“Chợ đen” ngoại tệ

Kinh tế - Ngày đăng : 13:00, 16/11/2022

Mua bán ngoại tệ dễ dàng, chênh lệch tỷ giá cao hơn so với ngân hàng là những điểm mà thị trường giao dịch ngoại tệ tự do, hay còn gọi là thị trường “chợ đen” ngoại tệ vẫn hút khách.

Chênh lệch tỷ giá ngoại tệ cao hơn, giao dịch đơn giản hơn, số lượng không hạn chế là những lý do khiến thị trường ngoại tệ "chợ đen" hấp dẫn hơn so với ngân hàng (ảnh minh họa)

“Ăn” tỷ giá, dễ giao dịch

Đã nhiều năm nay, chị N.T.T. ở Thanh Miện, nhân viên một công ty hoạt động trong lĩnh vực du học tại Hải Dương và một số tỉnh, thành phố lân cận thường xuyên lựa chọn một cửa hàng vàng bạc trong tỉnh là địa điểm mua bán ngoại tệ. Theo chị T., khi giao dịch tại cửa hàng vàng bạc, chênh lệch tỷ giá ngoại tệ, nhất là với đồng USD luôn cao hơn tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng. Do đó khi bán ngoại tệ, những người như chị sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.

Ở chiều ngược lại, "chợ đen" mua vào ngoại tệ với tỷ giá cao nên khi bán, giá ngoại tệ thường cũng cao hơn so với ngân hàng nhưng vẫn hút khách. Nếu mua ngoại tệ tại các ngân hàng, chị T. sẽ phải làm rõ rất nhiều thông tin, chứng minh bằng nhiều giấy tờ về mục đích mua. “Ngay cả khi được thông qua bước kiểm duyệt này, số lượng tiền mặt ngoại tệ có thể mua được cũng không nhiều. Do đó khó có thể đáp ứng nhu cầu”, chị T. cho biết.

Cũng từ sự đơn giản trong giao dịch ngoại tệ, anh V.H.N. ở TP Hải Dương ít ngày trước đã chọn một cửa hàng vàng bạc trong tỉnh để mua ngoại tệ cho chuyến du lịch nước ngoài của gia đình. “Một số loại ngoại tệ không quá phổ biến thì cửa hàng vàng sẽ báo lại để “chốt đơn” trong một vài ngày. Riêng đồng USD thì gần như luôn sẵn sàng để phục vụ khách”, anh N. nói.

Không chỉ 2 trường hợp nói trên, đa phần người dân có nhu cầu mua bán ngoại tệ đều nghĩ ngay đến việc giao dịch trên thị trường tự do. Phần lớn họ chưa quan tâm đúng mức đến tính pháp lý của việc giao dịch ngoại tệ, chủ yếu do tâm lý muốn hưởng lợi nhuận chênh lệch tỷ giá cũng như sự thuận tiện trong mua bán.

Chênh lệch tỷ giá quá cao không chỉ khiến thị trường giao dịch ngoại tệ tự do luôn có sức hút, mà đã phát sinh một hình thức mới để tuồn USD từ ngân hàng ra "chợ đen". Gần 2 tháng trước, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một số bài đăng với nội dung cần tìm người có hộ chiếu để đi đổi ngoại tệ.

7 giờ ngày 15.11, tỷ giá đồng bạc xanh ngoài "chợ đen" phổ biến ở mức 25.020 đồng/USD mua vào, 25.120 đồng/USD bán ra, cao hơn gần 500 đồng/USD ở chiều mua vào, cao hơn gần 300 đồng/USD ở chiều bán ra so với tỷ giá niêm yết tại nhiều ngân hàng. Trung tuần tháng 9, mức chênh lệch này lên tới gần 1.000 đồng.

Dần yên ắng

Theo điều 2 Thông tư 18/VBHN-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ngày 11.10.2018 (Thông tư 18), người dân được mua bán ngoại tệ tiền mặt tại các tổ chức tín dụng được phép; mua để phục vụ tiền ăn, tiền tiêu vặt, tiền đi lại liên quan đến các mục đích học tập, chữa bệnh ở nước ngoài; đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài. Điều 5 thông tư này nêu rõ, tổ chức tín dụng được phép có thể căn cứ khả năng cân đối nguồn ngoại tệ để bán vượt mức quy định (100 USD/người/ngày hoặc các ngoại tệ khác tương đương trong khoảng thời gian lưu trú ở nước ngoài 10 ngày).

Thực tế, lượng ngoại tệ tiền mặt tại một số ngân hàng trong tỉnh bán cho khách hàng khi đủ điều kiện dao động từ 2.000-5.000 USD quy đổi. So với thị trường tự do, việc mua bán ngoại tệ ở ngân hàng thiếu hấp dẫn đối với người dân, từ chênh lệch tỷ giá, quy trình giao dịch cho đến hạn chế số lượng ngoại tệ được mua.

Giao dịch ngoại tệ tại thị trường "chợ đen" đa phần là khách hàng quen (ảnh minh họa)

Không chỉ ở ngân hàng, 3 đơn vị được phép đổi ngoại tệ (trả bằng VND để thu về ngoại tệ) trong tỉnh gồm các Công ty CP: Du lịch dịch vụ Nam Cường – Chi nhánh Hải Dương (TP Hải Dương), Xây dựng và Thương mại Kỳ Tam Anh và Đại Việt Cổ (cùng ở TP Chí Linh) vì một số nguyên nhân nên cũng không phát sinh giao dịch nhiều tháng nay.

Theo tìm hiểu của phóng viên, khách hàng giao dịch ngoại tệ trên thị trường "chợ đen" gồm những người chuẩn bị đi du học, xuất khẩu lao động, du lịch và một số ít giới đầu cơ. Nhóm này thường mua lượng ngoại tệ tiền mặt từ 10.000-15.000 USD quy đổi. Với nhóm đầu cơ quy mô lớn, lượng tiền mặt ngoại tệ có thể mua lên đến hàng chục nghìn USD quy đổi. Lượng USD thường chiếm tỷ lệ cao.

Theo anh N.T., nhân viên một cửa hàng vàng bạc trong tỉnh, lượng ngoại tệ giao dịch đối với nhóm du học, du lịch thường tập trung ở những tháng cuối năm. “So với vàng hoặc một số ngoại tệ khác, USD có mức ổn định cao, cộng với thông tin của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thường được đưa ra từ đầu năm nên đối với giới đầu cơ, nhu cầu giao dịch ngoại tệ thường tập trung ở những tháng đầu năm”, anh T. thông tin.

Dòng ngoại tệ luân chuyển trên thị trường "chợ đen" tại Hải Dương chủ yếu do các đầu nậu từ Hà Nội cung cấp. Theo tìm hiểu của phóng viên, những giao dịch quanh mức 25.000 USD thường sẽ được thực hiện ngay trong ngày. Giao dịch từ 100.000 USD trở lên, khách hàng phải đặt cọc một tỷ lệ nhất định rồi chờ nguồn ngoại tệ trong vài ngày.

Trên thị trường "chợ đen", trị giá mỗi giao dịch không lớn so với ngân hàng nên tỷ giá ngoại tệ luôn “nhạy cảm” hơn trước mọi biến động của thị trường trong nước cũng như thế giới.

Thị trường ngoại tệ "chợ đen" hình thành hoàn toàn dựa trên quy luật cung cầu nhưng đây là hình thức giao dịch vi phạm quy định. 

SONG TƯỜNG