Hạn chế địa điểm thi IELTS có làm tăng khoảng cách tiếp cận giáo dục?
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 09:39, 28/11/2022
Năm 2017, các trường đại học tại Việt Nam lần đầu tiên đưa chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trở thành một tiêu chí xét tuyển đầu vào chính quy.
Đầu năm 2022, sau khi nhiều trường công bố đề án tuyển sinh, một xu thế dễ dàng nhận thấy rằng số lượng các trường sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (TOEFL, IELTS...) là tiêu chí xét tuyển đã tăng lên đáng kể.
Trong đó, hầu hết hình thức xét tuyển kết hợp IELTS chiếm khoảng 5-20% tổng chỉ tiêu xét tuyển mỗi năm. Điều này cho thấy IELTS cùng một số chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác đã trở nên phổ biến, quan trọng hơn tại Việt Nam.
Không ít thí sinh xem đây là một cơ hội lớn để "rộng cửa" bước chân vào ngôi trường yêu thích. Tuy nhiên, thời điểm đó, dư luận dấy lên tranh cãi, cho rằng việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế dễ tạo ra khoảng cách, bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục đại học, thiệt thòi cho những thí sinh ở khu vực điều kiện kinh tế kém hơn hoặc có hoàn cảnh khó khăn.
Thời điểm hiện tại, khi mùa tuyển sinh 2023 đang đến gần, kỳ thi IELTS lại chỉ được cấp phép tổ chức thi tại một số thành phố lớn, nhiều người tiếp tục lo ngại khoảng cách giữa các thí sinh liệu có lớn hơn?
Điểm sáng trong giáo dục
Chuyên gia giáo dục Lê Đình Hiếu, thạc sĩ ngành Khởi nghiệp Giáo dục, Đại học Pennsylvania (Mỹ), khẳng định việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển đại học là bước đi phù hợp, giúp đại học Việt Nam tiếp cận với khu vực và thế giới. Đồng thời, đây là cơ hội để Việt Nam thu hút sinh viên nước ngoài đến học. Có thể nói, đây là điểm sáng trong giáo dục.
Theo ông Hiếu, việc dùng ngoại ngữ không phải là con đường duy nhất để xét tuyển vào đại học, đó chỉ là một trong những cách để được vào đại học. Như vậy, tinh thần chung là tốt, ngành giáo dục nhìn thấy tầm quan trọng của ngoại ngữ, nhưng không hạn chế cơ hội của những bạn yếu ngoại ngữ bằng cách sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau.
Vậy dùng cái gì để đánh giá ngoại ngữ đầu vào? Theo ông Hiếu, trước đây, các trường dùng điểm thi đại học môn tiếng Anh, sau là kỳ thi THPT quốc gia làm căn cứ để đánh giá năng lực ngoại ngữ của thí sinh. Hiện tại, một số trường đại học sử dụng thêm chứng chỉ quốc tế, phổ biến như IELTS, TOEFL. Thậm chí năm nay, chứng chỉ nội địa như VSTEP cũng được dùng để xét tuyển.
“Như vậy, các trường đại học đang linh hoạt, sử dụng nhiều loại chứng chỉ khác nhau, tăng khả năng trúng tuyển cho thí sinh”, ông Hiếu nói.
Có thể tạo khoảng cách cho thí sinh?
Theo TS Đàm Quang Minh, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục phổ thông, Tổ chức Giáo dục Equest, các trường lựa chọn chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển đại học hiện nay chủ yếu là các trường khối kinh tế.
Đây là điều dễ hiểu bởi đặc thù các ngành này thường yêu cầu cao trong việc áp dụng ngoại ngữ vào học tập và làm việc sau này. Để đảm bảo chuẩn đầu ra đáp ứng thị trường, nhiều trường khối kinh tế không ngại dành cho chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS một mức độ ưu tiên cao.
Ngược lại, khối trường kỹ thuật, y tế thường không lựa chọn ưu ái này cho việc xét tuyển đại học. Với các khối ngành này, việc giỏi ngoại ngữ là lợi thế nhưng không mang tính quyết định.
Theo TS Đàm Quang Minh, các trường đại học hiện nay có quyền tự chủ, tự quyết định việc lựa chọn sinh viên. Chính vì vậy, xã hội cần tôn trọng quyết định của các trường đại học khi họ lựa chọn người học của mình.
Ông Minh cho rằng không có cách lựa chọn, xét tuyển nào là tối ưu, có thể áp dụng chung cho mọi trường hay mọi trường hợp. Việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ trong xét tuyển hiện nay là chính sách hiệu quả trong giai đoạn nhất định, nhưng không phải là giải pháp bền vững trong dài hạn, có thể tạo ra sự bất bình đẳng nêu trên.
Theo ông Minh, điểm thi ngoại ngữ như IELTS phụ thuộc nhiều vào việc luyện thi, khó phản ánh toàn diện năng lực học tập của người học. Bên cạnh đó, tiếng Anh là lợi thế của một số ngành nghề tương lai, việc ưu ái sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận kỳ thi này không đồng đều trên toàn quốc. Điều đó sẽ tạo nên sự bất công nhất định cho học sinh ở các khu vực tiếp cận kém hơn.
