Đặc sản Hải Dương trước cho không ai lấy, nay lại được giới sành ăn "săn lùng"
Ẩm thực - Ngày đăng : 11:38, 17/11/2022
Cà ra là loại cua đặc sản ở xã Vĩnh Lập (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương)
Ở Trung Quốc, có một loại cua nổi tiếng thơm ngon, đắt đỏ chỉ dành cho nhà giàu, đến cả vua Càn Long cũng vì muốn thưởng thức loại cua này mà vi hành từ kinh thành đến Tô Châu. Những con cua lông là loài vật mang sức hấp dẫn như thế.
Hiện nay, cua lông vẫn là đặc sản nổi tiếng ở Hong Kong, Thượng Hải. Mỗi năm chỉ có 3 tháng là cua ngon, nhiều trứng nhất. Mỗi khi vào mùa, loài cua này được giới sành ăn săn đón, giá bán cũng đắt đỏ khoảng hơn 2 triệu đồng/kg.
Thế nhưng, ngay ở Việt Nam cũng có đặc sản cua lông như vậy với giá rẻ hơn nhiều. Những tỉnh như Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình thường gọi loại cua này là cà ra. Cà ra là loại cua đặc sản ở xã Vĩnh Lập (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương). Đoạn sông Văn Úc qua địa bàn xã Vĩnh Lập là nơi có nhiều cà ra sinh sống.
Cà ra là một loại cua có hình dáng hơi giống con rạm nhưng kích thước lớn hơn nhiều. Cà ra còn được gọi là cua lông là bởi ở đầu càng của chúng có một túm lông đen mềm, mịn như nhung. Chúng chỉ sống trong môi trường nước ngọt tự nhiên, chưa được nuôi và nhân giống. Nếu như với các loài ghẹ, cù kì, cua đều có một càng rất to, một nhỏ, thì cà ra chỉ có hai chiếc càng nhỏ và 8 cẳng.
Cua cà ra thường làm hang ở chỗ nước sâu hay trong các kè đá. Lòng sông thì phù sa đục ngầu nên chỉ có giác quan thứ sáu của thợ săn mới đoán định được vệt chúng đi. Khúc sông nào sâu nhưng nước không chảy mà chỉ vật loanh quanh là chỗ cà ra thích nằm nghỉ ngơi nhất. Loài cua này có tập tính đi ăn đêm nên phải thả bát quái từ trưa hôm trước đến sáng hôm sau mới nhấc.
Loại cua sông này có vị ngọt thơm đặc trưng không giống như những loại cua ghẹ khác. Cua cà ra vào mùa từ tháng 8 nhưng chúng thực sự rộ nhất là vào tháng 9 và tháng 10 âm lịch. Đây là thời gian cua cà ra béo ngậy và thơm ngon nhất.
Cà ra có thể đem chế biến thành nhiều món khác nhau như cà ra hấp, rang me,... Do vỏ cà ra mềm nên rất nhanh chín và khi thưởng thức không cần dùng đến kìm kẹp như khi ăn cua, ghẹ, cù kỳ... Ngoài ra người dân cũng có thể vặt bộ càng và chân cà ra rồi giã nhỏ nấu canh rất ngọt, thơm.
Khi xưa cà ra rất rẻ, thậm chí mời chào mãi cũng chẳng ai mua. Vài năm gần đây cà ra bỗng dưng thành đặc sản, giá một cân cua từ 300.000 đến 400.000 đồng tùy kích thước nhưng không phải cứ có tiền là kiếm được.
Trong đồng thì nông dân dùng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học… nên cà ra cũng trở nên hiếm hoi. Ngư dân thì kích điện tràn lan ở sông nên cà ra cũng không kịp sinh sôi.
Theo Phụ nữ Việt Nam