Anh Sáu Dân - nhà lãnh đạo sáng tạo vì dân tộc, một nhân cách lớn (*)

Chính trị - Ngày đăng : 07:04, 23/11/2022

Tôi có may mắn được gặp và làm việc với anh Sáu Dân trong khoảng thời gian dài cho đến khi anh đột ngột qua đời ngày 11.6.2008.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt trao đổi thân mật với các trí thức Việt kiều. (Ảnh: Tư liệu gia đình)

Từ những năm 1981-1982, khi giúp việc anh Nguyễn Duy Trinh, tôi đã được nghe anh phát biểu trong một số cuộc họp và đã có ấn tượng mạnh mẽ về anh.

Sau này, khi làm việc ở Văn phòng Trung ương Đảng, giúp việc cho anh Đỗ Mười, anh Nguyễn Văn Linh, tôi có nhiều dịp được gặp anh Sáu, không chỉ trong các cuộc họp mà còn trong các lần gặp bất thường xin ý kiến về những công việc cấp bách, cũng như khi được trao đổi với anh về những vấn đề kinh tế-xã hội.

Sau khi anh Sáu Dân trên cương vị Thủ tướng, lần đầu tiên lập Tổ chuyên gia tư vấn từ năm 1993 đến khi kết thúc nhiệm kỳ, anh thường gặp gỡ các chuyên gia để trao đổi, lắng nghe các ý kiến của anh em. Anh có cách làm việc chân tình, cởi mở, ân cần, trọng thị và dân chủ, hoàn toàn không mang tính tôn ti trật tự như vẫn thấy ở đâu đó.

Tôi nhớ vào khoảng năm 1994-1995, một hôm vào lúc cuối giờ chiều, anh em ở văn phòng anh Sáu gọi điện thoại cho tôi nói anh Sáu có việc gấp cần làm việc vào lúc 17 giờ 30 phút. Tôi lập tức dừng các việc khác, mang cặp và chuẩn bị tinh thần vào làm việc thì gặp anh Sáu tươi cười nói: "Ông bạn, Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng vừa gửi biếu hai chai rượu Mao Đài và một hũ tương chao rất ngon. Uống rượu ngon một mình cực thân lắm, mấy anh em mình cùng uống và trao đổi công việc luôn. Đằng nào mà chả phải ăn tối". Chúng tôi cảm phục về sự hào hiệp và chân thành của anh Sáu, một nét rất tiêu biểu cho nhân cách lớn của anh.

Trong các cuộc gặp với chúng tôi, điều toát lên như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt nhất quán sự nghiệp hoạt động đầy sáng tạo của anh Sáu là lòng yêu nước, thương dân nhiệt thành, lòng tự hào dân tộc sâu sắc và khát vọng không nguôi muốn chấn hưng dân tộc và làm cho đất nước hùng cường.

Anh Sáu luôn nhắc chúng tôi về nỗi đau bị tụt hậu và nguy cơ tụt hậu xa hơn nữa. Anh nói: chúng ta đã mất nhiều năm để chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do, thống nhất đất nước. Sau khi thống nhất đất nước, cơ chế tập trung quan liêu bao cấp từ miền Bắc đã được mở rộng ra cho toàn miền Nam thêm 10 năm nữa. Nay chúng ta phải tận dụng cơ hội để đi nhanh hơn. Anh luôn day dứt vì kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng dưới tiềm năng và có nguy cơ tụt hậu ngày càng xa hơn.

Nhân dịp chuẩn bị góp ý kiến cho Đại hội Đảng X, anh xúc động nhắc lại sự hy sinh oanh liệt của Đảng ta trong 15 năm đầu hoạt động, từ 1930 đến 1945, bốn tổng bí thư, hầu hết các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đã hy sinh, nhưng người người lớp lớp, vẫn kế tục gây dựng sự nghiệp, chiến đấu kiên cường. Anh hỏi trên thế giới, có Đảng nào chịu hy sinh mất mát đến thế không. Anh nói tiếp, Đảng hy sinh tức là dân hy sinh, dân hết mình vì Đảng, dân chịu bao nhiêu mất mát nhưng dân vẫn hết lòng đùm bọc, cưu mang Đảng. Đảng phải làm gì để đáp lại sự hy sinh đó của dân. Và anh tự hỏi, phải chăng chúng ta còn làm được ít quá cho dân của mình, cho những bà mẹ Việt Nam anh hùng?

