Huế năm 2022). - Chính phủ các nước tự nguyện trả cổ vật của Việt Nam thu được từ các cuộc điều tra buôn bán trái phép cổ vật (18 cổ vật nhận từ Đức năm 2018, một số cổ vật Đông Sơn nhận từ Hoa Kỳ năm 2022). |
Theo Vietnamnet