Trong khi đó, theo ThS Lê Đình Hiếu, thực tế hiện nay, các trường chỉ dành 5-20% chỉ tiêu cho các phương thức có dùng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển đại học. Điều này hạn chế được việc tạo ra khoảng cách giữa các thí sinh.
“Nếu trường dành tới 50-60% cho các phương thức có sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ, lúc này, bất bình đẳng mới xảy ra. Ngoài ra, chứng chỉ IELTS hiện nay quá phổ biến trong đánh giá năng lực ngoại ngữ. Nếu trường đại học chỉ sử dụng IELTS là chứng chỉ ngoại ngữ duy nhất để xét tuyển, lo ngại khoảng cách giữa các thí sinh là có căn cứ”, ông Hiếu nói.
Giải pháp
Để hạn chế khoảng cách giàu - nghèo, bất bình đẳng, theo ông Hiếu, nếu các trường sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ, cần đa dạng các loại chứng chỉ khác nhau, có quy đổi tương đương, cho phép thí sinh sử dụng linh hoạt. Đồng thời, tỷ lệ % chỉ tiêu tuyển sinh ở hình thức xét tuyển này cần cân đối, tránh mất quyền lợi của thí sinh sử dụng hình thức khác.
Ông Hiếu cũng cho rằng không có bất kỳ chính sách giáo dục nào xóa bỏ hoàn toàn khoảng cách giàu - nghèo giữa các thí sinh.
“Công tâm mà nói, khi bất kỳ chính sách giáo dục nào được đưa ra, xác suất xảy ra bất bình đẳng luôn tồn tại", vị chuyên gia nhận định.
Ông Hiếu lấy ví dụ về việc luyện thi. Theo đó, rõ ràng, những em ở khu vực phát triển hơn luôn có điều kiện luyện thi, những gia đình có năng lực chi trả cao hơn luôn có khả năng mời giáo viên giỏi giảng dạy cho con em mình.
“Như vậy, bất kỳ chính sách nào đều dẫn đến xu hướng các gia đình có điều kiện hơn tìm cách để con tốt hơn. Từ đó tạo ra khoảng cách hay bất bình đẳng, đây là bản chất của xã hội. Nếu kỳ vọng về một chính sách xét tuyển tối ưu hoàn toàn, mong muốn xóa bỏ 100% bất bình đẳng, đó là ý tưởng hầu như không thể tồn tại. Xã hội nên có cái nhìn rộng mở hơn, tôn trọng xu thế tự chủ của các trường đại học”, ông Hiếu phân tích.
Thông tin thêm, ông Hiếu cho biết hiện nay, tại Việt Nam chưa có nghiên cứu khoa học, đồng thời các trường cũng không công bố cụ thể bao nhiêu % thí sinh nộp IELTS hay chứng chỉ ngoại ngữ khác để quy đổi điểm đại học.
Vì vậy, cần thiết phải có nghiên cứu về tỷ lệ sinh viên luyện thi IELTS cao để lấy chứng chỉ nộp vào trường đại học, từ đó điều chỉnh cho hợp lý.
Trong khi đó, để việc tuyển sinh có hiệu quả, TS Đàm Quang Minh nhận định thực tế hiện nay, các trường đang rất chủ động và nhanh nhạy trong việc tuyển sinh. Phương án tuyển sinh dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau, phù hợp với nhiều đối tượng như học sinh giỏi, thí sinh tham gia các kỳ thi như SAT, thí sinh thi khảo sát năng lực của trường và sau đó mới đến hồ sơ học bạ, kết quả thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ.
Thậm chí nhiều trường còn tổ chức phỏng vấn với các chương trình chất lượng cao nhằm chọn đúng nhất, nghiêm túc nhất những sinh viên có tiềm năng.
“Chúng ta sẽ không có giải pháp hữu hiệu cho tất cả trường mà nên để mỗi trường có giải pháp phù hợp cho chính trường mình”, ông Minh nhận định.
Theo đó, các trường, ngành khối kinh tế có thể ưu tiên sử dụng điểm tiếng Anh, các trường kỹ thuật ưu ái học sinh giỏi, các kỳ thi như SAT hay kỳ thi đánh giá năng lực. Đó là giải pháp phù hợp giúp cho các trường có được học sinh phù hợp nhất.
Ngày 17.11, trong quyết định phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh IELTS giữa Công ty TNHH Giáo dục IDP và IELTS Australia Pty Ltd (Australia), Bộ GD-ĐT chỉ mới cấp phép cho đơn vị này tổ chức thi tại 4 địa điểm ở 3 thành phố là Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.
Tương tự, ngày 18.11, Bộ GD-ĐT cũng chỉ phê duyệt cho Hội đồng Anh và các bên liên quan tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh IELTS trở lại ở 10 địa điểm tại 5 tỉnh thành gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nghệ An và Thừa Thiên - Huế.
Trong khi đó, trước khi bị hoãn, trên website, cả 2 tổ chức trên đều thông tin thí sinh có thể đăng ký tham dự kỳ thi này tại nhiều địa phương ở Việt Nam.
Theo Zing