Chớ cuốn theo chiêu trò “lắc thuyền tạo sóng”
Góc nhìn - Ngày đăng : 09:07, 22/11/2022
"Lắc thuyền tạo sóng" là thao tác bình thường của những người làm nghề chài lưới. Theo đó, sau khi thả lưới, người ta bơi thuyền ra xa đón luồng cá, sử dụng hai chân giữ thăng bằng, nhún, lắc cho thuyền dập dềnh để tạo sóng, xua đàn cá bơi vào lưới.
Trên không gian mạng hiện nay, các thế lực thù địch ra sức bám vào các sự kiện của đất nước ta để “lắc thuyền tạo sóng”, gây hoang mang tâm lý xã hội nhằm thực hiện mưu đồ đen tối...
“Hóng biến”, “có biến lớn”, “biến căng”... là những thuật ngữ được các đối tượng bất mãn có tư tưởng thù địch với Đảng, Nhà nước sử dụng trên các nền tảng mạng xã hội để tuyên truyền, kích động, gây nhiễu loạn thông tin. Mục đích của họ là lèo lái dư luận hiểu sai lệch bản chất của các sự kiện đã và đang diễn ra một cách bình thường. Chiến dịch tuyên truyền do những phần tử phản động cấu kết với các phương tiện truyền thông phát tiếng Việt có tư tưởng thù địch ở hải ngoại thực hiện, đã đánh lừa được không ít người nhẹ dạ, cả tin. Ở chừng mực nào đó, nó đã gây rối ren trong một bộ phận dư luận xã hội, ảnh hưởng đến môi trường văn hóa, an ninh trên không gian mạng và đời sống của một bộ phận cư dân đô thị.
Ảnh minh họa
Sự tinh vi của chiêu trò “lắc thuyền tạo sóng” trong các hình thức truyền thông, chiến dịch tuyên truyền để thực hiện mục đích chống phá của các thế lực thù địch, không phải đến bây giờ mới diễn ra. Từ trước đến nay, mỗi khi đất nước ta có các sự kiện quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, đối ngoại, quốc phòng, an ninh... là lập tức họ lại ký sinh, tầm gửi tư tưởng cực đoan, bất mãn, chống đối... để xuyên tạc sự thật.
Tin giả (bao gồm cả những thông tin lừa đảo, thông tin phản động) đang là vấn nạn của môi trường số. Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV vừa qua, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Hầu hết các vấn đề trong cuộc sống con người đã sang môi trường số. Tin giả không chỉ là vấn nạn ở Việt Nam mà là thách thức mang tính toàn cầu. Việc ngăn chặn thông tin xấu độc thực sự là công việc khó khăn. Giải pháp căn bản là cần có sự vào cuộc tích cực, chủ động của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, gia đình. Khi toàn xã hội vào cuộc thì mới giải quyết được căn cơ vấn đề này trên không gian mạng...
Tận dụng triệt để tiện ích công nghệ số, lợi dụng vào những khó khăn, thách thức trong quản lý, xử lý, ngăn chặn thông tin xấu độc của các cơ quan quản lý nhà nước, các thế lực thù địch ngày càng thực hiện nhiều hơn, sâu hơn, rộng hơn, tinh vi hơn... các chiến dịch tuyên truyền bằng thông tin thất thiệt, tư tưởng phản động. Thông tin trên môi trường số cũng giống như luồng cá giữa đồng nước mênh mông, rất khó để có thể ngăn chặn chúng. “Lắc thuyền tạo sóng” chỉ là một chiêu trò, thủ đoạn của chiến lược “diễn biến hòa bình” do các thế lực thù địch thực hiện. Cách tốt nhất chúng ta cần làm là nâng cao khả năng miễn nhiễm, trình độ thẩm định, kỹ năng thanh lọc để không bị cuốn vào các thông tin thất thiệt, phản động do các thế lực thù địch tung ra. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu đối với cán bộ, đảng viên: “Không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”. Muốn phát huy được sức mạnh cộng đồng, sức mạnh toàn xã hội trong môi trường số thì cán bộ, đảng viên phải thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, tiên phong. Bắt đầu từ mỗi chi bộ, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị phải nhất quán quan điểm “lấy xây để chống”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”...
PHAN TÙNG SƠN