Tình đất

Truyện ngắn - Ngày đăng : 07:31, 27/11/2022

Cái tin thằng con cô Cải giờ là lãnh đạo của một doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm đang về quê khảo sát để xin mở dự án trồng rau sạch khiến cả làng vừa bất ngờ, vừa vui.

Minh họa: PHÙNG BẢN

Cái tin thằng con cô Cải giờ là lãnh đạo của một doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm đang về quê khảo sát để xin mở dự án trồng rau sạch khiến cả làng vừa bất ngờ, vừa vui. Chả là mấy năm nay, do trồng lúa không còn đem lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ dân đã bỏ ruộng hoang. Đám thanh niên giờ lớn lên cũng chẳng mặn mà gắn bó với đồng ruộng mà xin vào doanh nghiệp làm công nhân. Cứ hết tháng lại có dăm bảy triệu. Ở quê với số tiền ấy là sống khỏe. 

Nhìn cảnh bờ xôi ruộng mật bị bỏ hoang, những bậc cao niên cả đời gắn bó với đồng ruộng xót xa lắm. Cho dù máy cấy, máy gặt làm thay cả nhưng giờ tuổi cao sức yếu, lực bất tòng tâm, tiếc cũng chẳng làm gì được. Vậy nên nghe tin doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm đang có ý định thuê đất của dân để trồng rau sạch xuất khẩu ai cũng mừng. Nghe xã thông báo, nếu dự án trồng rau được ký kết, dân vừa được nhận tiền thuê đất, lại vừa được nhận vào làm công nhân trồng trọt trên chính đồng đất quê mình. Nếu được thế thì còn gì bằng. Không ngờ, có một ngày cậu bé lớn lên bằng sự cưu mang của dân làng đã trở về làm một việc thật ý nghĩa cho quê hương.

*

Người đàn bà ấy sinh ra ở làng Rồng. Cha mẹ đặt tên cô là Cải. Từ nhỏ, cô đã không được khôn. Khi cha mẹ mất đi để lại cho cô ngôi nhà với ngót 2 sào vườn ở rìa đầm nước cuối làng cùng lời trăng trối nhờ họ hàng lo giùm cho cô. Từ đó, mọi người bảo nhau, ai có khả năng giúp được Cải thứ gì thì giúp thứ đó. Từng ấy năm, Cải sống được là nhờ sự cưu mang của họ hàng và các gia đình trong làng.

Nền kinh tế thị trường ùa vào làng Rồng như một làn gió lạ. Người ta đua nhau làm giàu. Những ngôi nhà tầng lác đác mọc lên. Những cửa hàng san sát nơi mặt đường. Cuộc sống nơi này như vừa được thổi vào một luồng sinh khí mới. Ngày trước, chợ Rồng họp theo phiên, cứ 5 ngày một bận, còn bây giờ chợ họp quanh năm suốt tháng. Người ta say làm ăn, quên bẵng Cải. 

Bây giờ họ nghĩ cách buôn thứ hàng gì, bán ra sao, một ngày kiếm được bao nhiêu và khi có tiền thì phải sống thế nào cho đáng cuộc sống, chứ người ta không rảnh hơi mà nghĩ sao dạo này không thấy Cải xuất hiện, không thấy đám con nít bám theo cô làm om sòm cả một góc làng. Người ta quên Cải thật. Sau đó là bắt đầu cảm giác khó chịu khi phải tiếp Cải - vị khách không mời. Vừa cho cô, người ta vừa ngấm nguýt. Dân buôn bán kiêng khiếp lắm. Họ sợ nếu gặp phải vía dữ thì xui xẻo cả ngày, có khi cả tuần, cả tháng. Thậm chí Cải đi qua, có người còn vơ tờ giấy đốt vía. Cải thấy sợ. Mọi người không còn tốt như trước nữa.

Ở chợ có bà Vụ bán bún thấy hoàn cảnh Cải đôi khi gọi ra sau quán dúi cho bát bún bảo ngồi yên đó mà ăn, không được ra. Bà sợ người ta nhìn thấy Cải ngồi ăn ở đấy họ e ngại, bà khó bán hàng. Đã thương thì thương cho cạn, bà nghĩ thế nên bảo Cải:

- Nhà mày ở gần đầm, hái lá sen cũng dễ. Vậy mỗi sáng hái cho tao dăm chục một trăm lá để tao gói bún, tao trả gạo cho.

