10 cuốn sách tôn vinh "nghề thầy" nhân dịp 20.11
Văn hóa - Giải trí - Ngày đăng : 08:30, 15/11/2022
“Được học – Educated” là tác phẩm tự truyện của Tara Westover, một cô gái người Mỹ phải đợi đến năm 17 tuổi mới được tiếp cận nền giáo dục. Nhưng chỉ 10 năm sau, cô đã giành học vị Tiến sĩ tại một trong những trường đại học danh giá nhất thế giới: Đại học Cambridge.
Cuốn tự truyện lôi cuốn kể về con đường tự học của Tara Westover, và trên hành trình đó của nhân vật, có vai trò của những người thầy, những vị Tiến sỹ, Giáo sư từng khuyến khích, giúp đỡ cô. Có lẽ bản thân họ cũng không ngờ rằng với cô sinh viên mang đầy mặc cảm và ám ảnh đó, chỉ một ánh mắt ủi an, một lời khuyên ân cần đã đủ tạo ra bước ngoặt cuộc đời…
“Màu của nước” cũng là một cuốn tự truyện. Nhà văn Mỹ James McBride viết để tưởng nhớ người mẹ của mình, một phụ nữ gốc Do Thái da trắng kết hôn với người những người đàn ông da đen. Vượt lên bi kịch cá nhân, sự thiếu thốn về vật chất, sự ngược đãi về tinh thần và mọi sự phân biệt đối xử, bà đã nuôi dạy mười hai đứa con trở thành các bác sĩ, giáo sư, giáo viên, nhà khoa học. Cách bà chọn trường lớp cho các con cho thấy vai trò của việc giáo dục trong nhà trường đã ảnh hướng không nhỏ tới cuộc đời của mỗi con người.
“Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản” của tác giả Nguyễn Quốc Vương, là sự quan sát và chiêm nghiệm về giáo dục nói chung và giáo dục lịch sử nói riêng trong cái nhìn so sánh Việt Nam – Nhật Bản. Trong thời gian du học tại Nhật Bản, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương đã tìm tòi nghiên cứu và có nhiều bài báo, công trình nghiên cứu có tính phản biện và đưa ra các phân tích mang tích độc lập về các vấn đề nóng của giáo dục Việt Nam.
Trong quá trình nghiên cứu, tác giả nhận thấy hầu hết các vấn đề của giáo dục Việt Nam hiện nay còn đang tranh cãi thì ở Nhật đã gặp phải, cũng như đã giải quyết được cách đây hơn 70 năm. Và để có được một xã hội Nhật Bản thịnh vượng như ngày nay, Nhật Bản đã phải trải qua công cuộc cải cách giáo dục một cách toàn diện. Chương trình giáo dục phổ thông Nhật Bản đã đổi mới thành công bởi các nhà quản lý giáo dục Nhật Bản: Chú trọng “cải cách giáo dục từ dưới lên”; coi Chương trình chỉ là tham khảo; Các môn học và phương pháp kiểm tra, đánh giá mới hoàn toàn mới so với trước.
Từ việc so sánh về giáo dục Việt Nam và Nhật Bản, tác giả đưa ra kết luận: Đối với một nền giáo dục “Triết lý giáo dục” là vô cùng quan trọng. Vì vậy, về lâu dài muốn xây dựng được nền giáo dục dân tộc, hiện đại và hội nhập quốc tế thì chắc chắn vấn đề “triết lý giáo dục” cần phải được giải quyết thấu đáo. Giáo dục Việt Nam cần đến một triết lý thu nhận được sự đồng thuận của đông đảo nhân dân và phù hợp với những giá trị phổ quát của nhân loại. Một khi có triết lý giáo dục rõ ràng, cải cách giáo dục sẽ diễn ra thuận lợi tạo nên những thay đổi tích cực.
“Kỷ luật tích cực trong lớp học” của Tiến sỹ Jane Nelsen, Thạc sỹ Lynn Lott và H. Stephen Glenn là một cuốn sách best-sellervới hơn hai triệu bản được bán ra trên toàn thế giới. Ấn bản này được cập nhật với những công cụ mới nhất dành cho người giáo viên hiện đại. Thay vì phải chăm chăm kiểm soát hành vi của trẻ, giáo viên sẽ thực sự có thời gian dạy và truyền đạt kiến thức cho trẻ. Thay vì phải đối mặt với sự thờ ơ, bàng quan của trẻ, giáo viên sẽ tận hưởng sự hào hứng, tích cực và đầy động lực từ các em. Với cuốn sách này, các thầy cô giáo sẽ học được cách tạo một môi trường lớp học thúc đẩy tinh thần học thuật; Sử dụng hiệu quả sự khích lệ thay vì phần thưởng và lời khen ngợi; Giúp trẻ thấm nhuần những kỹ năng xã hội quan trọng và các hành vi tích cực qua các buổi sinh hoạt lớp; Hiểu được tại sao mời gọi trẻ tham gia vào quá trình giải quyết vấn đề lại hiệu quả hơn việc áp dụng hình phạt; Hiểu được động lực đằng sau hành vi của trẻ thay vì tìm kiếm nguyên nhân.
