Với cộng tác viên, ân cần và tôn trọng

Chính trị - Ngày đăng : 06:10, 01/12/2022

Tôi vẫn tự nhận mình suốt đời là cộng tác viên của Báo Hải Dương. Tuy không ăn lương nhưng tôi được "ăn lộc". Ngẫm lại, từ những bài báo mấy chục năm nay mà cũng có chút danh phận…

Vì là cộng tác viên, ở bên ngoài tờ báo nên có khi những điều mình nghĩ là hay, là đúng, thì khi bài gửi đến tòa soạn đã có bài in rồi, nên không dùng nữa. Bài không được dùng sinh ra tự ti. Ngại. Nhưng cũng vì tờ báo ân cần, trao đổi lại mà cộng tác viên lại thêm hưng phấn.

Báo chí trải qua nhiều giai đoạn, mặn nhạt đầy vơi, nhưng cái quý nhất là Báo Hải Dương luôn quan tâm đến đội ngũ cộng tác viên. Không chỉ gửi báo biếu, trả tiền nhuận bút khá đều đặn, mà còn có ý tưởng nuôi dưỡng "nguồn" cho trước mắt và lâu dài.

Còn nhớ năm 2001, tôi có đi chuyến công tác bên Lào, trước khi đi tôi đến chơi và "khoe” với đồng chí Tổng Biên tập Báo Hải Dương Hà Cừ. Anh vui lắm, hồ hởi dặn: “Sang bên ấy, anh để ý xem có chuyện gì hay hay, ghi chép lại nhé. Không phải lúc nào phóng viên báo cũng sang được đâu".

Nhớ lời anh dặn, chuyến đi ấy tôi đã tiếp cận được những cơ sở sản xuất, kinh doanh của các doanh nhân Hải Dương trên đất Viêng Chăn kết nghĩa anh em và viết được hai bài ký, có ảnh minh họa rất kịp thời. Lại sáng tác được một bài thơ, trong buổi đoàn chia tay đọc lên có người phiên dịch, các bạn Lào nghe rất xúc động.

Đấy là những lần cộng tác viên tự đi tìm tài liệu, còn khá nhiều lần các đồng chí lãnh đạo Báo Hải Dương phát hiện ra điển hình, điểm sáng, thông tin cho cộng tác viên biết.

Tôi là cộng tác viên thích viết bài cho chuyên mục "Người tốt, việc tốt”, hay đi tìm chuyện gai góc giữa đời thường mà không ngại. Tôi có thể ngồi ca nô nửa ngày trời trên các tuyến sông trong tỉnh, trải nghiệm để viết bài ghi chép "Nghề sông nước”. Có lần vào Trại giam Hoàng Tiến, viết phóng sự “Hoa đỏ giữa bùn đen”, về tận vùng núi Chí Linh, viết bài “Người tránh việc nhà, thiết tha việc làng”, được trao giải báo chí của Ủy ban MTTQ Việt Nam…

Tôi thật sự cảm động nhớ lại, có lần phải đến một địa phương khá xa thành phố để tác nghiệp, gặp khi thời tiết khắc nghiệt, các anh ở tòa soạn đã bố trí phương tiện cho tôi đi cơ sở cùng phóng viên để bớt vất vả, khó khăn. Chúng tôi đã về vùng sâu vùng xa, giáp tỉnh Quảng Ninh, để viết bài ghi chép "Kênh Giang, xuân đến sớm”. Lại có lần về Cẩm Giàng, Nam Sách  để tác nghiệp cho ra mắt “Đức Chính làm giàu” và “Nam Tân ngày mới”... Thú vị nhất lần đi viết chuyện anh nông dân ở Tứ Kỳ, chỉ học lớp 7 mà sáng chế máy công cụ, phục vụ nhà nông, bán ra nước ngoài, với bài “Từ lái xe bò đuôi… thành nhà sáng chế" được giải  thưởng. Sau những chuyến đi, tôi biết, các anh muốn có nhiều cộng tác viên tham gia, để tờ báo có thêm giọng điệu, màu sắc, thêm sinh động.

Những năm sau này, báo Hải Dương vẫn giữ được nếp quen như thế. Thấy tôi một dạo làm việc ở Hà Nội, Tổng Biên tập Nguyễn Hải Bình gọi điện cho tôi bảo, nếu có điều kiện tiếp xúc với những nhân vật điển hình, người Hải Dương sống trên đất Hà Nội thì viết bài gửi về để giới thiệu những người con quê hương thành công ở vùng đất khác...  Tôi có bài về tiến sĩ Trần Đình Ngôn, một soạn giả chèo nổi tiếng, viết về giáo sư Văn Tạo, quê gốc Tứ Kỳ nhưng cả đời làm việc tại Viện Sử học. Tôi viết về Giám đốc Nhà sách Tràng An, tận tâm với nghề xuất bản, phát hành các loại ấn phẩm văn hóa trên đất Hà thành… Gần đây nhất, trong chuyến đi biên giới đông bắc làm phim truyền hình với Quân khu Ba, ngoài nhiệm vụ chính, tôi đã dành thời gian, tìm hiểu về những lính quê Hải Dương, đang ngày đêm công tác tại miền biên giới Bình Liêu xa xôi, để viết bài ghi chép “Người Hải Dương trên dải biên cương”. 

Chỉ mấy năm vướng vào dịch Covid - 19, còn năm nào báo cũng tổ chức gặp mặt, biểu dương cộng tác viên để tỏ lòng trân trọng. Nhiều bạn bè ở báo chí trung ương cũng phải thừa nhận rằng Báo Hải Dương có nghĩa, có tình nhất trong các tờ báo quanh vùng.

Mỗi lần tỉnh phát động viết về những chuyên đề, các đồng chí lãnh đạo báo Hải Dương cũng thông tin rộng rãi đến các cộng tác viên. Khi thì gửi qua email, khi thì nhắn tin, có lúc gọi điện trực tiếp để mời cộng tác viên tham gia, thậm chí gợi ý đề tài, giới thiệu địa chỉ cần viết cho trúng mục tiêu cuộc phát động. Gần đây, khi có báo mới phát hành, trong khi chờ báo biếu thường đến chậm hơn qua đường bưu điện, tòa soạn đã có sáng kiến gửi bản PDF qua email cho cộng tác viên đọc trước. Thật tiện.

Ân cần và trân trọng, quan tâm tới đội ngũ cộng tác viên, Báo Hải Dương đã làm công việc của người "muốn có mật phải trồng hoa"…

KHÚC HÀ LINH