3 tính năng nổi bật của ứng dụng tài khoản định danh điện tử
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 12:41, 07/11/2022
Nghị định số 59/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử đã chính thức có hiệu lực thi hành. Từ nay, người dân xuất trình thông tin định danh điện tử qua ứng dụng VNeID để chứng minh nhân thân, giao dịch các thủ tục hành chính thay căn cước công dân gắn chip.
Tố giác hành vi có dấu hiệu phạm tội
Theo Bộ Công an, công dân có thể tố giác tội phạm trên ứng dụng định danh điện tử VNeID. Quy trình thực hiện như sau:
- Bước 1: Đăng nhập vào tài khoản VNeID
- Bước 2: Vào Dịch vụ khác > Kiến nghị, phản ánh về an ninh trật tự > Tạo mới yêu cầu
- Bước 3: Điền đầy đủ thông tin > Ấn tiếp tục > Tích vào ô "Tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về lời khai ở trên > Xác nhận
Những hành vi người dân có thể tố giác qua VNeID
Những hành vi phạm tội mà công dân có thể tố giác thông qua ứng dụng VNeID, gồm:
- Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng
- Cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính mạng viễn thông
- Sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu an toàn tìm kiếm cứu hộ cứu nạn quốc phòng an ninh
- Chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác quân sự
- Tổ chức môi giới cho người khác xuất cảnh nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
- Cưỡng bức lao động, bắt cóc con tin, đăng ký hộ tịch trái phép...
Thay thế bằng lái xe, thẻ bảo hiểm y tế
Khoản 12, Điều 3 Nghị định 59/2022/NĐ-CP nêu rõ tài khoản VNeID sử dụng số định danh cá nhân (số căn cước công dân gắn chip) và số điện thoại của người dân để đăng nhập. Khi sử dụng VNeID, người dân có thể đăng ký tài khoản định danh điện tử ở 2 mức.
Trong đó, tài khoản mức 1 có giá trị chứng minh thông tin trong các hoạt động, giao dịch có yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân. Còn mức 2 có giá trị tương đương với sử dụng căn cước công dân trong các giao dịch có yêu cầu xuất trình căn cước công dân.
Ngoài ra, tài khoản mức 2 cung cấp thông tin có trong các loại giấy tờ đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử như giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế… để đối chiếu khi phải xuất trình giấy tờ đó.
Như vậy, người dân hoàn toàn có thể sử dụng ứng dụng VNeID thay thế bằng lái xe, thẻ bảo hiểm y tế và các giấy tờ khác với điều kiện đã đồng bộ các giấy tờ này vào tài khoản định danh mức 2.
Thời gian tới, ứng dụng VNeID có thể tích hợp thêm nhiều tiện ích hơn, như: Dịch vụ thương mại điện tử, thanh toán điện tử, ký số các hợp đồng điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt...
Các loại giấy tờ sẽ được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử
Xuất trình thay sổ hộ khẩu
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 38 Luật Cư trú năm 2020, từ 1.1.2023, sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy chính thức không còn giá trị sử dụng. Cơ quan chức năng sẽ quản lý thông tin cư trú của người dân bằng phương thức điện tử thông qua tài khoản định danh, ứng dụng VNeID...
Để sử dụng VNeID thay sổ hộ khẩu, công dân cần đến cơ quan công an đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 2. Sau khi được kích hoạt ứng dụng này, công dân đăng nhập để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mà trước đây cần đến sổ hộ khẩu.
Đối với VNeID, công dân sử dụng tài khoản, mật khẩu đăng nhập ứng dụng trên thiết bị di động. Sau đó, người dân có thể sử dụng các thông tin căn cước công dân, thông tin dân cư được tích hợp hiển thị trên ứng dụng này để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự.
Thông tin hiển thị trên VNeID gồm: Số căn cước công dân; họ và tên; ngày sinh; giới tính; quốc tịch; quê quán; nơi thường trú; căn cước công dân có giá trị đến; đặc điểm nhận dạng; ngày cấp, số điện thoại.
Theo Zing