Thiền giúp giảm lo âu tương đương dùng thuốc
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 14:00, 14/11/2022
Tạp chí JAMA Psychiatry vừa công bố nghiên cứu thực hiện trên 276 người mắc chứng rối loạn lo âu chưa được điều trị. Các nhà khoa học chia bệnh nhân làm hai nhóm. Nhóm đầu dùng từ 10 đến 20 mg escitalopram (Lexapro), một loại thuốc phổ biến dùng để điều trị lo âu và trầm cảm. Nửa còn lại tham gia khóa học kéo dài 8 tuần về giảm căng thẳng dựa trên thiền, chánh niệm. Kết quả, cả hai nhóm đều giảm 20% triệu chứng lo âu trong thời gian 8 tuần.
Bệnh nhân ở nhóm thiền được chỉ định tham gia lớp chánh niệm mỗi tuần một lần. Mỗi lớp kéo dài hai tiếng rưỡi, được tổ chức tại một cơ sở y tế địa phương. Chương trình này được gọi là giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm, do Jon Kabat-Zinn phát triển lần đầu vào những năm 1970 dựa trên một số giáo lý Phật giáo.
Các chuyên gia cũng yêu cầu tình nguyện viên tự thiền định khoảng 40 phút mỗi ngày. Elizabeth Hoge, tác giả chính của nghiên cứu, Giám đốc chương trình Nghiên cứu Rối loạn Lo âu tại Trung tâm Y tế Đại học Georgetown, đã so sánh điều này như "tham gia một lớp thể dục hoặc nghệ thuật".
"Đây là kỹ năng mà bạn phải luyện tập. Mọi người học cách giao tiếp với chính suy nghĩ của họ. Trong thực hành, chúng tôi huấn luyện mọi người buông bỏ tạp niệm, kiên nhẫn và nhẹ nhàng với ý nghĩ, cứ để chúng trôi qua", bà nói.
Bà Hoge kỳ vọng nghiên cứu có thể mở ra lựa chọn điều trị mới đối với bệnh nhân mắc chứng lo âu. "Lexapro là một loại thuốc tốt. Tôi đã kê đơn cho nhiều bệnh nhân, nhưng nó không phù hợp với một số người", bà nói.
Hoge cho biết có thể chỉ định tập thiền với các bệnh nhân gặp nhiều tác dụng phụ sau khi sử dụng các loại thuốc điều trị rối loạn lo âu. Thiền cũng là bước đầu tiên đối với người mắc chứng lo âu, đang cảnh giác với các loại thuốc.
Một nghiên cứu khác công bố trên tạp chí Điều dưỡng năm 2011 cho thấy chương trình chánh niệm kéo dài 8 tuần có hiệu quả giống thuốc chống trầm cảm, ngăn ngừa tình trạng này tái phát.
Tuy nhiên, bệnh nhân đang theo phác đồ điều trị lâu dài không nên tự ý dừng sử dụng mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Bệnh nhân cũng không nên mong đợi rằng chỉ một phương pháp độc lập (thiền định hoặc thuốc) có thể loại bỏ hoàn toàn sự lo lắng.
"Lo lắng là một thứ gì đó tự nhân lên theo thời gian. Khi một người trở nên lo lắng, họ suy yếu các kỹ năng nhận thức xã hội. Chính sự suy yếu đó tiếp tục khiến họ lo lắng nhiều hơn", bà nói.
Theo VnExpress