Những dự án mang dấu ấn cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Chính trị - Ngày đăng : 06:15, 23/11/2022
Cao tốc Láng - Hòa Lạc (còn gọi là Đại lộ Thăng Long) dài khoảng 30 km, là tuyến cao tốc hướng tâm phía Tây, nối trung tâm Hà Nội với Hòa Bình và các tỉnh Tây Bắc, đã khai thác từ tháng 10/2010 với quy mô 6 làn xe và đường song hành hai bên. Đây là tuyến đường đạt chuẩn cao tốc đầu tiên ở Việt Nam.
Ngày 11.7.1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã khảo sát dự án. Chủ trương mở ra cao tốc Láng - Hòa Lạc của ông đã giúp cả phía Tây của Hà Nội phát triển mạnh. Thời gian đi từ trung tâm Hà Nội đến Hòa Lạc được rút ngắn còn 30 phút, nhanh hơn đi trong nội thành vào giờ cao điểm.
Tiếp nối cao tốc này là đường Hòa Lạc - Hòa Bình dài 26 km, khai thác từ tháng 10/2018 với quy mô 2 làn xe, vận tốc 80 km/h. Tuyến đường này trong quy hoạch sẽ được mở rộng thành cao tốc với quy mô 4 làn xe, nối tiếp là cao tốc Hòa Bình - Sơn La trong tương lai.
Một góc đường Hồ Chí Minh (còn gọi là xa lộ Bắc - Nam) qua thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, Quảng Nam dài 5 km, với bốn làn xe.
Đầu năm 1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đặt vấn đề với Bộ Giao thông Vận tải cần lập dự án xây dựng xa lộ Bắc - Nam. Ông cho rằng: "Đường Trường Sơn năm xưa góp phần vào sự nghiệp thống nhất đất nước, thì đường Hồ Chí Minh ngày nay không chỉ là con đường của thời đại công nghiệp hóa, làm cho dân giàu nước mạnh, bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ quốc gia, mà còn là sự liên hệ máu thịt giữa hai miền Nam - Bắc".
Hơn 1.000 kỹ sư, chuyên gia, công nhân đã khảo sát suốt cả năm từ Bắc vào Nam trên tuyến đường dọc phía tây dãy Trường Sơn; khảo sát cả quốc lộ 1A và 63 trục đường ngang. Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng thị sát dự án ngay từ những ngày đầu, đi cả tuyến từ phía Bắc vào Tây Nguyên.
Ngày 24.9.1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt Quy hoạch tổng thể xa lộ Bắc - Nam với điểm đầu tại Hòa Lạc (Hà Tây, nay là Hà Nội), điểm cuối tại Bình Phước, tổng chiều dài khoảng 1.800 km, cơ bản bám theo hướng của các quốc lộ 21A, 15A, 15B, 14 và 13...
Tháng 8/1998, dự án được Bộ Chính trị thông qua và chính thức đặt tên là đường Hồ Chí Minh. Dự kiến đến năm 2025, toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) sẽ thông xe.
Đường dây tải điện 500 kV Bắc - Nam qua tỉnh Thừa Thiên Huế.
Năm 1990, ngành điện phát triển không cân đối. Khi nhà máy thủy điện Hòa Bình ở miền Bắc đi vào vận hành, nguồn điện bắt đầu dư thừa, trong khi miền Nam và miền Trung thiếu điện trầm trọng. Đặc biệt, mỗi tuần TP Hồ Chí Minh bị cắt điện 4-5 ngày, gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất và đời sống nhân dân. Một ý tưởng đột phá được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đưa ra - đường dây truyền tải điện 500 kV Bắc - Nam.
Tháng 2.1992, Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt Luận chứng Kinh tế kỹ thuật xây dựng đường dây truyền tải điện 500 kV Bắc - Nam. Ngày 5.4.1992, lễ khởi công xây công trình đường dây truyền tải điện 500 kV Bắc - Nam tổ chức đồng thời trên nhiều tỉnh Hòa Bình, Quảng Nam - Đà Nẵng, Đăk Lăk... Điểm đặc biệt của việc xây dựng đường dây 500 kV chính là thời gian thi công chỉ trong vòng hai năm. Thủ tướng Võ Văn Kiệt được phân công làm Tổng chỉ huy công trình.
Chỉ sau 3 năm vận hành (1994-1997) đường dây 500 kV Bắc - Nam đã hoàn vốn, là công trình hoàn vốn nhanh nhất so với nhiều dự án lớn khác.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất, thuộc khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là một trong những dự án kinh tế lớn, trọng điểm quốc gia của Việt Nam trong giai đoạn đầu thế kỷ 21.
Năm 1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký quyết định chọn địa điểm để xây dựng Nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam tại Dung Quất. Tháng 7/1996, ông Kiệt đã thị sát và xem quy hoạch tổng thể dự án xây dựng TP Vạn Tường và Khu công nghiệp lọc dầu Dung Quất.
Dự án được khởi công năm 2005, hoàn thành năm 2011. Dung Quất cùng Nghi Sơn đang là hai nhà máy đóng góp 70-80% nhu cầu xăng dầu trong nước.
Nhà máy thủy điện Trị An được xây dựng trên sông Đồng Nai đoạn qua huyện Vĩnh Cửu (cách TP HCM khoảng 65 km) năm 1984. Một năm trước khi nhà máy khởi công, ông Võ Văn Kiệt, khi đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, cùng các kỹ sư đã khảo sát khu vực này.