Anh kể lại những kỷ niệm thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, tập hợp lực lượng thực hiện đại đoàn kết dân tộc với Phật giáo, với Công giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, tất cả các tôn giáo ở miền Nam, với trí thức, với tư sản trong thành phố Sài Gòn. Anh nhắc chúng tôi: trong sự nghiệp vĩ đại và phức tạp như vậy không phải mình chỉ có đúng và luôn luôn đúng, mà mình có cái đúng, có cái sai. Song, ngay cả khi mình mắc sai lầm, gặp khó khăn, đồng bào vẫn tin tưởng hợp tác với mình, che chở mình. Anh coi trọng tình nghĩa, anh có niềm tin mãnh liệt vào lòng yêu nước của tất cả mọi người con đất Việt và anh khao khát được đem hết sức lực của mình để vun đắp cho sự nghiệp đại đoàn kết, hòa giải, hòa hợp dân tộc.

Anh nói: "Nếu được ủy nhiệm, tôi sẵn sàng đi nói chuyện chân thành với các chức sắc Phật giáo, Công giáo, cái gì mình sai thì nhận, nếu cần, tôi sẵn sàng xin lỗi để cùng nhau đoàn kết, xây dựng đất nước. Tôi tin là nếu mình chân thành thì sẽ gặp nhau được vì lợi ích dân tộc".

Anh Sáu Dân, khi ra Trung ương nhận chức vụ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, đã dành thời gian, công sức đi tất cả các tỉnh mà anh chưa đến tận nơi. Anh kể lại khi đến Hà Giang mới thấy hết gian khổ của cảnh thiếu nước trên núi đá tai mèo. Anh nói phải đến tận nơi, tận mắt thấy cuộc sống của đồng bào, thì về Hà Nội mới tìm cách giải quyết được.

Trên những cương vị khác nhau, từ Bí thư Khu ủy Sài Gòn-Gia Định đến khi làm Thủ tướng Chính phủ, anh luôn coi trọng trí thức, tạo điều kiện và sử dụng trí thức phục vụ cho sự nghiệp của dân tộc, của đất nước. Sau năm 1975, anh đã tập hợp các trí thức làm việc dưới chính quyền Sài Gòn trước đây, kể cả các nhà kinh tế nguyên là phó thủ tướng trong chính quyền cũ, tạo điều kiện để họ đóng góp ý kiến. Ngay cả đối với những người còn khác chính kiến, anh vẫn gặp gỡ, lắng nghe, thuyết phục. Để làm những việc đó, anh phải vượt lên không ít ý kiến e ngại, phê phán, nhưng anh vẫn kiên trì thực hiện.

Trong những năm gần đây, khi biết mình không còn nhiều thời gian, anh luôn cố gắng động viên, tập hợp các trí thức Việt kiều ở Mỹ, Pháp, v.v. nghiên cứu, đóng góp cho công cuộc xây dựng đất nước.

Niềm tin của anh vào con người Việt Nam, vào sức mạnh của dân tộc Việt Nam thật sâu sắc và cao đẹp đã truyền sức mạnh cho tất cả chúng tôi.

Anh có tinh thần dân chủ, tôn trọng quyền tự do tư duy của trí thức, lắng nghe các ý kiến khác nhau một cách chân thành. Nhiều lần, anh Sáu sôi nổi kể lại những kỷ niệm về Đại hội II của Đảng ở Việt Bắc năm 1951, khi Bác Hồ đề nghị đổi tên Đảng từ Đảng Cộng sản Đông Dương thành Đảng Lao động Việt Nam, trong Đại hội, các đại biểu đã thảo luận, tranh luận rất gay gắt. Có một số đồng chí không đồng ý với đề nghị của Bác Hồ, không chỉ tranh luận trong hội nghị ban ngày mà ban đêm còn không ngủ, đốt đuốc, hô khẩu hiệu vang cả cánh rừng. Và Bác Hồ đã lắng nghe, trao đổi, cuối cùng, Đại hội cũng bỏ phiếu nhất trí tán thành đề nghị của Bác Hồ đổi tên Đảng thành Đảng Lao động Việt Nam. Anh nói với chúng tôi, Đảng ta phải thật sự dân chủ trong Đảng, nếu không làm tốt hơn thì hãy làm được như thời Bác Hồ.

