Nhiều mâu thuẫn trong dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)
Tin tức - Ngày đăng : 13:35, 11/11/2022
Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn cho biết nhiều quy định tại dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) chưa thống nhất với nhau và chưa đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội
Sáng 11.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Nêu quan điểm tại hội trường, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn (Hải Dương) chỉ rõ những bất cập, mâu thuẫn trong dự thảo luật và đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát để điều chỉnh.
Cụ thể, tại khoản 2 điều 29 dự thảo luật quy định dịch vụ tin cậy là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, khoản 3 điều 7 Luật Đầu tư năm 2020 quy định điều kiện đầu tư kinh doanh phải được quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Theo đó, bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND, UBND các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.
Mặt khác, tại khoản 5 điều 7 Luật Đầu tư năm 2020 quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh bao gồm đối tượng, phạm vi, hình thức, nội dung áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh; hồ sơ, trình tự, thủ tục hành chính để tuân thủ điều kiện đầu tư kinh doanh (nếu có). Cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đối với điều kiện đầu tư kinh doanh. Thời hạn có hiệu lực của giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hoặc văn bản xác nhận, chấp thuận khác (nếu có). Tuy nhiên, tại khoản 5 điều 29 dự thảo luật lại giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết về các bộ phận cấu thành của điều kiện đầu tư kinh doanh của ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn đề nghị sửa đổi khoản 5 điều 29 dự thảo theo hướng giao cho Chính phủ quy định chi tiết các nội dung này.
Qua nghiên cứu, đại biểu cũng nhận thấy pháp luật về công chứng, chứng thực hiện hành chưa có quy định hướng dẫn cho loại hình hợp đồng điện tử dẫn đến hạn chế trong lựa chọn phương thức giao kết hợp đồng. Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn cũng chỉ ra rằng trong từng điều luật và giữa các điều luật của dự thảo hiện chưa khoa học, thống nhất, toàn diện. Lấy ví dụ cụ thể tại khoản 16 điều 3 dự thảo quy định về xử lý dữ liệu, bao gồm cả hoạt động lưu trữ dữ liệu nhưng tại khoản 13 điều 3 dự thảo lại quy định lặp lại và chưa khoa học.
Tương tự, khái niệm “nền tảng số” ở khoản 19 điều 3 và “nền tảng số trung gian” ở điểm c khoản 1 điều 47 cũng không thống nhất. Điểm b khoản 2 điều 16 dự thảo luật quy định “người nhận có thể coi thông điệp dữ liệu là của người khởi tạo nếu đã áp dụng các phương pháp xác minh được người khởi tạo chấp thuận và cho kết quả thông điệp dữ liệu đó là của người khởi tạo". Theo đại biểu, quy định này không phù hợp vì người khởi tạo có thể không chấp nhận phương pháp xác minh nguồn khởi tạo, dẫn đến việc xác định người khởi tạo bị phụ thuộc vào ý chí của người khởi tạo mặc dù họ đã khởi tạo thông điệp dữ liệu. Đại biểu đề nghị cần quy định rõ cơ chế xác minh người khởi tạo thông điệp dữ liệu...
PHONG TUYẾT