Hội Bảo vệ người tiêu dùng: Nơi có, nơi không

Chính trị - Ngày đăng : 17:10, 02/11/2022

Các đại biểu Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đã đóng góp nhiều ý kiến vào dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).


Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bức xúc trước thực trạng Hội Bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam nơi có, nơi không

Sáng 2.11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Chưa rõ đầu mối quản lý

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga góp ý vào chương 4 của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Đại biểu cho rằng quy định tại chương này chưa phân công rõ đầu mối nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước đối với tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD).

"Trên thực tế, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi NTD hiện nay là Hội Bảo vệ quyền lợi NTD. Tuy nhiên, tổ chức này chưa thống nhất trên cả nước, có địa phương đã có, có địa phương chưa có, nhiều địa phương lại giao cho Sở Công thương; chính quyền địa phương cũng như tổ chức xã hội tham gia cũng chưa rõ vai trò. Tôi đề nghị rà soát lại chương 4 để quy định rõ ràng, rành mạch hơn", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ quan điểm.


Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung đề nghị bổ sung về nghĩa vụ của người tiêu dùng khi đưa thông tin sai sự thật

Đối với điều 33 dự thảo quy định về hàng hóa khuyết tật, đại biểu nhận thấy sự phân biệt hàng hóa khuyết tật nhóm A, nhóm B chưa rõ. Dự thảo hiện quy định nhóm A là hàng hóa khuyết tật có khả năng gây thiệt hại kinh tế cho NTD còn nhóm B có khả năng gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng NTD. Trên thực tế, nhiều loại hàng hóa khuyết tật vừa gây thiệt hại tài sản, vừa thiệt hại sức khỏe, tính mạng NTD. Cho ví dụ cụ thể về xe ô tô hay xe máy bị lỗi, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng đây là mặt hàng có khả năng gây thiệt hại cả về tài sản và sức khỏe, tính mạng NTD. Do đó, nếu xếp vào nhóm A chưa đúng mà xếp vào nhóm B thì chưa đủ.

Không để người tiêu dùng lạm quyền

Cũng góp ý vào dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đề nghị bổ sung về nghĩa vụ của NTD. Hiện nay, nhiều NTD lạm quyền ảnh hưởng đến lợi ích của cá nhân và tổ chức kinh doanh. Đại biểu đề nghị bổ sung nghĩa vụ NTD phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra và bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật. 


Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho biết báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã nêu lên nhiều ý kiến bất cập mà các đại biểu đã nêu trước đó nhưng chưa được ban soạn thảo tiếp thu

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung cũng đề nghị bổ sung đối tượng người nghèo vào nhóm NTD dễ bị tổn thương. Góp ý vào điều 17 về quy định cấm “yêu cầu NTD thanh toán chi phí hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp mà không có thỏa thuận trước với NTD'', đại biểu cho rằng quy định này có thể gây khó khăn cho các bên tham gia giao dịch vì không rõ "thỏa thuận trước" phải được thể hiện dưới hình thức nào.

Phát biểu cuối cùng tại phiên thảo luận tổ, từ góc nhìn của Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết báo cáo thẩm tra của Ủy ban này đã nêu lên nhiều ý kiến bất cập mà các đại biểu đã nêu trước đó nhưng Cơ quan soạn thảo chưa tiếp thu. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần có cách thức phù hợp trong tiếp thu, giải trình để tránh trường hợp đại biểu Quốc hội mất thời gian nghiên cứu, nhắc lại ý trong báo cáo thẩm tra. 

Về nội dung 2 dự thảo luật, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu báo cáo thẩm tra, báo cáo tác động một cách cặn kẽ, cụ thể, kịp thời, kỹ lưỡng hơn để có giải trình phù hợp trước Quốc hội trước khi bấm nút thông qua.

PHONG TUYẾT