Anh tin rằng thực sự dân chủ trong Đảng, dân chủ trong dân, chúng ta sẽ phát huy được sự sáng tạo của dân, đảng viên và quần chúng sẽ kịp thời phát hiện cái sai, có phương án khắc phục. Làm được như thế thì Đảng ta sẽ luôn gắn bó máu thịt với dân như những ngày chiến đấu gian khổ trước đây.

Anh phê phán những biểu hiện dân chủ hình thức, những cách can thiệp thô bạo của cá nhân người này người khác đối với những ý kiến khác nhau mà bản thân anh không ít lần cũng đã từng nếm trải.

Anh cũng chế nhạo những con số 100% cử tri đi bỏ phiếu mà tỉnh A, tỉnh B công bố và kể lại rằng bà Đại sứ Thuỵ Điển Anna Lindstedt khi đến chào từ biệt anh đã nói: Lạ thật, chẳng nhẽ tất cả những người ốm nặng ở bệnh viện cũng đều đi bỏ phiếu hay sao?

Anh tin vào lòng yêu nước của người dân Việt Nam, tin vào sức sáng tạo, chủ động của người dân và anh tin rằng càng phát huy đầy đủ các quyền dân chủ, các quyền tự do của công dân đã được quy định trong Hiến pháp, cung cấp thông tin đầy đủ cho dân, thực hiện đầy đủ các quyền giám sát của dân, lắng nghe ý kiến khác nhau thì quyết định càng bớt sai lầm, việc thực hiện sẽ được dân đồng tình ủng hộ nhiều hơn.

Gắn bó máu thịt với đất nước, độc lập suy nghĩ, quyết đoán, anh luôn dị ứng với các biểu hiện tả khuynh, giáo điều. Ngay từ khi ở Việt Bắc, khi tham gia lớp bồi dưỡng lý luận có sự hướng dẫn của cố vấn Trung Quốc được gợi ý tố khổ, anh đã không chịu rập khuôn lên án địa chủ mà thẳng thắn nói, địa chủ Nam Bộ tham gia kháng chiến, ủng hộ kháng chiến làm cho mấy ông cố vấn không hài lòng.

Sau này, trong suốt quá trình hoạt động anh luôn tìm tòi để có những quyết định xuất phát từ thực tiễn đất nước, hết sức tránh những biểu hiện rập khuôn, giáo điều. Chính vì vậy, anh đến với kinh tế thị trường một cách rất tự nhiên, anh ủng hộ quyền tự do kinh doanh của người dân theo pháp luật, anh ủng hộ thu hút đầu tư nước ngoài, chân thành học hỏi. Chính vì tin vào sức mạnh của dân tộc mà anh đã có những bước đi đột phá về ngoại giao như tham gia ASEAN, mời ông Lý Quang Diệu sang góp ý kiến cho công cuộc xây dựng và cải cách kinh tế. Việc làm này đã bị một số người lúc bấy giờ nặng lời chụp mũ, phê phán không có căn cứ. Thực tế chứng minh việc làm của anh là đúng đắn và các ý kiến của ông Lý Quang Diệu là có tính chất xây dựng và bổ ích.

Anh Sáu Dân luôn trăn trở suy nghĩ về tiền đồ của dân tộc trong bối cảnh quốc tế hiện nay. Anh thường dặn chúng tôi: Việt Nam mình nếu biết phát huy vị thế chiến lược, phát huy được uy tín và niềm tin của bạn bè trên thế giới đối với cuộc chiến đấu của dân tộc, phát huy lòng yêu nước của tất cả bà con trong nước và ngoài nước thì sẽ tiến nhanh hơn. Anh đã nói: "Tổ quốc là của tất cả mọi người Việt Nam".

