Thủ tướng: Sẽ giao một bộ quản lý duy nhất về xăng dầu

Kinh tế - Ngày đăng : 20:32, 02/11/2022

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay đã chỉ đạo việc nghiên cứu, sửa đổi nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, theo hướng Bộ Công Thương là đầu mối quản lý thống nhất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay đã có chỉ đạo nghiên cứu việc giao quản lý xăng dầu thống nhất về một đầu mối

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội chiều 2.11 về những vấn đề bất cập trên thị trường xăng dầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đã giao Phó thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo vấn đề này theo đúng lĩnh vực được phân công. Chính phủ đang rất sát sao việc này.

Đồng thời, Thủ tướng cho hay đã giao các bộ, ngành liên quan rà soát, nghiên cứu sửa đổi nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, theo hướng giao Bộ Công Thương là đầu mối quản lý thống nhất. "Tất nhiên sẽ còn phải rà soát, nhưng cơ bản sẽ nghiên cứu theo hướng một bộ quản lý duy nhất về xăng dầu", Thủ tướng nói.

Đồng tình với chỉ đạo trên của Chính phủ, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng việc đưa quản lý xăng dầu về một đầu mối duy nhất là Bộ Công Thương là hợp lý bởi bộ này có bộ máy, chức năng nhiệm vụ để quản lý xăng dầu nên hoàn toàn có thể giao về bộ này.

Còn hiện nay việc quản lý được thực hiện bởi liên bộ Công Thương - Tài chính nên thiếu sự linh hoạt, việc tuân thủ nguyên tắc thị trường đã không được đảm bảo. Do đó, ông An cho rằng ngoài việc xử lý bất ổn đang có trên thị trường, cơ quan quản lý cần thay đổi toàn diện về cơ chế, cách thức vận hành điều hành, quản lý thị trường xăng dầu.

Mặc dù các bộ ngành lý giải việc thiếu cục bộ, đứt gãy vừa rồi là do chiết khấu, điều chỉnh chi phí kinh doanh xăng dầu chưa kịp thời… nhưng theo ông An, đây chỉ là bề nổi, bản chất là cơ chế điều hành xăng dầu phải thay đổi.

"Cách thức quản lý xăng dầu phải xem trên thế giới có nước nào làm như mình không? Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, cần sự điều tiết nhất định nhưng cũng không thể can thiệp một cách phi thị trường được, những nguyên tắc của thị trường vẫn phải được tôn trọng. Cho nên việc quản lý phải xác định được ranh giới nhà nước và thị trường" - đại biểu Trịnh Xuân An nêu quan điểm.

Đồng thời, đại biểu tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng cần phải minh định rõ "ai phải chịu trách nhiệm", tránh tình trạng đùn đẩy nhau. Bởi với một đất nước hội nhập, nền kinh tế có độ mở lớn, quy mô GDP vài trăm tỉ USD, có nhu cầu phát triển lớn, mà lại thiếu xăng ở các đô thị, thành phố lớn thì không thể chấp nhận được, dù lý do giải thích gì đi nữa.

Đồng tình việc thống nhất một cơ quan quản lý, đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) cũng cho rằng cần cơ quan chủ trì chuyên trách để có trách nhiệm toàn bộ quy trình sẽ hợp lý, hiệu quả hơn.

"Tất nhiên khi Bộ Công Thương chủ trì điều hành xăng dầu thì cũng không phải một mình cơ quan này làm được, mà vẫn cần sự tham mưu, giám sát từ các cơ quan chuyên môn trong quá trình thực hiện. Như thế sẽ đảm bảo đồng bộ, toàn diện của các bộ ngành liên quan nhưng vẫn đảm bảo trách nhiệm của cơ quan chủ trì" - đại biểu Nam nói.

Theo Tuổi trẻ