Trẻ đầu tiên được cấp giấy khai sinh và thẻ bảo hiểm y tế cùng lúc
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 09:13, 22/11/2022
Lãnh đạo bảo hiểm xã hội trao giấy khai sinh và thẻ bảo hiểm y tế theo dịch vụ công liên thông. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ngày 21.11, tại Bộ phận “Một cửa” UBND xã Thanh Phong (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam), Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Chu Mạnh Sinh đã tới kiểm tra việc triển khai thí điểm hai nhóm dịch vụ công liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; Liên thông đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng.
Đây là nhiệm vụ thuộc Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06) theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6.1.2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Tại sự kiện, lãnh đạo các bộ, ngành đã chứng kiến quy trình người dân đến đăng ký làm thủ tục, khai báo thông tin đồng thời kiểm tra quy trình liên thông, xử lý dữ liệu từ cơ sở dữ liệu giữa Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để giải quyết các chế độ, chính sách cho người dân.
Là người đầu tiên đến bộ phận “Một cửa” UBND xã Thanh Phong, anh Đinh Tiến Hoàng (26 tuổi) làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con gái mới sinh. Với sự hướng dẫn từ cán bộ tư pháp, anh Hoàng đã tiến hành khai báo thông tin tại Phần mềm liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi trên máy tính.
Đăng nhập hệ thống bằng số căn cước công dân, các thông tin cơ bản của anh Hoàng được tự động cập nhập, anh Hoàng chỉ cần khai báo thêm một số thông tin của con gái. Sau vài thao tác đơn giản, anh Hoàng đã hoàn thành xong thủ tục đăng ký. Sau đó, các thông tin này được cán bộ tư pháp và bảo hiểm xã hội huyện tiếp nhận và xử lý. Chưa đầy 30 phút, con gái anh Hoàng có tên là Đinh Bảo N. đã được cấp giấy khai sinh và thẻ bảo hiểm y tế, trở thành trẻ em dưới 6 tuổi đầu tiên trên cả nước được cấp giấy khai sinh và thẻ bảo hiểm y tế theo dịch vụ công liên thông.
Anh Hoàng tâm sự: “Ban đầu, tôi chỉ nghĩ đến để đăng ký khai sinh cho con gái mới sinh nhưng không ngờ bây giờ mọi thủ tục lại nhanh gọn, tích hợp như thế. Chỉ cần khai báo vài thông tin cơ bản, con gái tôi đã được cấp giấy khai sinh, thẻ hiểm y tế và đăng ký thường trú mà không phải đến nhiều cơ quan, chờ đợi dài ngày như trước đây.”
Chứng kiến và trao tận tay tấm thẻ hiểm y tế của bé Đinh Bảo N., Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Chu Mạnh Sinh bày tỏ sự vui mừng khi dịch vụ công này được triển khai thông suốt, nhanh gọn, đem lại thuận lợi lớn cho người dân.
Triển khai phần mềm liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi trên máy tính. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh cho biết nhằm triển khai hai nhóm dịch vụ công nêu trên, thời gian qua, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã chủ động phối hợp với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan triển khai điều chỉnh, nâng cấp phần mềm, chia sẻ, kết nối với phần mềm dịch vụ công liên thông; thực hiện kiểm thử gửi/nhận hồ sơ. Đến nay, công tác triển khai đã hoàn thành và được triển khai thí điểm tại hai địa phương: Hà Nội và tỉnh Hà Nam.
Với việc triển khai hai nhóm dịch vụ công này, không chỉ mang lại lợi ích, giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho người dân, người dân chỉ cần thực hiện 1 lần nhưng có thể giải quyết được 3 thủ tục hành chính kèm theo, mà còn giúp nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước.
Để bảo đảm cho việc triển khai thí điểm hiệu quả tại hai địa phương trên, cũng như hướng tới triển khai rộng hai nhóm dịch vụ công liên thông trên toàn quốc, thời gian tới, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ tập trung triển khai theo hướng ưu tiên cử cán bộ thường trực theo dõi, hỗ trợ để kịp thời tiếp nhận, xử lý hồ sơ; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan kịp thời tháo gỡ vướng mắc, điều chỉnh quy trình, phần mềm cho phù hợp với tình hình thực tế triển khai tại địa phương (nếu có phát sinh).
Theo Vietnam+