Anh luôn suy nghĩ, trăn trở, đọc nhiều, nghe nhiều và luôn lật đi lật lại những vấn đề mà nhiều người coi là “cấm kỵ". Anh yêu sự tự do suy nghĩ và tôn trọng các ý kiến tự do suy nghĩ của người khác. Trong năm 1995 anh Sáu đã phát biểu một số ý kiến rất quan trọng về hàng loạt những vấn đề cốt lõi của con đường phát triển của Đảng và đất nước. Lúc đó, các ý kiến đó chưa được đa số chấp nhận, nhưng ngày nay, thực tế cho thấy đó là những vấn đề thực sự phù hợp với nguyện vọng của dân, với điều kiện của nước ta và với xu thế của thời đại nhằm thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

Trong những năm gần đây, chính anh Sáu đã chỉ đạo và thúc đẩy việc thành lập hai trung tâm nghiên cứu ở trong Nam và ngoài Bắc gồm một số nhà nghiên cứu độc lập, góp phần vào sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước đang bước sang giai đoạn mới.

Là người yêu tự do, có cá tính mạnh mẽ nhưng anh Sáu Dân luôn tự đặt mình trong nguyên tắc của Đảng. Một trong những ví dụ nổi bật là việc năm 1998, Quốc hội đã đồng thời đề cử anh Đỗ Mười và anh Sáu Dân để lựa chọn, bầu vào chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thay thế anh Phạm Hùng vừa tạ thế. Anh Đỗ Mười đã được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng với đa số phiếu.

Theo sự phân công của Bộ Chính trị, anh Sáu Dân giữ cương vị làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng bên cạnh anh Đỗ Mười. Không ít người đã lo lắng về khả năng hợp tác giữa hai anh, nhưng với tinh thần trách nhiệm nghiêm túc, tính nguyên tắc của cả hai, cuối năm và cuối nhiệm kỳ, trong cuộc họp kiểm điểm của Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng, mọi người đều bày tỏ vui mừng vì anh đã hoạt động rất nghiêm túc và tôn trọng, đoàn kết với anh Đỗ Mười.

Anh nói riêng với chúng tôi: nhiều người quá khen tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, tính nguyên tắc của mình, mình phải trả lời rằng tôi luôn là một đảng viên có kỷ luật, có ý thức trách nhiệm chứ có gì mà phải khen.

Mỗi lần được gặp anh, chúng tôi lại thấy anh có những ý mới, những ý tưởng mới, suy nghĩ mới, những phát hiện mới từ thực tế phong phú của cuộc sống. Và từ những cuộc trao đổi như vậy, anh hình thành những chủ kiến có bề dày vững chắc, có lập luận rõ ràng. Anh đã viết nhiều bức thư đề cập đến các vấn đề của đất nước, để kiến nghị các vấn đề lớn nhỏ, tất cả vì lợi ích của dân tộc.

Nghĩa hiệp là một trong những nét nổi bật trong cá tính của anh Sáu Dân. Anh đã dấn thân bảo vệ bao nhiêu đồng chí bị vùi dập oan uổng, gặp hoạn nạn. Có đồng chí bị nghi án như anh Nguyễn Tài1 mà anh biết rõ và rất tin tưởng, anh không ngần ngại đến thăm hỏi anh Tài tại nhà riêng, động viên, giúp đỡ, thúc đẩy làm sáng tỏ những oan uổng và kiên trì kiến nghị khôi phục đầy đủ và khen thưởng cho đồng chí Nguyễn Tài.

Cá nhân tôi cũng được anh quan tâm giúp đỡ. Vào khoảng đầu tháng 3/2005, bài phát biểu của tôi tại đề tài của anh Trần Đình Hoan, tháng 11/2005 được ai đó đưa lên mạng Internet, gây xôn xao dư luận. Tôi đã được yêu cầu khẩn cấp tự nguyện không đi công tác Trung Quốc để viết báo cáo giải trình và gặp không ít rắc rối về việc đó.