Công trình gồm 4 tổ máy, sản lượng điện trung bình hàng năm khoảng 1,7 tỷ kWh... Nhà máy phát điện tổ máy số một ngày 30/4/1988 và khánh thành năm 1991. Với công suất 400 MW, nhà máy thủy điện Trị An có công suất lớn thứ hai cả nước lúc hoàn thành, sau thủy điện Hòa Bình, hiện xếp thứ 6. Hình ảnh nhà máy được in trên tờ tiền mệnh giá 5.000 đồng.
Hầm Thủ Thiêm là hạng mục quan trọng nhất trong dự án xây dựng Đại lộ Đông Tây (còn gọi là đại lộ Võ Văn Kiệt) của TP HCM. Công trình hầm vượt sông Sài Gòn này có quy mô hiện đại nhất Đông Nam Á với chiều dài 1,49 km, rộng 33 m, cao 9 m, với 6 làn xe, mỗi bên 3 làn cho cả ôtô và xe máy. Ngoài ra còn có 2 làn đường thoát hiểm hai bên. Tốc độ thiết kế đạt 60 km/h.
Ngày 1.5.1997, tại văn phòng Kiến trúc sư Trưởng TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định cho thành phố xây dựng đường hầm Thủ Thiêm.
Hơn 3.000 ngày thi công, chiều 20.11.2011, hầm Thủ Thiêm gồm 6 làn được khánh thành, đại lộ Đông Tây thông xe toàn tuyến. Công trình giúp thời gian đi từ bờ đông sang tây sông Sài Gòn còn hơn một phút; rút ngắn quãng đường từ trung tâm thành phố về các tỉnh miền Tây, miền Đông.
Kênh T5 hay Kênh Võ Văn Kiệt dài 28 km, chảy qua các tỉnh Kiên Giang, An Giang. Khi còn đương nhiệm, Thủ tướng Võ Văn Kiệt thường cùng lãnh đạo các tỉnh, các nhà khoa học khảo sát Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là tứ giác Long Xuyên và luôn trăn trở làm cách nào để thoát nhanh nước lũ từ đầu nguồn sông Mekong tràn về, đồng thời khai thác vùng đất thường xuyên ngập phèn, để phát triển nông nghiệp.
Năm 1996, ông Võ Văn Kiệt vào An Giang, xắn quần đi kiểm tra tình hình lũ. Hiệu quả thoát lũ của kênh Vĩnh Tế và những tiện lợi của nó đối với người dân được Thủ tướng đặc biệt quan tâm. Ông hỏi cặn kẽ cán bộ địa phương và gặp trực tiếp người dân. Ý tưởng thoát lũ ra biển Tây và làm thêm đê bao để phát triển vùng đất này đã được cán bộ địa phương trình bày.
Sau quá trình nghiên cứu, khảo sát và lên kế hoạch tỉ mỉ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định cho thi công hệ thống kênh T4,T5,T6 năm 1997.
Người dân địa phương đánh giá Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có những đóng góp quan trọng trong công cuộc khai phá vùng Tứ giác Long Xuyên để biến vùng đất được ví như "túi phèn" này thành vựa lúa của cả nước. Khi đưa vào sử dụng, dự án đã biến đổi nơi đây thành vùng đất trù phú với hơn 10.000 ha đất trồng lúa 2-3 vụ mỗi năm. Người dân ở tỉnh An Giang và Kiên Giang biết ơn cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nên gọi dòng kênh T5 này là "kênh Ông Kiệt" hay "kênh Ông Sáu".
Là cầu dây văng đầu tiên ở Việt Nam, cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền, nối hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Cầu nằm trên quốc lộ 1A là trục giao thông chính của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cách TP HCM 123 km về phía Tây Nam. Công trình này được thực hiện xuất phát từ chủ trương của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Cầu được khởi công tháng 7/1997 và khánh thành 3 năm sau đó, dài hơn 1,5 km, rộng gần 24 m. Tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng, trong đó chương trình AusAid của Chính phủ Australia góp 66% và Chính phủ Việt Nam là 34%.
Ngày 21.5.2000, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tham dự lễ khánh thành cầu.
Thời điểm cầu thông xe là ngày hội lớn của hơn 16 triệu dân miền Tây. Người dân khắp nơi đổ về tham quan công trình "chưa từng có" ở vùng sông nước. Đây là cầu văng dây đầu tiên tại Việt Nam, kiểu dáng kiến trúc độc đáo, hiện đại, lớn nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ. Công trình xóa cảnh lụy phà, rút ngắn thời gian miền Tây lên TP HCM. Hiện, cầu Mỹ Thuận 2 được xây cách cầu hiện hữu khoảng 300 m, dự kiến hoàn thành năm 2023.
Hai Đại học Quốc gia Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ra đời cũng dựa trên đề xuất của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Trong đó, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh được thành lập vào tháng 1.1995, nằm ở giáp ranh TP Thủ Đức và TP Dĩ An. Đô thị đại học này rộng hơn 643 ha, có 7 trường đại học, 2 khoa trực thuộc và viện nghiên cứu.
Để tri ân cố Thủ tướng, hồi tháng 6.2022, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã khánh thành tượng Võ Văn Kiệt, đặt trong khuôn viên nhà điều hành ở TP Thủ Đức.
Theo VnExpress