Ơn những người thầy cũ
Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 06:48, 20/11/2022
Thầy học cũ (Kính tặng những người thầy đã dạy chúng ta) Vòng tay làm thước com pa NGUYỄN THỊ MAI |
Tôn sư trọng đạo là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Nhớ về kỷ niệm thuở học trò đẹp đẽ, tỏ lòng biết ơn những người thầy đã dạy dỗ mình như tình cảm của nhà thơ Nguyễn Thị Mai trong bài thơ “Thầy học cũ”, cũng là một trong những biểu hiện xúc động của truyền thống đó.
Mở đầu bài thơ là hình ảnh người thầy dạy toán hết sức gần gũi, giản dị nhưng cũng rất thi vị, lãng mạn. Những kỷ niệm sâu sắc cứ ùa về trên mỗi câu thơ như một sự tri ân trong mạch nguồn ngọt mát nuôi dưỡng tâm hồn con người: "Vòng tay làm thước com pa/Vung đường phấn trắng mở ra địa cầu/Lớp trò đi khắp năm châu/Riêng thầy đứng lại bến dâu quê làng".
Đó là quỹ đạo cuộc đời của những học trò được người thầy chỉ lối cho những bước đầu tiên vững chắc, mở ra một chân trời tri thức rộng lớn. Từ vòng tay của thầy, từ đường phấn trắng ấy bao lớp học trò trưởng thành “đi khắp năm châu”, chỉ:“Riêng thầy đứng lại bến dâu quê làng". Người thầy như một điểm tựa vững vàng cho bao lứa học trò tung cánh bay xa khắp những khung trời mơ ước. Ý thơ: “Lặng thầm làm một tứ thơ/ Buồn vui khuất lấp giấc mơ cánh buồm” thật sâu sắc và cao đẹp! Tấm lòng người thầy đẹp như một tứ thơ lặng thầm. Thầy giấu kín ước mơ bay xa, giấu kín niềm vui, nỗi buồn vì học trò... Thầy tự nguyện làm người chèo lái, cống hiến hết mình giảng dạy các thế hệ học trò trưởng thành, để rồi bản thân mình khiêm nhường “đứng lại” như một điểm tựa cho những học sinh thân yêu. Những học trò đi mãi nhưng con thuyền tải đạo vẫn bền lòng nơi bến sông quê!
Khi hiểu những hy sinh của người thầy, tác giả trải lòng trong dòng tự sự: "Tôi như giọt nước xa nguồn/Òa vào biển cả vui buồn thế nhân!/Mải đời cơm áo phù vân/Quên người nối nhịp bước chân cầu kiều". Cuộc sống như dòng sông cuộn chảy với bao lo toan bộn bề nên không phải lúc nào chúng ta cũng nhớ về người thầy cũ. Câu thơ chở nặng nỗi niềm day dứt, ân hận, trở trăn. Bởi khi đến tuổi nhận thấy đời người thoáng trôi nhanh "Ngày đi bóng nắng xế chiều" thì người học trò năm xưa mới có dịp tìm về tuổi thơ với bao kỷ niệm. Sự “lần về" ấy như mang cả nỗi niềm, để rồi thành tâm thốt lên: “Trước thầy mái tóc sương giăng/Tôi thành bụi phấn vung văng nhạt mờ”. Thủ pháp nghệ thuật tinh tế chân thực chuyên chở cái đạo làm người. Cái “tôi” của tác giả và hình ảnh “bụi phấn vung văng” mang nặng nỗi niềm của tất cả người học trò trước công lao vô bờ bến của người “thầy học cũ". Dù thành đạt muôn nơi nhưng những học trò vẫn luôn thấy mình nhỏ bé trước nhân cách, tấm lòng của thầy. Người thầy có thể già đi nhưng những điều thầy dạy luôn mới và đồng hành trong suốt cuộc đời mỗi con người.
"Ơn người gieo hạt ươm cây/Tôi là ai, vẫn trò thầy năm xưa". Hai câu thơ cuối là tiếng lòng xúc động của tác giả thốt lên lời biết ơn chân thành và sâu sắc. Đấy là khi mỗi chúng ta đã trải nghiệm cuộc sống, khi đã thấm nhuần đạo lý làm người mà thuở xưa người thầy đã dạy. Nhà thơ nói giúp chúng ta mong ước được trở lại tuổi học trò để lại bước lên con đò tình nghĩa do người thầy chèo lái...
Ý nghĩa của bài thơ đã vượt lên khuôn khổ của tình nghĩa thầy trò để nói về đạo làm người. Ta được như hôm nay là nhờ những người thầy đã chèo lái con thuyền tri thức, đạo đức đưa ta qua từng bến sông đời, dù ta thành đạt đến đâu cũng không bao giờ quên ơn những người thầy cũ.
TRẦN VĂN LỢI