Trải nghiệm cầu kính dài nhất thế giới tại Việt Nam
Khám phá - Ngày đăng : 08:11, 09/11/2022
Những ngày cuối tháng 10, Mộc Châu (Sơn La) chưa bước vào cao điểm thu hút khách du lịch, thời tiết chưa xuất hiện nhiều sương mù và nhiệt độ cũng không lạnh lắm, nhưng lượng du khách vẫn đến Mộc Châu khá đông. Một trong những sức hút là cây cầu kính dài nhất thế giới được kỷ lục Guinness công nhận.
Lối vào cầu kính Bạch Long trải đầy hoa hồng và điểm nhấn là biểu tượng Guinness thế giới
Từ Hà Nội, du khách muốn đến được Mộc Châu phải di chuyển một quãng đường gần 200 km. Mộc Châu là nơi sản xuất nhiều loại rau củ quả cung cấp cho Hà Nội, tương tự như vai trò của Đà Lạt với TP Hồ Chí Minh. Ai đến Mộc Châu lần đầu tiên, có lẽ sẽ không khỏi buộc miệng thốt lên rằng: "Sao mà giống Đà Lạt quá". Ở nhiều nơi, Mộc Châu cũng có rừng thông cao vút, hồ nước trong xanh lãng mạn. Và đâu đó là cái lạnh vướng vít vào cơ thể.
Đồi núi chập chùng, hùng vĩ khi nhìn ngắm từ cầu kính Bạch Long
Từ tháng 5.2022, Mộc Châu có thêm địa điểm thu hút du lịch mới tại xã Mường Sang, huyện Mộc Châu. Nằm trong quần thể du lịch Mộc Châu Island, cây cầu kính Bạch Long có tổng chiều dài 632m. Đây là cầu kính thứ ba tại Việt Nam, sau cầu Rồng Mây ở Lai Châu và cầu Tình yêu cũng ở Mộc Châu. Với phong cảnh thoáng đãng, hữu tình, Mộc Châu Island thu hút du khách bỏ thời gian vượt quãng đường xa xôi đến đây trải nghiệm.
Cơ sở hạ tầng ở Mộc Châu Island được hoàn thiện rất bài bản, hiện đại
Mới đưa vào hoạt động từ cuối tháng 5.2022, cầu kính Bạch Long vẫn còn là địa điểm khá mới mẻ, chưa được nhiều người biết đến khám phá
Giống như tên gọi, nhìn từ xa cây cầu Bạch Long tựa như con rồng trắng hùng vĩ và uốn lượn theo vách núi dựng đứng. Nếu so về độ cao và cảm giác "nguy hiểm", có lẽ cầu Bạch Long không bằng được một số công trình ở Trung Quốc hay Singapore. Nhưng có lẽ nhờ vậy mà hầu hết du khách đến đây đều thoải mái tạo dáng, tha hồ "bung xõa" để có được những tấm hình đẹp mà không cảm thấy hoang mang lo sợ khi nhìn xuống đáy kính trong suốt.
Du khách thoải mái tạo dáng trên cây cầu đáy kính trong suốt
Nhiều du khách cho biết cảm nhận vẫn thấy một độ rung nhẹ khi di chuyển trên cây cầu, tuy nhiên, không có nhiều cảm giác bất an, lo lắng
Điểm nhấn của cây cầu Bạch Long có lẽ là ở cuối điểm đến. Bước qua cây cầu, du khách sẽ đến ngay cửa động Chim Thần, một hang động thiên nhiên hết sức quyến rũ và kỳ bí. Khi lạc vào đây, nhiều người không khỏi cảm thấy quá nhỏ bé trước sự hùng vĩ đến lạ lùng của thiên nhiên.
Hang động Chim Thần khô ráo, sạch sẽ và rất rộng rãi, sức chứa đến hàng ngàn người
Hang Chim Thần, chưa phải là một hang động thiên nhiên rộng lớn nhất tại Việt Nam. So với động Thiên Đường, Phong Nha ở tỉnh Quảng Bình hay Tràng An ở Ninh Bình thì vẫn chưa bằng, nhưng hang đá ở đây trên núi cao hơn 1.500m, cấu tạo bằng những khối đá rắn chắc, sạch sẽ, hình dáng lạ lùng, hoàn toàn khác với không gian ẩm ướt, mong manh của những hang động thạch nhũ.
