Mang rối nước và âm nhạc dân tộc Việt Nam đến với công chúng Pháp
Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 10:00, 05/12/2022
"Một màn trình diễn rối nước Vũ điệu Tứ linh." (Ảnh: Thu Hà/TTXVN)
Một chương trình nghệ thuật biểu diễn rối nước và ca nhạc dân tộc đặc sắc với chủ đề “Những câu chuyên làng quê” đã diễn ra từ ngày 1-4.12 tại thủ đô Paris.
Sự kiện do Hiệp hội ALEDI (Trẻ em Đông Dương - Les Enfants de l’Indochine) phối hợp với Công ty TNHH nghệ thuật biểu diễn múa rối nước Hà Nội-Việt Nam tổ chức, nhằm quảng bá văn hóa dân tộc và quyên góp tiền từ thiện cho trẻ em khó khăn ở các vùng sâu, vùng xa, miền núi của Việt Nam.
Từ những câu chuyện sinh hoạt thường nhật bình dị, êm ả của người nông dân ở các làng quê, đến các câu chuyện cổ tích hay truyền thuyết, tất cả đều được tái hiện trên một sân khấu nhỏ ngập nước với mái đình cong và những chiếc mành rèm tre.
Chú tễu hài hước, trẻ mục đồng chăn trâu thổi sáo, đánh bắt cá, làm nông, rồng phun nước hay phượng hoàng vờn lân..., những con rối nhỏ ngộ nghĩnh, xinh xắn nhảy múa, uốn lượn trên nước, theo nhịp trống canh, với làn điệu chèo và dân ca Bắc Bộ đã thu hút sự theo dõi thích thú của đông đảo công chúng, là bà con kiều bào và bạn bè Pháp.
Bên cạnh đó những tiết mục âm nhạc dân gian, di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận như hát tuồng, chầu văn, hầu đồng hay âm nhạc dân tộc đã đưa khán giả đi hết từ ngạc nhiên này đến thú vị khác.
Giải thích về lý do tổ chức chương trình này, ông Triệu Vĩnh Văn, Chủ tịch Hiệp hội ALEDI, cho biết rối nước là một loại hình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam, nó không giống như nghệ thuật múa rối khác, do đó khán giả phương Tây rất yêu thích. Bên cạnh đó, sự kiện không chỉ nhằm quảng bá văn hóa Việt Nam mà còn góp phần tăng cường giao lưu văn hóa giữa hai dân tộc Việt Nam và Pháp và hoạt động từ thiện.
Với bà Đặng Thị Diệp, Giám đốc Công ty TNHH biểu diễn nghệ thuật rối nước Hà Nội-Việt Nam, chính ước mơ đưa nghệ thuật dân gian cổ truyền Việt Nam ra thế giới, đặc biệt là để giới thiệu tới bà con kiều bào và bạn bè Pháp, đã thúc đẩy bà phối hợp với Hiệp hội ALEDI tổ chức chuyến lưu diễn này.
Màn trình diễn hầu đồng "Cô đôi thượng ngàn." (Ảnh: Thu Hà/TTXVN)
Bà tâm sự: “Để đưa nghệ thuật dân tộc ra giới thiệu ở nơi đất khách quê người không phải là việc dễ làm. Nhưng với tình yêu và niềm tin vào nghệ thuật, tôi quyết tâm quảng bá rối nước và âm nhạc dân gian cổ truyền của nước ta để bạn bè quốc tế thấy rằng văn hóa dân tộc Việt Nam luôn được bảo tồn và phát triển, đặc biệt là rối nước, một loại hình nghệ thuật đặc sắc có một không hai mà ông cha ta đã truyền lại.”
Bà Antonella Tran, một khán giả Pháp, bày tỏ sự thích thú khi xem các tiết mục biểu diễn độc đáo của những con rối trên nước. Đi cùng hai cháu nhỏ của mình, bà chia sẻ: “Tôi và các cháu đều rất thích màn trình diễn của những con rối. Cháu gái của tôi thậm chí còn nhảy múa theo nhạc. Chương trình rất hay và đặc sắc.”
Nghệ sỹ ưu tú Đỗ Thế Ban, trưởng đoàn, chỉ đạo nghệ thuật kiêm diễn viên, cũng chia sẻ cảm giác hồi hộp mỗi khi biểu diễn trước bà con kiều bào và bạn bè Pháp. Ông cho biết “rất vinh dự và hạnh phúc khi được đón nhận những tràng pháo tay, nụ cười và sự tiếp đón nồng hậu, tình cảm của bà con sau mỗi buổi diễn.”
Sau mỗi buổi biểu diễn, các khán giả có cơ hội được giao lưu với các nghệ sỹ và chụp hình với các nhân vật rối ngộ nghĩnh, để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng Pháp. Được biết toàn bộ số tiền thu được, sau khi trang trải chi phí cho hoạt động biểu diễn, sẽ được đóng góp vào Quỹ ALEDI để giúp đỡ trẻ em khó khăn ở các vùng sâu,vùng xa, miền núi của Việt Nam.
Trình diễn rối nước và các tiết mục dân tộc không chỉ là giới thiệu với bạn bè quốc tế những nét đẹp truyền thống của đất nước Việt Nam, mà còn góp phần vào sự phong phú, đa dạng của kho tàng văn hóa thế giới. Và các con rối cùng các nghệ sỹ chính là những đại sứ văn hóa lưu động rất đặc biệt của Việt Nam.
Theo TTXVN