Hiệu quả điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 17:34, 18/11/2022
Thành viên nhóm “Niềm tin xanh” phát tờ rơi tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS cho sinh viên Trường Cao đẳng Dược Trung ương - Hải Dương
Đây là một trong những giải pháp quan trọng giúp Hải Dương cùng với cả nước hướng tới mục tiêu kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
Giảm 90% số lượng người nhiễm
Chiều 14.11, nhóm “Niềm tin xanh” - một nhóm tự phát của những người đồng tính tại Hải Dương phối hợp tổ chức buổi tuyên truyền về kiến thức tình dục, quan hệ đồng giới, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS cho khoảng 100 sinh viên Trường Cao đẳng Dược Trung ương - Hải Dương. Nhóm này hoạt động tích cực, có nhiều đóng góp quan trọng cho chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV.
“Nhóm chúng tôi thành lập từ năm 2018, hiện có 8 thành viên. Mỗi năm nhóm tổ chức từ 2-3 chương trình như thế này nhằm cung cấp đầy đủ những thông tin cần thiết, giúp các bạn trẻ đồng tính nam biết cách chấp nhận bản thân, hoà nhập cộng đồng và hơn cả là hướng dẫn họ cách bảo vệ mình trước những căn bệnh lây qua đường tình dục, đặc biệt là HIV/AIDS. Chúng tôi giúp họ kết nối với bệnh viện để được tư vấn, hỗ trợ, hạn chế thấp nhất nguy cơ nhiễm HIV”, anh P.V.B., Trưởng nhóm “Niềm tin xanh” cho biết.
Anh H.Q.H., sinh viên năm nhất Trường Cao đẳng Dược Trung ương - Hải Dương lần đầu tiên tham dự chương trình trên chia sẻ: “Thực sự là rất bổ ích. Tôi đã có kiến thức cơ bản để biết cách phòng ngừa lây nhiễm HIV từ xa”.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh) là người tham gia chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV tại Hải Dương đánh giá cao hoạt động của nhóm “Niềm tin xanh”. Nhờ có nhóm này mà bệnh viện đã tiếp cận được nhiều người trong nhóm có nguy cơ cao nhiễm HIV - được gọi là “khách hàng”. Theo bác sĩ Thọ, trước đây, lây nhiễm HIV chủ yếu qua đường máu, nhất là những người có thói quen chích ma tuý. Những năm gần đây, lây nhiễm HIV qua đường tình dục, nhất là quan hệ đồng tính nam có xu hướng tăng nhanh. Do đó, việc chủ động tiếp cận những người có mối quan hệ đồng tính nam hoặc bạn tình của người nhiễm HIV (vợ, người yêu) sẽ giúp phòng ngừa trước phơi nhiễm rất hiệu quả.
“100 người có quan hệ đồng giới nam nếu không được phòng ngừa phơi nhiễm từ sớm thì tỷ lệ nhiễm HIV chắc chắn sẽ rất cao. Nhưng nếu được điều trị dự phòng thì trong 100 người này chỉ có khoảng 10 người bị nhiễm, tức là hạn chế được 90% số lượng người nhiễm. Điều này đã được chứng minh trong thực tiễn”, bác sĩ Thọ thông tin.
Chương trình trên được triển khai ở Việt Nam từ năm 2017, còn tại Hải Dương từ năm 2020. Đơn vị đầu tiên tham gia là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh. Đến quý III năm nay, toàn tỉnh có thêm Trung tâm Y tế Kim Thành và Chí Linh tham gia. Sau gần 3 năm, thông qua công tác tuyên truyền, vận động và sự hỗ trợ của các nhóm thiện nguyện, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh đã tiếp nhận, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho khoảng 400 “khách hàng”, chủ yếu là những người có mối quan hệ tình dục đồng giới nam và bạn tình của người nhiễm HIV. Còn tại 2 trung tâm do mới thực hiện nên “khách hàng” còn ít. Tất cả các “khách hàng” đến với bệnh viện đều được giới thiệu về chương trình, lấy mẫu xét nghiệm đánh giá nguy cơ và được phát thuốc uống. “Thuốc kháng virus ngăn ngừa rất hiệu quả nguy cơ nhiễm HIV. Do đây là chương trình được Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS tài trợ nên những người tham gia không phải tốn bất kỳ chi phí nào”, bác sĩ Thọ cho biết thêm.
Bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương tư vấn phòng chống điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho một “khách hàng” có nguy cơ cao qua điện thoại
Cần nhân rộng
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh và 2 Trung tâm Y tế trên vẫn đang tích cực thu hút “khách hàng” bằng việc đa dạng hoá các hoạt động tuyên truyền, phối hợp với các câu lạc bộ, hội nhóm hoạt động trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS. Chương trình bước đầu cho thấy những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, việc triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV cũng còn vướng không ít khó khăn. Rào cản lớn nhất là người có quan hệ đồng giới không hiếm nhưng không phải ai cũng mạnh dạn công khai, tiếp cận chương trình. Nhiều người dù biết bạn tình của mình nhiễm HIV nhưng cũng chỉ giữ im lặng vì sợ bị kỳ thị… Nhiều ý kiến cho rằng để chương trình tiếp tục phát huy hiệu quả thì cần nhân rộng các cơ sở y tế tham gia chương trình. Cùng với đó, thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền để những người thuộc nhóm nguy cơ cao nhiễm HIV sớm tiếp cận chương trình…
Anh P.V.B., Trưởng nhóm “Niềm tin xanh” cho rằng ngành y tế cùng các địa phương cần ủng hộ, khuyến khích, tạo điều kiện để những người quan hệ đồng tính nam thành lập được hội, nhóm. Đây sẽ là những mái nhà chung để họ học hỏi, chia sẻ những kiến thức không chỉ về HIV/AIDS mà cả những kỹ năng sống, bảo vệ sức khoẻ.
Xã hội cũng cần có cái nhìn thân thiện hơn với những người thuộc thế giới thứ ba để giúp họ hoà nhập, bớt mặc cảm, tự ti, sống có ích, đặc biệt là sẽ trở thành những tuyên truyền viên tích cực cho chương trình dự phòng trước phơi nhiễm HIV…
BÌNH MINH