Quản lý rủi ro đám đông

Góc nhìn - Ngày đăng : 14:11, 05/11/2022

Việc phòng ngừa rủi ro từ các đám đông rất cần thiết để tránh xảy ra những thảm họa đáng tiếc.

Những ngày gần đây liên tiếp xảy ra các thảm kịch do đám đông chen lấn tại các nước trên thế giới. Tối 29.10, tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc), hơn 100.000 người tập trung ở khu phố Tây Itaewon để dự lễ hội Halloween dẫn đến việc chen lấn khiến hơn 150 người chết, trong đó có 1 người Việt Nam. Một ngày sau, tối 30.10, 11 người đã thiệt mạng cũng trong một vụ giẫm đạp tại một buổi trình diễn âm nhạc của một ngôi sao người châu Phi ở thủ đô Brazzaville (Cộng hòa Congo). Trước đó, cũng trong tháng 10, ngày 1.10, trong một trận bóng đá tại Indonesia, đám đông mất kiểm soát đã làm 131 người chết. Trước những thảm kịch này, có lẽ không ít người không khỏi cảm thấy lo lắng khi nghĩ đến những lễ hội cũng tập trung đông người đã và sẽ được tổ chức ở nước ta. 

Sau hơn 2 năm không được tổ chức các sự kiện đông người do Covid-19, các lễ hội nhất là trong các dịp cuối tuần, ngày lễ ở nước ta thu hút rất đông người tham gia. Trong các dịp nghỉ lễ 30.4, 2.9 vừa qua, nhiều lễ hội, khu du lịch có số du khách tham gia, tham quan tăng gấp 10-20 lần so với trước. Dù chưa xảy ra tai nạn đáng tiếc nào tương tự nhưng nguy cơ vẫn luôn tiềm ẩn nên chúng ta hoàn toàn có thể rút ra các bài học kinh nghiệm để phòng tránh các rủi ro khi tổ chức những sự kiện tập trung đông người. 


Thảm kịch xảy ra tại Itaewon (Hàn Quốc) vừa qua đã khiến hơn 150 người chết

Đặc điểm chung của các thảm họa giẫm đạp này là đám đông rơi vào hỗn loạn do một lý do nào đó mà không có sự hướng dẫn cần thiết để được trấn an và giúp thoát ra ngoài. Điều này thường là tự phát và có thể xảy ra với bất cứ đám đông nào tập trung trong một khu vực nhất định. Để tình trạng này không xảy ra, khi tổ chức các sự kiện đông người tham gia với số lượng không kiểm soát được như các lễ hội đường phố, lễ hội không bán vé, cần có lực lượng an ninh, bảo vệ đủ đông và bố trí rộng khắp. Lực lượng này cần được tập huấn để có phương án phân tán khi đám đông có dấu hiệu tụ tập quá đông trong một khu vực. Nếu nơi tổ chức sự kiện có không gian hẹp, không mở thì cần tính toán số lượng người tập trung bảo đảm an toàn, đồng thời kiểm soát để số người có mặt cùng lúc trong không gian đó không vượt quá số lượng cho phép.

Khi tham gia một sự kiện đông người, nếu có ý thức đề phòng những rủi ro, đa số chúng ta nghĩ tới cháy nổ, trộm cướp, chứ không nghĩ tới việc đối phó với đám đông chen lấn hỗn loạn. Nhận thức này cần được bổ sung thông qua các chương trình giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường, gia đình, trên các phương tiện truyền thông đại chúng với các hướng dẫn cách đối phó khi bị chen lấn, giẫm đạp. Khi đứng trước một sự kiện có khả năng rất đông người dồn vào một chỗ, người tham dự nên quan sát những lối có thể thoát ra, và nên rút khỏi nơi đó ngay khi đám đông trở nên quá đông đúc. Nếu cả ban tổ chức lẫn người tham dự cùng có ý thức về vấn đề này thì sẽ giúp giảm bớt rất nhiều nguy cơ rủi ro do những đám đông mang lại. 

Hải Dương là nơi diễn ra nhiều sự kiện, lễ hội nên việc phòng ngừa rủi ro từ các đám đông rất cần thiết.

THÁI HOÀ