Đặt cọc cao để tránh thông thầu
Chính trị - Ngày đăng : 18:47, 07/11/2022
Đại biểu Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương phát biểu tại phiên thảo luận tổ
Đại biểu Lê Văn Hiệu đồng tình, đánh giá cao điều 10 dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) về ưu tiên trong lựa chọn nhà thầu. Theo dự thảo luật, trong 8 đối tượng được ưu tiên lựa chọn nhà thầu có đối tượng doanh nghiệp sử dụng từ 25% số lao động nữ hoặc 25% số người khuyết tật trở lên được xếp vào hạng trên nếu cùng điểm với các loại hình doanh nghiệp khác khi tham gia đấu thầu.
Với quy định về sử dụng lao động nữ, đại biểu Lê Văn Hiệu cho rằng quy định này là hợp lý vì lao động nữ thường có khả năng gánh vác việc nặng thấp hơn so với lao động nam, sức khỏe của nữ giới bị ảnh hưởng do thực hiện chức năng sinh đẻ. Cùng với đó, trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam, người phụ nữ không chỉ làm các công việc xã hội, tham gia làm việc trong các doanh nghiệp, tổ chức mà còn đồng thời làm nhiều công việc ở nhà hơn so với nam giới. Do đó, đại biểu Lê Văn Hiệu đồng tình cao với quy định này, góp phần khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động nữ.
Tuy nhiên, về nội dung doanh nghiệp sử dụng từ 25% số lao động là người khuyết tật trở lên mới được ưu tiên, đại biểu cho rằng yêu cầu đặt ra quá cao do người sử dụng lao động khuyết tật gặp nhiều khó khăn hơn rất nhiều so với sử dụng lao động nữ. Theo đại biểu, doanh nghiệp sử dụng lao động khuyết tật tốn công sức và tiền bạc trong đào tạo nghề; tạo điều kiện máy móc, thiết bị, đồ dùng; quản lý người lao động có sức khỏe yếu, hay nghỉ việc đột xuất, chính sách ưu tiên, ưu đãi liên quan đối tượng lao động khác trong doanh nghiệp.
"Nếu trong doanh nghiệp sử dụng từ 10% số lao động là thương binh, người khuyết tật trở lên thì nên được xem xét ưu tiên trong tham gia đấu thầu. Việc doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật sẽ giải quyết nhiều vấn đề, tạo cơ hội, động viên người khuyết tật tham gia lao động, vươn lên tự bảo đảm cuộc sống và góp phần xây dựng xã hội hài hòa, nhân văn", đại biểu Lê Văn Hiệu nêu ý kiến.
Góp ý vào điều 14 về bảo đảm dự thầu, đại biểu cho rằng điều này có quy định chưa phù hợp. Theo Luật Đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá phải đặt cọc trước từ 5 - 20% nhưng Luật Đấu thầu chỉ đặt ra là từ 3 - 5%.
"Thời gian gần đây xảy ra một số trường hợp "nhiễu loạn trong tham gia đấu giá", nhiều ý kiến của cử tri, nhân dân, các nhà quản lý cho rằng cần phải đặt ra yêu cầu đặt cọc cao hơn, tránh việc nhũng loạn và hiện tượng chọc thầu, nhũng loạn trong thầu và thúc thầu. Nếu gói thầu trị giá 100 tỷ đồng mà yêu cầu đặt ra chỉ 1 tỷ đồng, tối đa 3 tỷ đồng đã đủ điều kiện bảo đảm nhà thầu thì thấp quá", đại biểu Lê Văn Hiệu nhận định.
So sánh giữa dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) và thực tiễn đang triển khai Luật Đấu giá tài sản, đại biểu Lê Văn Hiệu cho rằng trong bảo đảm dự thầu nên đặt yêu cầu tối thiểu là 5 - 20% để tránh việc tham gia đấu thầu nhưng lại có hành vi thông thầu để có lợi nhuận lớn hơn, gây nhiễu loạn.
PHONG TUYẾT