4 nhóm nội dung của PGI
Công nghiệp - Ngày đăng : 13:19, 25/11/2022
Công ty TNHH Đồng Tâm (Tứ Kỳ) ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất gạch giúp giảm lượng than tiêu thụ, tiết kiệm chi phí, hạn chế ô nhiễm môi trường
Đó là:
1. Giảm thiểu tác hại của thiên tai và biến đổi khí hậu đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh thông qua việc cung cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ công hiệu quả của chính quyền cấp tỉnh
Chất lượng quản trị về thiên tai, biến đổi khí hậu của các địa phương liên quan trực tiếp tới phát triển của doanh nghiệp, giúp tăng cường khả năng thích ứng, khả năng tồn tại và phát triển của doanh nghiệp dù phải đối mặt với cú sốc về thiên tai hay thách thức về môi trường.
2. Giảm thiểu các tác hại môi trường do doanh nghiệp gây ra thông qua việc nâng cao thực thi các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu
VCCI sẽ đi sâu tìm hiểu về mục đích, hiệu suất, hiệu quả của các cuộc thanh tra, kiểm tra, bao gồm năng lực của các cơ quan quản lý môi trường địa phương và mức độ hợp tác với các doanh nghiệp để tối ưu hoá việc tuân thủ theo hướng thiết thực và khả thi nhất.
3. Tối đa hoá lợi ích môi trường từ các hoạt động quan trọng của chính quyền địa phương, bao gồm hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước và các hoạt động đầu tư, chi tiêu công khác
Nhóm nội dung này tập trung đánh giá các hoạt động của chính quyền cấp tỉnh, dù các hoạt động không thuộc diện làm tổn hại tới môi trường nhưng có cơ hội đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng xanh, đạt các mục tiêu thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Đánh giá này sẽ khuyến khích tối đa hoá hiệu quả và hiệu suất tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên.
4. Tối đa hoá lợi ích môi trường từ các doanh nghiệp thông qua các chính sách ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ hiệu quả của chính quyền tỉnh
Đây là nhóm thách thức lớn nhất trong 4 nhóm nội dung bởi đây là lĩnh vực chính quyền chưa có nhiều kinh nghiệm. Về cơ bản, chính quyền phải can thiệp vào thị trường để khắc phục các lỗi do doanh nghiệp gây ra, qua đó giảm thiểu tác động đến môi trường. Từ đó sẽ xác định các nhân tố tác động tích cực tới môi trường từ khu vực tư nhân, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực như đất đai, thuế và đấu thầu.
Nhóm nội dung này cũng đánh giá tác động các hoạt động đào tạo, tập huấn, phổ biến, quảng bá thông tin về các công nghệ và quy trình nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, quản lý chất thải, tái chế rác thải, sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo của các cơ quan nhà nước tại địa phương.
Bên cạnh 4 nhóm nội dung trên, việc thu thập thường xuyên về thái độ và hành vi của doanh nghiệp cũng như sáng kiến đổi mới về bảo vệ môi trường rất quan trọng. Dù dữ liệu này không đưa vào điểm đánh giá chất lượng quản trị môi trường song các thông tin phân tích, tổng hợp vẫn có giá trị cho chính quyền hoạch định chính sách phù hợp để nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh.
NGUYỄN MƠ(tổng hợp)