Thế là hôm sau và những ngày sau nữa, vừa mới tinh mơ, Cải đã cắt mẹt lá sen mang ra chợ cho bà.

Được một dạo thì sen cũng tàn. Lại phải chờ mùa sau. Một người như Cải có muốn đi làm thuê cũng chẳng ai muốn bỏ đồng tiền ra mướn. Vả lại những ngày nông nhàn thì ở thôn quê cũng chẳng có việc gì làm. Cánh đàn ông con trai còn phải kéo ra thành phố để làm cửu vạn, đạp xích lô hay chở xe ôm, xe thồ nữa là. 

Đến mùa tháng chín hanh hao, người bên kia sông kéo sang hàng đoàn. Họ sang thu nhặt rơm rạ người bên này bỏ lại trên đồng về trồng nấm. Cải cũng theo họ nhập vào đoàn người đông đúc ấy. Cải thu gom rơm rạ rồi đem sang bên kia sông bán. Cũng lại là bà Vụ mách nước cho như thế chứ cái đầu của Cải thì sao nghĩ được. Thế là năm này qua năm khác, Cải vẫn sống bằng ngần ấy cái nghề luân chuyển theo mùa.

Rồi đến một hôm, cả làng Rồng xôn xao khi thấy theo sau Cải là một thằng bé khoảng bảy tám tuổi. Họ ngạc nhiên không biết nó là con cái nhà ai. Nom Cải và nó có vẻ thân thiện lắm. Mà hình như Cải lại khá chiều nó. Mỗi lần qua hàng bánh rán bà Châu, thế nào Cải cũng dừng lại mua cho nó một cặp. Trên đường đi, chốc chốc Cải lại mỉm cười nhìn nó ăn. Người ta xì xầm hỏi nhau song chẳng ai biết. Hằng ngày, mải mê với bao nhiêu công việc còn ai để ý. Bà Vụ bán bún thủng thẳng nói.

- Con nuôi cô ấy đấy. Mấy hôm trước chính anh văn thư đưa cho tôi cái giấy chứng nhận con nuôi của xã bảo gửi hộ mà.

Con nuôi. Hình như mọi người đều nhắc lại hai từ đó với vẻ sửng sốt. Một người không có khả năng tự nuôi nổi mình lại có thể lo cho một cuộc đời khác ư? Họ có nhầm không nhỉ? Nhưng họ đâu có nhầm. Tất cả đang bày ra trước mắt họ đấy thôi. Mỗi sớm, hai mẹ con mang thau chậu ra sông mò trai, hến. Có hôm lại mang thuổng ra bờ sông đào cáy. Buổi trưa hai mẹ con lại đặt trai, ốc, cáy bắt được ở gốc cây gạo giữa chợ bán. Bán xong, họ lại dắt díu nhau trở về con đường đê lầm bụi. 

Chuyện là hôm đó, Cải mang rơm sang bên sông đổi gạo. Trên đường về qua cây duối chỗ cái miếu nhỏ cạnh bờ sông, cô gặp một thằng bé nằm lả ở đó. Con cái nhà ai lại ở đây? Trời đang mưa. Qua ánh chớp, cô thoáng thấy thân hình của nó run run. Cô ngần ngừ đi qua. Nó giương cặp mắt thao láo lên nhìn cô. Nó gọi: “Cô ơi, cứu con”. Cô lưỡng lự một lát rồi quay lại nâng nó dậy. Nó rúc vào lòng cô như rúc vào lòng mẹ. Cô bỗng mủi lòng, cõng nó về căn nhà của mình. Cô nấu cơm cho nó ăn.

- Bố mẹ cháu đâu?- cô  hỏi.

Nó khóc. Hồi lâu nó nói:

- Chết vì ma tuý.

Cô tận tình săn sóc cho đến khi nó dần khỏe lại. Khỏe rồi nhưng thằng bé không muốn đi, nó cứ quấn quýt lấy cô. Nó gọi cô là mẹ. Cái tiếng mẹ mới thân thương làm sao. Cô thấy mình cũng không muốn xa nó nữa. Từ ngày nó đến, căn nhà ấm áp lạ kỳ. Cô thèm được chia sẻ cái niêu cơm vốn đã không đầy cùng nó. Cô thích được tắm rửa, vò đầu kì cọ cho nó. Cô lo cho nó như một bà mẹ lo cho đứa con mình. Mà nó đã là con cô rồi còn gì, nó chẳng gọi cô là mẹ đấy thôi. Cô đối với nó bằng một thứ tình cảm vừa yêu thương vừa pha chút hàm ơn. Bởi thứ tình cảm người ta xưa nay dành cho cô chỉ là sự thương hại mà cái cô muốn hơn hết là tình yêu thương đích thực. Nó đến và đã đem cho cô những thứ đó.

