Mỹ và đồng minh đổi chiến thuật trước mối lo Triều Tiên thử hạt nhân
Thế giới - Ngày đăng : 08:07, 02/11/2022
Theo hãng tin Reuters, hồi tháng 10, Hàn Quốc cho biết một vụ thử hạt nhân mới của Triều Tiên sẽ vấp phải phản ứng chưa từng có từ các đồng minh, nhưng vẫn chưa rõ biện pháp nào có thể không lặp lại tình trạng cũ.
Sau nhiều năm trừng phạt, áp lực ngoại giao và phô trương lực lượng quân sự, Mỹ và Hàn Quốc đã không ngăn được Triều Tiên phát triển và mở rộng kho vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo tầm xa.
Giờ đây, khi Triều Tiên triển khai vũ khí hạt nhân, Mỹ và các đồng minh chỉ đang tìm cách ngăn cản Triều Tiên thực hiện các hành động quân sự.
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-sup cho biết trọng tâm các nỗ lực đối phó với Triều Tiên cần chuyển từ kiềm chế phát triển vũ khí hạt nhân sang ngăn chặn sử dụng vũ khí hạt nhân.
Ông Lee Jong-sup nói trước các nhà lập pháp: “Chúng tôi định tăng cường tham gia chia sẻ thông tin tình báo, lập kế hoạch, tập trận”.
Theo một quan chức của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, ông Lee Jong-sup không ủng hộ ý tưởng thừa nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân, mà nhấn mạnh cần ngay lập tức ngăn Triều Tiên sử dụng vũ khí này.
Ông Daniel Russel, một cựu quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ cho biết: “Ông Lee Jong-sup nói thẳng những gì các nhà hoạch định chính sách ở Hàn Quốc và Mỹ đang nghĩ. Đó là mặc dù phi hạt nhân hóa là mục tiêu cuối cùng, nhưng răn đe Triều Tiên là ưu tiên hàng đầu hiện nay”.
Một người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết nước này và Hàn Quốc đang bế tắc trong nỗ lực theo đuổi phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên. Phát ngôn viên trên cho biết: “Chúng tôi tiếp tục ưu tiên ngoại giao, nhưng đồng thời tiếp tục cùng nhau tăng cường răn đe và phối hợp để hạn chế tiến bộ trong các chương trình vũ khí của Triều Tiên”.
Một số nhà phân tích coi bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc là dấu hiệu mới nhất cho thấy Mỹ và Hàn Quốc đang đối mặt với thực tế rằng Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân. Nhưng họ lưu ý cho đến nay, trọng tâm vẫn là răn đe hơn là giảm thiểu rủi ro, chẳng hạn như đàm phán để giới hạn số lượng vũ khí của Triều Tiên và ngăn phổ biến vũ khí.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel từ chối nêu rõ những biện pháp mà Mỹ sẽ thực hiện nếu Triều Tiên thử bom hạt nhân lần đầu tiên kể từ năm 2017, chỉ nói rằng các lệnh trừng phạt và tập trận quân sự là ví dụ về các công cụ mà nước này có thể sử dụng để buộc Triều Tiên phải chịu trách nhiệm.
Các nhà quan sát dự báo Trung Quốc và Nga sẽ lên án một vụ thử hạt nhân mới, nhưng không có khả năng hai nước này ủng hộ biện pháp trừng phạt mới. Hai nước cho rằng biện pháp trừng phạt đã thất bại và chỉ gây hại cho những người Triều Tiên bình thường.
Vào đầu tháng 10, chỉ huy Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ cho biết động thái hiếm thực hiện là triển khai tàu sân bay tới Hàn Quốc có thể khiến Triều Tiên chỉ trích.
Ngày 31.10, Hàn Quốc và Mỹ đã thực hiện một cuộc tập trận lớn khác với hàng trăm máy bay chiến đấu, trong đó Mỹ triển khai cả máy bay chiến đấu F-35B.
Triều Tiên đã phóng nhiều tên lửa và tập trận để đáp trả các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn Quốc.
Ông Patel đã cho rằng các cuộc tập trận đang làm trầm trọng thêm căng thẳng với Triều Tiên. Trong khi đó, ông Duyeon Kim thuộc Trung tâm An ninh Mỹ Mới, lưu ý rằng căng thẳng gia tăng không phải lúc nào cũng liên quan tới các cuộc tập trận.
Ông Duyeon Kim nói: “Bình thường hóa các cuộc tập trận chung nhằm tăng cường mức độ sẵn sàng một lần nữa nhằm mục đích răn đe Triều Tiên và trấn an người dân Hàn Quốc”.
Một cựu quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nhận định rằng mặc dù các cuộc tập trận là để bảo đảm sự sẵn sàng, nhưng phô trương rầm rộ có thể phản tác dụng. Ông này nói: “Việc này không giúp được gì”.
Khi các nhà lãnh đạo chính trị nói rằng các cuộc tập trận đã được thu hẹp lại trong những năm trước để tạo điều kiện cho hoạt động ngoại giao, điều đó thường có nghĩa là họ không công bố rộng rãi thông tin về các cuộc tập trận.
Trong khi đó, hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 31.10 dẫn nguồn Bộ Ngoại giao nước này kêu gọi Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn trong khu vực, cho rằng đây là hành động có thể dẫn tới các biện pháp đáp trả mạnh mẽ hơn từ Bình Nhưỡng.
Bộ Ngoại giao Triều Tiên đánh giá tình hình trên bán đảo Triều Tiên và các khu vực xung quanh đã bước vào giai đoạn đối đầu nghiêm trọng do các động thái quân sự không ngừng của Mỹ và Hàn Quốc.
Theo Báo Tin tức