Khánh thành xưởng sơ chế và bảo quản nông sản gần 3 triệu USD tại xã Đức Chính
Kinh tế - Ngày đăng : 07:00, 05/11/2022
Các đại biểu cắt băng khánh thành xưởng sơ chế và bảo quản nông sản
Ngày 4.11, tại Hải Dương, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) phối hợp cùng Cộng đồng phát triển nông thôn Hàn Quốc (KRC) và UBND tỉnh Hải Dương tổ chức Lễ khánh thành xưởng sơ chế và bảo quản nông sản tại Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính (xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng) và HTX Tân Minh Đức (xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc).
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ cơ sở sơ chế và bảo quản nông sản tại Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc (MAFRA) thông qua Cộng đồng phát triển nông thôn Hàn Quốc (KRC) tài trợ cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam. Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam được Bộ NN&PTNT giao làm chủ dự án.
GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, mục tiêu của dự án là xây dựng và nâng cấp hệ thống nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền thiết bị sơ chế, phân loại rau củ và kho lạnh tại hai HTX Đức Chính và Tân Minh Đức, đảm bảo tạm trữ nông sản ở chất lượng cao nhất, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Cùng với đó, chuyển giao và áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong sơ chế, bảo quản nông sản của Hàn Quốc phù hợp với điều kiện tại Việt Nam thông qua các chuyên gia Hàn Quốc làm việc tại dự án; nâng cao năng lực trong bảo quản và quản lý chất lượng nông sản cho cán bộ và nông dân tham gia dự án. Tổng nguồn vốn đầu tư để thực hiện dự án là 2.801.714 USD.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến: Việc áp dụng máy móc, thiết bị hiện đại trong sơ chế, bảo quản sẽ góp phần tăng năng suất lao động, gia tăng giá trị cho rau, củ Hải Dương
Để đáp ứng mục tiêu trên, dự án đã thiết kế 2 hợp phần chính gồm: Xây dựng mới 1 nhà xưởng quy mô 966 mét vuông, trong đó được trang bị dây chuyển rửa tự động, máy phân loại công suất 25 tấn/ngày và kho bảo quản nhiệt độ thấp 48 mét vuông tại HTX Đức Chính. Sửa chữa 192 mét vuông nhà xưởng và trang bị dây chuyển rửa tự động, máy phân loại công suất 25 tấn/ngày và kho bảo quản nhiệt độ thấp 16 mét vuông tại HTX Tân Minh Đức.
Ngoài ra, tổ chức các khóa đào tạo, trao đổi kinh nghiệm về bảo quản, chế biến sản phẩm cho các cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật tại Hàn Quốc và Việt Nam; các hội thảo khoa học và 15 lớp tập huấn cho kỹ thuật viên và nông dân tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, Bộ NN&PTNT Việt Nam và Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Phát triển nông thôn Hàn Quốc đã thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ, thiết thực trong nỗ lực thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị nông sản và cải thiện thu nhập cho nông dân Việt Nam.
Sau hơn 3 năm, Dự án “Hỗ trợ cơ sở sơ chế và bảo quản nông sản tại Việt Nam” đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Việc áp dụng máy móc, thiết bị hiện đại trong sơ chế, bảo quản sẽ góp phần tăng năng suất lao động, gia tăng giá trị cho rau, củ Hải Dương, cải thiện đáng kể thu nhập cho nông dân.
Bên cạnh đó, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về chất lượng của các thị trường khó tính và mở ra cơ hội xuất khẩu trực tiếp tới nhiều nước, trong đó có Hàn Quốc.
Đồng chí Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương phát biểu tại buổi lễ
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT bày tỏ tin tưởng, công trình được khánh thành, đưa vào hoạt động sẽ là nền móng cho sự phát triển thịnh vượng của các HTX, góp phần phát triển kinh tế địa phương, mở ra con đường xuất khẩu rau củ mang thương hiệu Hải Dương ra các thị trường lớn và khó tính trên thế giới. Đồng thời, công trình là dấu mốc, minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả, bền vững giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng mong muốn các đối tác Hàn Quốc, KRC sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ để nông dân Hải Dương nói riêng, các tỉnh thành khác của Việt Nam nói chung có điều kiện tăng cường năng lực chế biến sâu, gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp Hàn Quốc và các doanh nghiệp khác, đưa nông sản Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.
Theo ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Hải Dương có hệ thống giao thông đa dạng, thuận lợi cho việc giao thương, phát triển kinh tế. Toàn tỉnh có trên 60% diện tích đất nông nghiệp, trên 70% dân số ở nông thôn, đất đai được thiên nhiên ưu đãi phì nhiêu, màu mỡ và được đánh giá là địa phương có tiềm năng về phát triển kinh tế nông nghiệp.
Ngành nông nghiệp Hải Dương hiện nay đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thông minh và hữu cơ.
Các đại biểu đến tham quan nhà xưởng, dây chuyền, thiết bị
Hàng năm, toàn tỉnh Hải Dương sản xuất được hơn 750.000 tấn lúa gạo; 700.000 tấn rau, củ các loại (trong đó có khoảng 50.000 tấn cà rốt, 70.000 tấn hành, tỏi); khoảng 300.000 tấn quả các loại; khoảng 200.000 tấn thịt gia súc, gia cầm và thủy sản.
Ngoài việc đẩy mạnh sản xuất, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương và hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp đến tiêu thụ nông sản cũng luôn được tỉnh Hải Dương quan tâm thực hiện.
Nông sản của tỉnh đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, các sàn giao dịch thương mại điện tử và được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hàn Quốc, Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc...
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, bên cạnh những thuận lợi về sản xuất, tiêu thụ, công tác sơ chế, bảo quản nông sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế về mặt quy mô, công nghệ... các doanh nghiệp, HTX chưa mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này.
Do đó, có thể khẳng định, cơ sở sơ chế, bảo quản nông sản tại HTX Đức Chính và HTX Tân Minh Đức do dự án hỗ trợ là điển hình để các doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh nông sản khác trên địa bàn tỉnh đến học hỏi kinh nghiệm, lan tỏa mạnh mẽ cách làm nông nghiệp hiệu quả, an toàn. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị nông sản, cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân.
Theo Mekong Asean