Biết tôi đang gặp khó khăn, anh Sáu Dân sau khi đọc bài phát biểu của tôi đã mời tôi vào gặp anh ở Thành phố Hồ Chí Minh, cấp vé máy bay và ở ngay tại nhà khách 35 Tú Xương, đối diện với nhà riêng của anh lúc đó. Anh gặp tôi, cùng ăn cơm và trao đổi ân cần, anh có nhiều điểm đồng tình với tôi, nhiều điểm anh yêu cầu tôi phải suy nghĩ và nghiên cứu tiếp, hỏi han về những khó khăn tôi đang gặp phải. Cuối cùng, trước khi tôi trở về Hà Nội, anh dặn: “Doanh cứ ra ngoài đó làm việc bình thường, khi nào thấy cần thì vào đây, ở với mình, làm việc với mình, không việc gì phải lo lắng cả".

Tôi cảm động trước nghĩa cử của anh, hiểu rằng anh muốn biểu lộ sự giúp đỡ và bảo vệ tôi, đặt niềm tin vào tôi. Rất may, tôi chưa phải thực hiện phương án mà anh đã chỉ ra.

Anh Sáu Dân đã trải qua một cuộc đời hoạt động thật phong phú, hào hùng và sóng gió. Là người yêu văn học, nghệ thuật, âm nhạc, yêu cái đẹp, yêu tự do, có quan hệ thân thiết với nhiều văn nghệ sĩ ... Trong cuộc đời hoạt động và công tác, anh Sáu đã gặp không ít khó khăn về những thói quen trong nếp sống của mình. Trong năm tháng chiến đấu gian khổ trong rừng, anh Sáu Dân vẫn không quên trang điểm cho lán của mình một cái dù chiến lợi phẩm (vừa đẹp, lại bớt rắn rết), nghe nhạc qua máy cátxét (cassette) chạy pin (mà vào thời kỳ những năm 1960 là hiện đại lắm), khác với một số đồng chí khác. Về thành phố, anh lao vào công việc nhưng không quên học và chơi quần vợt (tennis) cho khỏe người, v.v..

Qua những lần tâm tình với anh, tôi thấy anh biết rất rõ những nhận xét không thiện chí của anh A, anh B về những chi tiết đó trong cuộc sống của mình. Anh cười và bảo tôi: "Mình biết chứ, biết là từ những nhận xét đó nó ngoằng sang cả đánh giá mình về công việc nhưng mình thấy không có gì sai về nguyên tắc nên mình cứ làm thôi". Điều đáng quý là anh luôn đối xử rất chân thành, trung hậu với tất cả những người nói không đúng về anh.

Thái độ quân tử, nghĩa hiệp của anh Sáu đối với tất cả những người thiếu thiện chí với mình càng làm cho chúng tôi cảm phục về tấm lòng độ lượng của anh Sáu trong cuộc sống.

Anh Sáu đã ra đi đột ngột, để lại bao nhiêu hoài bão, ấp ủ mà anh chưa thực hiện được. Anh Sáu cũng để lại những bài học về một nhân cách lớn để chúng ta noi theo. Ghi lại những dòng này không chỉ để bày tỏ lòng biết ơn của cá nhân tôi đối với anh Sáu mà tôi còn muốn chia sẻ với bạn đọc những ấp ủ và hoài bão của anh Sáu với ước nguyện tất cả chúng ta sẽ tiếp tục sự nghiệp của anh Sáu vì dân tộc và đất nước Việt Nam.
_________

* Ông Sáu Dân trong lòng dân, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2008, tr,21-29.

1. Con nhà văn Nguyễn Công Hoan, cán bộ cao cấp ngành công an, bị địch bắt và được cải thoát năm 1973. Anh Nguyễn Tài bị nghi oan, sau nhiều năm mới được minh oan và khôi phục.

Theo Võ Văn Kiệt - Một nhân cách lớn; nhà lãnh đạo tài năng; suốt đời vì nước vì dân (hồi ký). Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự thật

LÊ ĐĂNG DOANH