Nắm rõ bản chất học thuyết phản kháng phi bạo lực để giữ vững ổn định chính trị

Góc nhìn - Ngày đăng : 09:34, 30/11/2022

Công cụ để tiến hành hoạt động phản kháng phi bạo lực là bộ máy truyền thông rộng khắp, trước hết là mạng xã hội ...

Kể từ sau Chiến tranh Lạnh, thế giới chứng kiến sự bùng nổ làn sóng chính trị chưa từng có được gọi bằng những cái tên khác nhau rất mỹ miều, như “cách mạng màu”, “mùa xuân Arab”, hay “biểu tình hòa bình” núp dưới các yêu sách “đòi dân sinh”, “xúc tiến dân chủ”, “cải cách”, “bảo vệ nhân quyền”, “chống tham nhũng”, “chống độc tài” hay là “chống gian lận trong bầu cử”...

Đã có không ít nguyên thủ nhiều nước đương quyền hoặc vừa mới giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử phải ra đi trước sức ép của làn sóng chính trị này. Ở Việt Nam, một số kẻ cơ hội chính trị, phản động đã vận dụng học thuyết phản kháng phi bạo lực, đề ra chủ thuyết về "cách mạng trắng", "cách mạng hoa sen"... với âm mưu thay đổi chế độ chính trị. Vậy thực chất của học thuyết phản kháng phi bạo lực là gì?  

Ảnh minh họa

Nạn nhân của học thuyết phản kháng phi bạo lực, điển hình là cuộc “cách mạng hoa hồng” năm 2003 buộc Tổng thống Gruzia Eduard Shevardnadze phải từ chức ngay sau khi vừa tuyên bố đắc cử tổng thống để nhường ghế cho Mikheil Saakashvili-một chính khách được đào tạo rất bài bản ở Mỹ. Cuộc “cách mạng cam” lần thứ nhất ở Ukraine năm 2004 đưa Viktor Yushchenko lên cầm quyền và cuộc “cách mạng cam” lần thứ hai cuối năm 2013 đầu năm 2014 dẫn tới cuộc chiến tranh bạo loạn lật đổ chính thể của Tổng thống Viktor Yanukovych. Hay “cuộc cách mạng nhung” dẫn tới bạo loạn chính trị ở Venezuela năm 2012 , “cách mạng trắng” ở Nga năm 2012 với toan tính ngăn cản Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống...

Theo giới phân tích chính trị quốc tế, căn nguyên sâu xa của làn sóng các cuộc “cách mạng màu” trên đây đều xuất phát từ một học thuyết chính trị mang tên “phản kháng phi bạo lực”-nghĩa là không thiên về sử dụng bạo lực để giành chính quyền. Học thuyết này đang là tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế và giới nghiên cứu công nghệ chính trị.

Trung tâm điều phối toàn bộ hoạt động phản kháng phi bạo lực là đại sứ quán nước ngoài ở nước sở tại và các cơ quan tình báo quốc tế. Tài trợ trực tiếp cho các hoạt động này là hàng trăm tổ chức phi chính phủ của phương Tây hoạt động trên khắp thế giới như “Ngôi nhà tự do”, “Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ”, “Viện quốc gia nghiên cứu quốc tế của Đảng Cộng hòa”, “Viện quốc gia nghiên cứu quốc tế của Đảng Dân chủ”, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ. Những tổ chức này tài trợ cho hàng nghìn tổ chức phi chính phủ được lập ra ở các quốc gia mục tiêu-nơi dự kiến sẽ tiến hành “cách mạng màu” để lật đổ chính quyền sở tại. Những tổ chức này hiện diện trước hết tại các quốc gia nằm ở những khu vực đang diễn ra cạnh tranh địa-chính trị giữa các cường quốc như không gian hậu Xô viết, Bắc Phi-Trung Đông, Mỹ Latin, Đông Nam Á, Nam Á. Lực lượng trực tiếp tiến hành hoạt động phi bạo lực là các lực lượng đối lập thường được hình thành ở những quốc gia có chế độ chính trị đa nguyên đa đảng, hoặc “đội quân thứ năm” được cài cắm trong hệ thống chính trị của nước sở tại. Công cụ để tiến hành hoạt động phản kháng phi bạo lực là bộ máy truyền thông rộng khắp, trước hết là mạng xã hội Facebook hay Twitter...

Nắm rõ bản chất của học thuyết phản kháng phi bạo lực là vấn đề rất quan trọng để giữ vững ổn định chính trị ở các quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển. Đối với công dân Việt Nam, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên cần nghiên cứu, nắm chắc thực chất của học thuyết phản kháng phi bạo lực để có "sức đề kháng" trước âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch; cũng như góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ suy thoái tư tưởng chính trị, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; thực hiện bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa từ sớm, từ xa.

LÊ THẾ MẪU