Trận bóng đong đầy tình cảm yêu thương
Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 06:42, 04/12/2022
Chơi bóng với bố Không cần kẻ vạch biên vôi NGUYỄN NGỌC HƯNG |
Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng có số phận không may từ khi chuẩn bị trở thành thầy giáo đứng trên bục giảng. Căn bệnh quái ác khiến cơ thể anh co quắp lại, đau đớn, phải nằm một chỗ. Từ đó, anh dâng hiến cuộc đời mình cho thơ ca, xem thơ ca là người bạn chia sẻ ngọt bùi. Đến nay, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng đã có nhiều tập thơ thiếu nhi được xuất bản: Cầm sợi gió trên tay (1993), Lửa trời nhóm bếp (1994), Còng con tìm mẹ (1995), Gọi trăng (2001), Đường em đến lớp (2004)… Bài thơ "Chơi bóng với bố" in trong tập "Gọi trăng" (Nhà xuất bản Kim Đồng, năm 2001) thật vui tươi và trong sáng. Tác phẩm ca ngợi tình cảm yêu thương, chan hòa của người cha với con mình trong cuộc sống, cụ thể là qua trò chơi bóng đá hồn nhiên, vui nhộn. Đó còn là bài học bổ ích cho các bạn nhỏ khi có ý thức chơi thể thao và rèn luyện sức khỏe mỗi ngày.
Bài thơ Chơi bóng với bố mở đầu bằng những câu thơ miêu tả cách tạo sân bóng của hai bố con thật đặc biệt. Từ cái sân gạch ở nhà mình, cứ thế biến thành sân bóng, không cần phải “kẻ vạch biên vôi” theo đúng quy cách, quy định làm gì. Sân bóng phải có cầu môn chứ? Chắc chắn vậy rồi, nhưng qua cái nhìn của chú Nguyễn Ngọc Hưng, điều ấy lại vô cùng dễ dàng, “chỉ cần một đôi dép mỏng” là xong thôi. Sân bóng hoàn thiện rồi đó, thật thích thú và dễ thương, hai bố con cứ thế tha hồ mà chơi bóng: "Không cần kẻ vạch biên vôi/Sân gạch cũng thành sân bóng/ Cầu môn? Chuyện ấy dễ rồi/Chỉ cần một đôi dép mỏng…".
Cuộc dàn trận để thi đấu của hai đội bóng cũng hết sức độc đáo. Mỗi đội chỉ có một người: “thủ môn ngoại hạng” là bố và “danh thủ nhí” là con. Qua nghệ thuật so sánh của tác giả, sự hóm hỉnh của bài thơ đã tăng lên đáng kể. Hai bố con trở thành những “ngôi sao” trong làng bóng đá cả rồi, vậy mà quả bóng dùng để đá chỉ là bóng nhựa, thường lăn sệt sát đất, bố cao lênh khênh đành phải ngồi xuống để bắt bóng mới được: "Bố là… thủ môn ngoại hạng/Con là danh thủ nhí thôi/Quả bóng nhựa thường lăn sệt/ Lênh khênh bố phải… bắt ngồi!"
Đâu chỉ có thế, không khí trận đấu của hai đội bóng mới thật rộn ràng, hấp dẫn. Khổ đầu đặc biệt ở thiết kế sân bóng, khổ hai hóm hỉnh ở cách chơi bóng, khổ ba lại kỳ lạ ở niềm vui chơi bóng. Dù trận đấu chỉ có hai người, nhưng mỗi lần có quả bóng sút vào cả hai lại “cùng vỗ tay cười” nên rất náo nhiệt. Bố cười, con cũng cười theo, tất cả hòa đồng, sáng trong một tình yêu thương ấm áp. Khác với niềm vui, nỗi buồn của hai đội thi trên sân cỏ khi có bóng vào lưới, trận đấu của bố và con trở nên hồn nhiên, thương mến lạ lùng. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng sử dụng cụm từ “rộn ràng ra phết” như lời nói hằng ngày để diễn tả sự sống động, vui nhộn rất mực chân thực của trận đấu bóng đá có một không hai này: "Mỗi lần có pha thủng lưới/ Bố, con cùng vỗ tay cười/ Trận đấu chỉ có hai người/ Mà cũng rộn ràng ra phết…".
Tuổi thơ được nô đùa chạy nhảy, thế là vui. Người con trong bài thơ này cũng vậy, không biết mệt là gì. Nhưng cái hay và lắng đọng ở khổ thơ cuối chính là tình cảm của bạn nhỏ dành cho bố, thương bố vì thấy “bố mướt mồ hôi”. Ôi chao, bóng đá chỉ có tranh chấp, thắng thua, thậm chí “chơi xấu” nhau, vậy mà trận đấu này chỉ có tình thương đong đầy, ngập tràn hạnh phúc. Con “dừng chân sút” để “mời bố nghỉ” là thái độ thấu hiểu rất đời thường mà sâu sắc của bạn nhỏ: "Chơi hoài con không biết mệt/ Chỉ thương bố mướt mồ hôi/ Danh thủ con ngừng chân sút/ Mời thủ môn bố nghỉ thôi!".
Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng viết thơ cho thiếu nhi hồn nhiên, trong sáng như chính niềm ước ao sâu thẳm từ đáy lòng mình. Ở tác phẩm Chơi bóng với bố, bài học về việc rèn luyện thể thao, cuộc sống thân thiện, chan hòa và tràn đầy yêu thương của hai bố con trong gia đình không được thể hiện trực tiếp qua từ ngữ mà ẩn giấu sau cảm xúc, lắng sâu trong những gì mỗi người trải nghiệm, sẻ chia.
LÊ THÀNH VĂN