Làn sóng "Zombie công sở" đang trỗi dậy
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 17:40, 13/11/2022
“Quiet quitting” - một thuật ngữ mới phổ biến trên nền tảng Tiktok từ đầu năm 2022, bật mí bí quyết của những người trẻ để trở thành nhân viên công sở "làm vừa đủ". Khi kết thúc giờ làm, họ cắt đứt liên lạc để công việc không ảnh hưởng tới các yếu tố khác trong cuộc sống.
Không muốn cống hiến
Khái niệm này được bà Thanh Nguyễn - Giám đốc điều hành và truyền cảm hứng hạnh phúc của Anphabe - chia sẻ tại hội nghị “Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2022” diễn ra giữa tuần này.
Theo đại diện Anphabe, nếu giới lãnh đạo doanh nghiệp có con mắt khắt khe thì họ sẽ coi những nhân viên trên là dạng “zombie công sở” (xác sống - PV). Nhưng nếu các sếp hiểu xu hướng, họ sẽ nhìn người lao động với con mắt cảm thông.
“Có những dạng "quiet quitting" vẫn nỗ lực trong giờ làm việc. Ngoài giờ, họ biến mất hoàn toàn. Đây như một lời phản kháng, đặt giới hạn, nói không với tình trạng cạn kiệt sức lực trong công việc khiến người đi làm hết sức mệt mỏi hiện nay”, bà Thanh nói.
Giám đốc Nghiên cứu thị trường Intage Việt Nam, bà Vân Lưu, nhận định, những đối tượng trên thuộc dạng người đi làm thường xuyên phải chịu tình trạng stress (áp lực). Họ không muốn làm gì cả nhưng nghỉ việc cũng là điều không thể vì khó tìm được cơ hội tốt thay thế. Do đó, họ chọn cách làm việc cầm chừng.
Bà Tina Nguyễn, CEO Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Generali Việt Nam, bình luận, hiện tượng “quiet quitting” là những nhân viên chưa nghỉ việc nhưng ở tâm hồn đang ở đâu đó. Họ không muốn cố gắng, nỗ lực và nhiệt huyết như trước.
Số liệu tại Mỹ cho thấy, năng suất lao động của người đi làm tại quốc gia này trong năm 2022 giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1947. Đây là vấn đề trên bàn nghị sự của nhiều CEO doanh nghiệp nhằm giữ lửa cho nhân viên.
Vậy người lao động đang cần gì?
Khảo sát gần 60.000 người đi làm tại Việt Nam trong năm 2022 cho thấy, yếu tố “được chăm sóc sức khỏe và tinh thần” đang ở vị trí số hai, chỉ sau phúc lợi. Điều này đứng top 2/15 yếu tố quan trọng khi người lao động tìm kiếm chỉ dấu về một nơi làm việc lý tưởng.
Để giải bài toán “quiet quitting” thì “well-being” - an sinh cho nhân viên, đang là xu hướng được doanh nghiệp thế giới quan tâm. Theo khảo sát toàn cầu của LinkedIn, từ khóa “well-being” xuất hiện nhiều hơn 73% so với năm 2019, việc chia sẻ về các yếu tố liên quan đến “well-being” cũng tăng 114% so với năm 2019.
Dẫu vậy, tại Việt Nam, “well-being” vẫn chưa được coi là yếu tố chiến lược. Chỉ 15% số công ty coi “well-being” cho nhân viên là yếu tố then chốt trong năm 2023.
Theo bà Thanh Nguyễn, “well-being” ngày nay không chỉ là cung cấp một vài hoạt động như đặt bàn bi-a vào văn phòng hay cho nhân viên ăn snack miễn phí. An sinh nhân viên cần trở thành chiến lược nhân tài trụ cột, là sợi dây xuyên suốt quyết định nhiều hoạt động xung quanh của công ty.
Ví dụ, mỗi tháng, LinkedIn có một ngày thứ sáu “no meeting” - không một cuộc họp nào cả; bên cạnh ngày nghỉ thông thường, ngày well-being toàn cầu vào tháng 6 hàng năm là ngày nghỉ chính thức của doanh nghiệp; năm 2021, sau thời gian dịch bệnh căng thẳng, cả công ty được nghỉ việc 1 tuần. Thời gian hè từ tháng 7-9, các phụ huynh sẽ được nghỉ làm vào chiều thứ sáu hàng tuần để có thêm thời gian cho con cái.
Tương tự, tại Aeon Việt Nam, nhân viên khối văn phòng linh hoạt sắp xếp 1-2 ngày/tuần để làm việc tại nhà hoặc từ xa. Ngoài đào tạo và phát triển nhân lực, các chương trình hướng tới sức khoẻ tinh thần, thể chất cho nhân viên cũng là giá trị không thể thiếu nhằm kiến tạo một nơi làm việc tốt.
“Để giúp nhân viên, với số lượng rất đông, cùng cải thiện sức khỏe thể chất thì phải chọn các hoạt động đơn giản và dễ làm. Do đó, chúng tôi chọn đi bộ, sau đó chuyển sang chạy bộ tiếp sức, nâng cao tinh thần đồng đội và sự gắn kết giữa nhân viên”, bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ - Giám đốc Nhân sự Aeon Việt Nam - chia sẻ.
Theo Vietnamnet