“Maria Montessori - Cuộc đời và sự nghiệp” cung cấp cho độc giả những kiến thức nền tảng cơ bản về cuộc đời và sự nghiệp của một trong những nhà giáo dục vĩ đại nhất thế kỷ XX - Maria Montessori.
Từ một bác sỹ tâm thần chuyên giúp đỡ những trẻ em chậm phát triển trí tuệ, một cơ duyên tình cờ đã đưa bà đến với sự nghiệp giáo dục trẻ thơ và bản thân bà đã không ngừng khám phá, nghiên cứu và tự hoàn thiện một triết lý giáo dục: hãy tôn trọng trẻ em và tìm cách cư xử với trẻ em một cách tự nhiên nhất có thể. Tác giả Standing ví khám phá của Maria Montessori cũng vĩ đại ngang với Columbus khám phá ra châu Mỹ. Chỉ có điều, thế giới mà Columbus khám phá ra là bên ngoài; còn Montessori đã khám phá ra một thế giới bên trong – bên trong tâm hồn của trẻ em.
Khởi đầu với một ngôi trường mang tên Casa dei Bambini (Ngôi nhà Trẻ thơ) ở Roma năm 1907, sau hơn một thế kỷ đã có hơn 25.000 trường học mang tên Montessori với đầy hấp lực từ Âu sang Á, từ Mỹ sang Phi... Những ghi chép của bà được gọi với tên Phương pháp Montessori ngày nay đã được dịch sang hơn 20 thứ tiếng trên toàn cầu.
“Đời giáo” (tên gọi khác “Đời giáo dở khóc dở cười”) của tác giả Colm Cuffe là tập truyện tranh hài hước. Tác giả người Ireland, Colm Cuffe hiện vừa là một giáo viên tiểu học trẻ tuổi đầy nhiệt huyết, vừa là một họa sĩ với phong cách vẽ hóm hỉnh, đáng yêu và rất thông minh
Tác phẩm tái hiện cuộc sống thường nhật của một người giáo viên điển hình: yêu nghề, hết lòng vì trẻ. Bên cạnh những phút giây được hưởng trái ngọt (khá là hiếm hoi) khi học trò ngoan, đáng yêu, hiếu học..., là (vô vàn) những câu hỏi trái khoáy rất đỗi hồn nhiên, nhưng người thầy chỉ biết “câm nín” hay “thở dài đánh thượt” với nét mặt khiến ai nhìn vào cũng phải bật cười (đặc biệt là khi nhìn vào đôi mắt của thầy).
Bên cạnh những hình vẽ từ đơn giản đến tinh tế, Đời giáo dở khóc dở cười đã thể hiện được trọn vẹn các sự kiện diễn ra quanh một người thầy. Là những chuỗi ngày thường, thầy thì hào hứng còn trò thì làm thầy tưng hửng; Là những khoảnh khắc hỏi xoáy đáp xoay giữa thầy và đám nhóc tì chưa biết buộc dây giày, chưa biết bóc sữa chua, chưa biết đọc, biết viết...; Là suy nghĩ chỉ trẻ con mới có, rằng thầy cô không phải người thường; Là những tình huống, chỉ nhà giáo mới thấu...
Chắc chắn rằng, với truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt, "Đời giáo dở khóc dở cười" sẽ là món quà tri ân của những cô cậu học trò tới các thầy cô; và cuốn sách cũng sẽ là cây “cầu kiều” mà các bậc phụ huynh gửi tới những người thầy, người cô thay lời cảm ơn vì đã dành bao tâm sức trong sự nghiệp trồng người.
“Tro tàn của Angiela” là cuốn hồi ký của tác giả người Mỹ gốc Ireland - Frank McCourt, dựa trên những ký ức thời thơ ấu của ông, Angela chính là tên của mẹ ông. Tuổi thơ của McCourt là những ngày dài sống trong cảnh nghèo túng, bệnh tật, rác rưởi và thiếu thốn. Sự nghèo đói đeo đuổi lại thêm một người cha nghiện rượu khiến cho gia đình họ phải đi ăn xin từng bữa, nhặt nhạnh mọi thứ. Cuốn hồi ký là sự trưởng thành của những đứa trẻ, trong đó có ảnh hưởng từ người thầy, điển hình là thầy O’Halloran, hiệu trưởng, đồng thời là người “dạy một lúc ba lớp trong cùng một phòng, lớp sáu, lớp bảy và lớp tám” tại ngôi trường mà Frank McCourt theo học.
