Làm sao để chăm con không là gánh nặng?
Gia đình - Ngày đăng : 07:42, 24/11/2022
Đây là tinh thần chính của "Lý thuyết mặt nạ dưỡng khí". Khi đi máy bay, tiếp viên hàng không thường nhắc nhở, trong trường hợp có sự cố, mặt nạ dưỡng khí rơi xuống mọi người cần nhanh chóng đeo cho mình trước sau đó mới đến đeo cho con cái hoặc người khác.
Việc chăm sóc con cái cũng vậy, muốn con hạnh phúc, khỏe mạnh, cha mẹ phải tự chăm sóc bản thân hạnh phúc và khỏe mạnh.
Tiến sĩ Ong Mian Li, nhà tâm lý học lâm sàng dành cho trẻ em và thanh thiếu niên tại tổ chức NTUC First Campus (ĐH North Carolina, Mỹ), chỉ ra những việc cần làm để việc chăm sóc, nuôi dạy con cái không là gánh nặng thể chất, tinh thần.
Nhận biết các dấu hiệu căng thẳng phổ biến
Bạn có thể bị cuốn vào việc chăm sóc con đến mức không nhận ra các triệu chứng căng thẳng điển hình như cảm giác tức giận, thất vọng hoặc lo lắng khi nói đến nhu cầu của người thân. Bạn có thể thường xuyên đau đầu, đau lưng hoặc cảm lạnh, thậm chí mất ngủ, phải dùng thuốc. Bạn giảm cảm giác vui vẻ, thấy buồn bã, tuyệt vọng, trầm cảm, khóc, mất hứng thú với các hoạt động thông thường. Bạn thiếu quan tâm đến sức khỏe thể chất (ví dụ ăn uống vô độ hoặc bỏ ăn..., không tập thể dục)...
Bạn nên tự hỏi bản thân xem mình có từng trải qua một hoặc nhiều triệu chứng này không. Trên thực tế, bước đầu tiên để tự chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tinh thần của bạn là thừa nhận rằng bạn bị tổn hại.
Xác định nguyên nhân gây căng thẳng
Sau khi nhận diện cảm xúc căng thẳng, bạn sẽ cần phải xác định nguyên nhân gây ra nó. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ việc có quá nhiều thứ phải làm, gia đình bất đồng, không có khả năng nói "không"...
Phân loại nguồn gây căng thẳng
Tiến sĩ Ong khuyên, một khi đã xác định được các nguồn gây căng thẳng, bạn có thể sắp xếp các tác nhân gây căng thẳng thành các nhóm để quyết định điều tốt nhất nên làm.
Ví dụ, nếu bạn có quá nhiều việc phải làm và quá ít thời gian, bạn có thể nhờ giúp đỡ. Học cách dự đoán các tác nhân gây căng thẳng là nền tảng của việc quản lý căng thẳng.
Lập kế hoạch hành động
Nên suy nghĩ về những thay đổi bạn có động lực nhất thực hiện hoặc điều có vẻ khả thi nhất để thực hiện. Sau đó, bạn sẽ cần đưa ra một kế hoạch hành động, bảo đảm các yếu tố: Cụ thể (đơn giản, dễ hiểu, có ý nghĩa); Có thể đạt được; Có giới hạn thời gian...
Chia nhỏ các nhiệm vụ sẽ giúp bạn không bị choáng ngợp, đồng thời thấy rõ hơn mục tiêu cuối cùng và kết quả của từng ưu tiên một.
Tìm kiếm sự hỗ trợ phù hợp
Không dễ nói về cảm xúc của bạn nhưng chia sẻ những lo lắng và thách thức với một cộng đồng đáng tin cậy sẽ giúp giảm bớt căng thẳng và tạo dựng khả năng phục hồi. Bạn có thể tìm kiếm tư vấn từ những người đáng tin cậy, sự hỗ trợ từ những người thân để không chịu quá nhiều sức ép chăm sóc, nuôi dạy trẻ.
Đặc biệt, nếu con bạn có các vấn đề nghiêm trọng về hành vi, chúng có thể cần được giúp đỡ thêm. Vì vậy đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp.
Tự chăm sóc bản thân
Điều quan trọng, bạn phải coi chăm sóc sức khỏe của mình là quan trọng nhất. Hãy ăn uống đủ dinh dưỡng, lành mạnh thay vì chạy theo sự tiện lợi. Tập thể dục, thư giãn, hạn chế chất kích thích và khám sức khỏe định kỳ.
Đừng đánh giá thấp sức mạnh của việc dành thời gian nghỉ ngơi cho bản thân, ví dụ đi dạo giữa thiên nhiên hay dành cho mình một buổi spa... Hãy làm những gì phù hợp với bạn, dành thời gian và không gian để ưu tiên cho bản thân.
Nuôi dạy con cái là một cuộc chạy marathon chứ không phải chạy nước rút, vì thế, đừng kiệt sức quá sớm.
Theo VnExpress