Sinh viên làm thêm thiệt đủ đường

Đời sống - Ngày đăng : 13:16, 03/11/2022

Nhiều sinh viên đi làm thêm để trang trải cuộc sống, nhưng do không hiểu rõ quyền lợi của mình nên đã bị "quỵt" tiền, thậm chí bị lợi dụng công sức mà không hề hay biết.


Anh Trần Hoàng Quân, sinh viên năm cuối Trường Đại học Hải Dương đi làm thêm tại một quán cà phê. Ảnh minh họa

Hiện nhiều sinh viên đi làm thêm để trang trải cuộc sống nhưng ít ai nắm được quyền lợi của mình.

Không có hợp đồng lao động

Đầu năm 2022, anh L.A.D., sinh viên năm 2 Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương làm việc tại một nhà hàng cạnh trường với mong muốn có thêm kinh phí trang trải cuộc sống. Mỗi tuần, anh D. làm từ 3-4 buổi, từ 17-22 giờ 30 tại bộ phận bếp nấu. Mỗi giờ làm thêm anh D. được chủ nhà hàng trả 23.700 đồng. Hôm nào nhiều việc, anh D. ở lại dọn dẹp quán, quá 1-2 tiếng cũng không được trả thêm tiền. Làm vào chủ nhật, tiền lương theo giờ của anh cũng không được nhân lên như Bộ luật Lao động quy định. Anh D. cho biết khi xin việc, chủ nhà hàng yêu cầu có hồ sơ, lý lịch, giấy khám sức khỏe nhưng không có hợp đồng lao động. Bản thân anh thừa nhận khi đi xin việc chỉ mong tìm được chỗ làm tốt, nhận lương đều đặn chứ chưa tìm hiểu kỹ về Bộ luật Lao động và không biết mình sẽ được hưởng những quyền lợi gì. "Tôi nghĩ là sinh viên chưa có kinh nghiệm về lao động, việc làm nên không có yêu cầu cao về lựa chọn chỗ làm thêm", anh D. nói.

Không có hợp đồng lao động là tình trạng chung của nhiều sinh viên làm thêm hiện nay. Vì vậy, quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và sinh viên không có sự ràng buộc. "Thích thì làm, không thích thì tìm chỗ khác" là tâm lý phổ biến của nhiều sinh viên. Sự phát triển của các quán cà phê, giải khát, cửa hàng ăn... tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên hiện nay dễ dàng tìm việc làm thêm hơn so với trước đây. Tuy nhiên, đa số sinh viên đi làm thêm chưa quan tâm nhiều đến quyền lợi được hưởng. Nhiều sinh viên chỉ mong muốn có thu nhập, học hỏi kinh nghiệm. Anh Nguyễn Khánh Vinh, sinh viên năm 3 Khoa Điện, Trường Đại học Sao Đỏ đang làm thêm công việc pha chế đồ uống ở một quán cà phê cho biết khi bắt đầu vào trường đại học, bản thân anh rất nhút nhát, nhưng sau khi đi làm thêm đã cởi mở hơn với mọi người, tự tin giao tiếp hơn. "Tôi nghĩ như vậy là đủ", anh Vinh nói.

Tránh bị lợi dụng công sức

Tuy nhiên, nếu không có kiến thức, kỹ năng khi đi làm thêm, sinh viên cũng sẽ gặp nhiều rủi ro. Thực tế đã có trường hợp sinh viên bị chủ quán quỵt tiền làm thêm, có nơi trả công ít hơn số ngày làm việc, có chủ quán thay đổi nhân viên liên tục. Sinh viên bị lợi dụng công sức lao động mà không hề hay biết, có những người chỉ biết "ngậm đắng nuốt cay".

Bà Nguyễn Thị Xiêm, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên tỉnh cho biết mỗi năm trung tâm giới thiệu việc làm thêm cho khoảng 200 sinh viên tại một số công ty, cửa hàng, gia sư... Chủ sử dụng lao động đăng ký tuyển dụng lao động thông qua trung tâm. Nếu ít thì trung tâm kết nối với Đoàn Thanh niên các trường, nhiều có thể đăng tải thông tin tuyển dụng trên trang Fanpage của các trường học.

Tuy nhiên, các quyền lợi lao động vẫn chủ yếu do người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận. Anh Trần Hoàng Quân, sinh viên năm 4 Trường Đại học Hải Dương cho biết từng làm thêm nhiều nơi và cũng bị chủ quán quỵt tiền. Đến nay, anh đã có nhiều kinh nghiệm khi đi tìm việc làm thêm. Theo anh Quân, nếu không có hợp đồng lao động, bản thân sinh viên phải tự có cách bảo vệ mình, tránh rủi ro. Ngoài thỏa thuận quyền lợi bằng lời nói, sinh viên có thể ghi âm, quay video lưu lại, làm bằng chứng về sau...

Theo tìm hiểu của phóng viên, vẫn còn một số quán cà phê ở TP Hải Dương trả từ 13.000-14.000 đồng/giờ cho sinh viên bưng bê đồ uống... Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu giờ theo vùng, cụ thể: vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ và vùng IV là 15.600 đồng/giờ. TP Hải Dương thuộc vùng II, sinh viên làm việc bán thời gian phải được trả lương 20.000 đồng/giờ. Nếu đi làm vào chủ nhật phải được hưởng ít nhất 200% tiền lương ngày làm việc bình thường. 

Theo quy định tại điều 124 Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động không được dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động. Nhiều sinh viên đi làm cả tháng nhưng khi nhận tiền chỉ được vài trăm nghìn vì bị chủ quán trừ lương do đi muộn, phục vụ chưa tốt... Người sử dụng lao động có thể sa thải nhưng tuyệt đối không được cắt lương, phạt tiền của người lao động. Vì thế, trước khi đi làm thêm, sinh viên cần tìm hiểu kỹ Bộ luật Lao động để bảo vệ quyền lợi của mình, lựa chọn nơi làm việc phù hợp.  

MINH NGUYỆT