- Mẹ gọi con là Phúc nhé!

Nó gật đầu, bá lấy cổ cô cười như nắc nẻ. Rồi nó nhìn đăm đắm vào mắt cô phụng phịu:

- Mẹ! Con muốn đi học.

Cô ngẩn người, chợt hiểu. Ừ, thế là bây giờ cô đã có một đứa con. Cô còn cả một cuộc đời sau này phải lo toan cho nó. Cô kéo khăn chấm hai giọt lệ vừa ứa lăn khi nghĩ lại lúc cơ hàn sống cô độc một thân một phận ngày trước.

Cuộc sống đi về của mẹ con Cải không còn làm cho người làng dửng dưng nữa. Cứ mỗi lần thấy hai người đi qua trước cửa thế nào họ cũng ngẩng lên nhìn cho tới khi bóng hai người khuất hẳn dưới dốc đê. Hình như tất cả mọi người đang lặng lẽ chờ đợi một điều gì đó xảy ra...

Cho tới một hôm, có một bà cụ hỏi thăm đến nhà cô. Mọi người đoán chắc là người thân của thằng bé. Khi từ nhà Cải trở ra họ thấy bà cụ đi một mình, vừa đi vừa khóc. Mọi người không chờ nữa. Họ đến hỏi chuyện. Họ rủ nhau tới chơi nhà cô. Họ muốn đến để tai nghe mắt thấy câu chuyện khó tin này. Chưa bao giờ thấy nhà đông người thế nên Cải có vẻ sợ. Thấy mẹ vậy thằng bé bỗng bạo dạn lạ. Nó bảo với mọi người bà nội nhờ mẹ Cải chăm sóc cưu mang cháu. Giờ bà nội già yếu quá rồi, muốn làm việc đó cũng chẳng được. Còn cậu mợ cháu với mẹ đẻ còn đối xử bạc bẽo huống hồ là đứa cháu mồ côi.

Xen lẫn buồn vui, mọi người nói lời an ủi cô. Từ trước tới nay người làng quê vốn thế. Bất kể nhà ai có chuyện vui buồn mọi người đều tới thăm hỏi. Trong một thời gian dài, người làng Rồng đã lãng quên điều đó. Tối đó nhà cô Cải thật đông vui. Tiếng cười nói xôn xao cả cái xóm cuối làng. Họ khen cô tốt phúc nên được trời thương. Còn cô chẳng biết nói gì. Chỉ cười rót chén nước vối mời dân làng.

Một hôm, có chiếc ô tô chở gạch ngói, nguyên vật liệu tập kết trước cổng nhà cô Cải. Xã đã quyết định cùng thôn xây cho mẹ con cô một ngôi nhà tình nghĩa. Giờ đường làng ngõ xóm khang trang, cuộc sống khởi sắc rồi thì con người sống càng phải thương quý, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, những người yếu thế trong xã hội. Đạo lý ông cha, truyền thống dân tộc xưa nay là thế.

Hôm khởi công xây nhà cho mẹ con cô Cải có nhiều người dân trong làng tự nguyện đến làm giúp. Ngôi nhà hoàn thành, cô sung sướng đến trào nước mắt. Hôm lên nhà mới lại một lần nữa người làng tìm đến chia vui. Các ban, ngành, đoàn thể, hàng xóm, láng giềng mang xoong nồi, phích, nồi cơm điện đến tặng cho mẹ con cô Cải.

Thằng bé con cô Cải chăm ngoan học giỏi. Năm nào cũng được khen thưởng của nhà trường, được nhận học bổng đỡ đầu, được chi hội khuyến học thôn biểu dương. Không ngờ bẵng đi một dạo nó đã trở thành anh chàng kĩ sư nông nghiệp tài năng, trở thành lãnh đạo một doanh nghiệp và trở về xây dựng dự án trồng rau sạch trên chính quê hương mình. Đất tốt đã kết trái ngọt.

Truyện ngắn củaĐINH NGỌC HÙNG