Bộ trưởng Giao thông vận tải: Địa phương "đuối" giải ngân sẽ không có dự án mới
Giao thông - Đô thị - Ngày đăng : 09:43, 25/11/2022
Nhà thầu thi công một dự án đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)
Trong hai tháng cuối cùng của năm kế hoạch 2022, Bộ Giao thông vận tải cần tiếp tục giải ngân khoảng 20.150 tỷ đồng nên các đơn vị cần bứt tốc và mạnh tay với nhà thầu yếu.
Còn nhiều dự án chậm giải ngân
Tại cuộc họp trực tuyến kiểm điểm tiến độ giải ngân và tiến độ dự án của Bộ Giao thông vận tải vào chiều 24.11, theo lãnh đạo Vụ Kế hoạch-Đầu tư, dự kiến đến hết tháng 11.2022, Bộ Giao thông vận tải sẽ giải ngân được 34.900 tỷ đồng, đạt 63,4% so với kế hoạch được bổ sung (69,4% so kế hoạch giao đầu năm) gồm 31.174 tỷ đồng vốn trong nước, đạt 63% và 3.709 tỷ đồng vốn nước ngoài, đạt 68,2%.
Để đạt được mục tiêu phấn đấu giải ngân 95-100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, trong hai tháng cuối cùng của năm kế hoạch 2022, Bộ Giao thông vận tải cần tiếp tục giải ngân khoảng 20.150 tỷ đồng.
Trong đó, 11 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1 còn lại phải giải ngân 3.595 tỷ đồng; 12 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 phải giải ngân 4.968 tỷ đồng; các dự án ODA phải giải ngân thêm 1.731 tỷ đồng; các dự án trọng điểm, cấp bách phải giải ngân 874 tỷ đồng; các dự án giao thông trong nước còn lại cần giải ngân hơn 9.000 tỷ đồng
Thừa nhận kết quả giải ngân hết tháng 11.2022 của Bộ Giao thông vận tải duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước ở mức 57%, ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết tính đến nay, vẫn có tới 24 dự án chưa đáp ứng kế hoạch giải ngân gồm một số dự án trọng điểm như cao tốc Bắc-Nam, dự án ODA, dự án thuộc nhóm sử dụng vốn đầu tư công (tuyến tránh TP Cà Mau; đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Nội Bài; dự án nâng cấp Quốc lộ 279; dự án Quốc lộ 21B và đường nối cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình; dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 15 qua Thanh Hóa…)
Bày tỏ lo ngại nhất là nhóm các dự án giao cho 7 địa phương đều chậm giải ngân, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho rằng, nhóm dự án quan trọng, cấp bách được giao cho 7 địa phương đang là nhóm có nguy cơ khó đáp ứng yêu cầu về tiến độ giải ngân nhất.
Ông Thắng đề nghị Sở Giao thông vận tải, Ban quản lý dự án các địa phương phải tập trung cao độ, có thái độ kiên quyết đối với tất cả các nhà thầu có năng lực thi công yếu kém.
Bộ trưởng Thắng khẳng định: “Các địa phương nào có được lòng tin, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục giao tiếp các dự án mới. Những địa phương ‘đuối’ sẽ không có được điều đó đồng thời tăng cường phân cấp, phân quyền nhưng có nơi có chỗ, nơi nào tập trung làm tốt thì phân cấp.”
Nhìn nhận phải có chế tài xử lý đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân, Tư lệnh ngành Giao thông vận tải quả quyết, không thể để người làm tốt như người làm không tốt.
Dồn lực hỗ trợ nghiệm thu, thanh toán nhà thầu
Yêu cầu 100% kế hoạch vốn năm 2022 được giao cho 4 dự án cao tốc (Mai Sơn-Quốc lộ 45, Cam Lộ-La Sơn, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây), theo Bộ trưởng, đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45, Cam Lộ-La Sơn phải đưa vào khai thác vào ngày 31.12.2022.
Đối với hai dự án còn lại, người đứng đầu ngành Giao thông vận tải yêu cầu các Ban quản lý dự án, nhà thầu phải dồn lực để đạt được mục tiêu thông xe kỹ thuật vào cuối năm nay và đưa vào khai thác từ tháng 4.2023.
“Hiện, nhiều công trình có khối lượng thi công xây lắp lớn nhưng công tác nghiệm thu còn thấp, các chủ đầu tư/Ban quản lý dự án phối hợp, hỗ trợ nhà thầu hoàn thành nghiệm thu, thanh toán, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn ngân hàng rất khó để nhà thầu có nguồn lực triển khai trên công trường,” ông Thắng cho biết.
Đề cập đến dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng yêu cầu các Ban quản lý dự án phải khẩn trương hoàn thành hồ sơ thẩm định, thiết kế, dự toán để 12 gói thầu đầu tiên thuộc 12 dự án thành phần được khởi công vào cuối năm 2022 theo đúng kế hoạch.
“Ngay khi khởi công, các vấn đề từ mặt bằng, vật liệu, nguồn lực của nhà thầu phải được đảm bảo để việc triển khai thi công có thể làm ngay sau khi khởi công, tránh trường hợp khởi công rất sớm song lại ‘đắp chiếu’. Khi tiền đã có đủ, các địa phương cũng phải cố gắng giải phóng mặt bằng càng nhiều, càng nhanh, càng sớm, càng tốt,” Bộ trưởng Thắng nói.
Với 13 gói thầu còn lại, Bộ trưởng chỉ đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng phải tiếp tục phối hợp với các ban hoàn thiện hồ sơ phê duyệt, thực hiện chỉ định thầu sớm nhất có thể. Các công đoạn này phải cơ bản xong trước Tết Nguyên đán (trước ngày 15.1.2023).
Theo TTXVN