Trong hồi ức của Frank McCourt, thầy O’Halloran hiện ra với một hình ảnh người thầy cần mẫn chuẩn bị kỹ lưỡng từ ở nhà những bài giảng và nội dung cần học sinh ghi nhớ, đem ra lớp treo lên cho học sinh học thuộc. Thầy còn dạy cho lũ học trò biết điều gì là quan trọng, và đặc biệt là, luôn giải thích tại sao những điều ấy lại quan trọng…
“Ước vọng cho học đường” là tập bài viết về giáo dục của tác giả Huỳnh Như Phương. GS. Huỳnh Như Phương là nhà giáo chuyên giảng dạy lý thuyết văn học, đồng thời là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, phê bình văn học. Với tư cách một nhà giáo dạy văn, ông luôn ưu tư về nền giáo dục nước nhà, không ngừng trăn trở về văn học và nghề dạy học của bản thân. Trong hơn 40 năm làm việc, tác giả đã viết nhiều bài báo nhằm đóng góp ý kiến nâng cao chất lượng dạy và học.
"Ước vọng cho học đường” chọn lựa và tập hợp 20 bài trong hơn 100 bài viết về giáo dục của tác giả đã được đăng trên các báo và tạp chí hơn 40 năm qua. GS. Huỳnh Như Phương chủ ý chọn ra những bài viết khoảng hai thập niên đầu thế kỷ XXI để cuốn sách còn giữ được tính thời sự, như vấn đề đổi mới đại học, cải cách chương trình giáo dục phổ thông, biên soạn sách giáo khoa, tăng học phí ở bậc trung học..., những vấn đề hiện nay vẫn còn “nóng”. Bằng lối viết điềm tĩnh nhưng sáng rõ, các bài viết bóc tách từng lớp sự kiện để tìm ra gốc rễ và kiến nghị giải pháp.
“Trộm” của tác giả Kim Ryeo Ryeong rất hấp dẫn với Hae-il - nhân vật chính. Cậu bé biết mình có thể gọi bằng cái tên "thằng trộm vặt", nhưng không phải vì ham tiền, cũng không phải do túng thiếu hay đói khát. Chỉ đơn giản là bởi cậu có thể trộm, với đôi bàn tay linh hoạt đến không ngờ mà đôi khi nó tự nhận là không nghe theo những gì não nó chỉ đạo.
Lối viết "truyện chồng truyện" trong “Trộm” không chỉ cho chúng ta thấy những góc khuất trong tâm lí của những thiếu niên tuổi cận trưởng thành mà còn phản ánh nhiều thực trạng đa chiều khác nhau trong xã hội Hàn Quốc.
Kim Ryeo Ryeong có lẽ là nhà văn "gỡ những chiếc gai của sự trưởng thành" nhiều nhất trong tác phẩm này. Điểm nhấn của cô ở đây là không đặt ra những chuẩn mực đạo đức, thước đo nơi trường lớp. Thay vào đó, cô đặt ra những câu hỏi cho giáo dục gia đình và trường học, mong muốn một cái nhìn sâu hơn từ người lớn và hi vọng sẽ bóc tách được dần những nút thắt trong lòng mỗi thiếu niên. Trong đó, sự thấu hiểu và sát sao của một người thầy trong quá trình cổ vũ cậu học trò ấp trứng nuôi gà đã đưa thầy trò xích lại gần nhau, với thông điệp “Mọi tổn thương đều có thể chữa lành, và trái tim yêu thương vô điều kiện chính là nguồn gốc của sự chữa lành đó”.
“Học thế nào bây giờ” của tác giả Bruno Hourst là sách tư vấn cách vận dụng 8 loại hình thông minh để giúp trẻ học tập tốt hơn.
Bruno Hourst là kỹ sư, nhà đào tạo và giáo viên người Pháp. Sau khi được đào tạo ở Úc và Mỹ, ông phát triển nền tảng cho “học tốt”.
Ông chỉ ra những nghịch lý nơi trường học, như: Tại sao và nhân danh cái gì mà chúng ta đối xử với đứa trẻ trước khi đến trường và khi đến trường khác biệt đến vậy? Trong tình trạng hoàn toàn có ý thức, tại sao chúng ta bắt những đứa trẻ phải chịu đựng những điều mà chúng ta từ chối áp đặt cho các bé (trước khi đến trường), những điều mà chính người lớn chúng ta cũng không thể kham nổi? Tại sao trẻ mang chứng cận thị ngày càng sớm và càng nhiều, trong khi chúng được sinh ra với một đôi mắt hoàn hảo? Làm thế nào để chúng ta đã biến một đứa trẻ tò mò về mọi mặt, có khả năng học những điều cực kỳ phức tạp một cách dễ dàng đến kinh ngạc, thành một đứa trẻ lãnh đạm, chán ghét học tập và thường học tập sa sút, phải thường xuyên đe dọa (dưới hình thức này hoặc hình thức khác), và đôi khi trở thành nạn nhân của bệnh tật mà lạ lùng thay không có ai quan tâm đến cả? Tại sao người ta chấp nhận quá dễ dàng xem những đứa trẻ bị xếp loại như những đứa trẻ tăng động? Từ đâu ra điều nghịch lý tồi tệ cho là cần phải chịu đựng để học tập, cần phải ép buộc để học tập, trong khi việc học là một quá trình tự nhiên?
Theo Báo Tin tức