Không gian trong hang động khiến du khách có cảm giác đang lạc vào thế giới của những câu chuyện kiếm hiệp kỳ bí cách đây hàng trăm năm
Càng vào sâu bên trong, lòng hang động càng rộng và có cả một hồ nước tự nhiên. Chủ đầu tư đã khéo léo biến nơi đây thành một hồ cá Koi để du khách check-in, chụp ảnh. Được biết, nơi đây, xa xưa vốn là nơi cư trú của một bộ phận người dân tộc Thái, trên vách đá vẫn còn lưu lại những vết tích văn hóa.
Cuối hang động, du khách sẽ men theo bậc thang để quay lại điểm xuất phát, tuy nhiên, lối đi này trơn trượt, nhiều bụi rậm và cả rắn rết nguy hiểm. Vì thế sau 18h thì du khách buộc phải quay lại cầu kính để trở về.
Cầu kính Bạch Long lung linh vào ban đêm nhờ hệ thống đèn chiếu sáng hiện đại
Nhìn tổng thể, quần thể du lịch Mộc Châu Island với điểm nhấn là cây cầu kính Bạch Long là điểm tham quan hết sức lý tưởng. Điểm trừ duy nhất ở đây chính là giá vé vào cửa còn quá cao, giá niêm yết 650.000 đồng/người lớn, người dân địa phương được ưu đãi 400.000 đồng/vé. Nếu điều chỉnh mức phí này phù hợp hơn thì có lẽ nhiều du khách sẽ chọn quay lại một, thậm chí nhiều lần để checkin, sống ảo, thăm thú vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc.
Hai cầu kính còn lại của Việt Nam Cầu kính Tình Yêu, Mộc Châu, Sơn La Đây là cây cầu kính đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng và đi vào hoạt động từ tháng 4/2019. Cầu kính Tình Yêu nằm trong Khu du lịch sinh thái thác Dải Yếm, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu , tỉnh Sơn La. Cầu có độ cao 22 m so với dòng suối bên dưới, dài 80 m và rộng 2 m. Kiến trúc cầu có sự kết hợp từ 10 cụm trái tim có 10 cánh sen tạo hình bông sen. Không quá gây sốc với du khách về độ cao và độ nguy hiểm nhưng cầu kính Tình Yêu có đặc điểm kết hợp công nghệ 5D hiện đại, mặt đáy cầu có thể thay đổi với hơn 30 hiệu ứng như nứt vỡ, tạo cảm giác mạnh, hình trái tim, hoa nở, cá bơi... Đứng trên cầu du khách ngắm được toàn cảnh khuôn viên khu du lịch từ trên cao. Giá vé vào cổng khu du lịch là 50.000 đồng/người, miễn phí với trẻ em cao dưới 1,2 m. Du khách muốn tham quan cầu kính phải mua vé riêng giá 100.000 đồng/người lớn và 50.000 đồng/trẻ em cao dưới 1,2 m. Du khách tham quan cầu kính khi mới khai trương. |
Cầu kính Rồng Mây, Tam Đường, Lai Châu Cầu kính Rồng Mây nằm ở độ cao hơn 2.200 m bắt đầu đón khách từ cuối năm 2019. Công trình gồm hạng mục thang máy lồng kính trong suốt cao 300 m, toàn bộ cầu dài hơn 500 m, một đoạn vươn ra khỏi vách núi 60 m. Cầu thuộc khu du lịch cầu kính rồng Mây ở xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, cách thị xã Sa Pa khoảng 17 km và cách trung tâm huyện Tam Đường khoảng 30 km. Đến đây, du khách được trải nghiệm đi thang máy trong lòng núi, săn mây, chụp ảnh check-in cùng khung cảnh núi non hùng vĩ ở đèo Ô Quy Hồ. Để lên cầu kính du khách đi thang máy cao 300 m trong đó 80 m nằm trong lòng núi. Đầu năm 2021, báo Ấn Độ India Times từng giới thiệu cầu kính cao nhất Việt Nam thuộc tỉnh Lai Châu vào danh sách 15 cây cầu kính vừa đẹp vừa nguy hiểm nhất thế giới. Giá vé tham quan gồm dịch vụ thang máy lồng kính - cầu kính, ngắm cảnh sinh thái ven núi 400.000/người lớn, 200.000 đồng/trẻ em. Ngoài đi cầu kính, du khách có thể trải nghiệm các hoạt động mạo hiểm khác như nhảy bungee, leo núi, dù lượn trong khu du lịch. |
Theo Người lao động