Cách phân biệt triệu chứng say rượu và ngộ độc rượu

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 11:36, 06/12/2022

Loại rượu thường dùng để uống chứa ethanol. Nếu uống nhầm rượu chứa methanol thì nguy cơ gây hại rất lớn.

Mỗi người nên hạn chế uống rượu bia để bảo đảm an toàn sức khỏe của chính mình


Những trường hợp này nếu không có cách chữa ngộ độc rượu kịp thời thường rất nguy hiểm.

Biểu hiện của ngộ độc rượu có pha methanol giống hệt biểu hiện của say rượu như loạng choạng, hoa mắt... nên rất khó phân biệt. Cần quan sát và nhận ra các dấu hiệu sau để có cách chữa ngộ độc rượu kịp lúc.

Biểu hiện của say rượu: chếnh choáng; nói líu lưỡi; phối hợp cơ thể kém, mất thăng bằng; buồn nôn, nôn.

Biểu hiện của ngộ độc rượu: chậm nhất 24 giờ sau khi uống rượu pha methanol, người uống sẽ xuất hiện các triệu chứng của ngộ độc như co giật; bất tỉnh, hôn mê; tê, yếu chân tay hoặc một bên mặt; nói ngọng dù đã tỉnh táo; ho yếu, ứ đọng đờm ở miệng, họng; da, môi, móng tay tím tái, lạnh; đại tiện, tiểu tiện ra quần; rối loạn cảm nhận về màu sắc; nhìn mờ, không rõ ràng; chướng bụng, đau bụng; mệt, nôn nhiều.

Cách sơ cứu nạn nhân bị ngộ độc rượu

Đối với những trường hợp nhẹ, khi thấy người uống rượu có biểu hiện ngộ độc, cần nhanh chóng tiến hành các bước sơ cấp cứu tại chỗ cho nạn nhân để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Kê gối thấp cho người bệnh nằm nhằm làm nôn hết rượu ra, sau đó cho ăn cháo loãng, cứ vài tiếng phải đánh thức dậy cho ăn.

Việc bù nước, chất điện giải, đường và các vitamin (đặc biệt vitamin nhóm B) là rất cần thiết cho giải độc rượu. Một số loại nước uống phù hợp như nước mật ong chanh gừng tươi, bột sắn dây chanh tươi, nước ép hoa quả...

Không nên dùng thuốc chống nôn, thuốc giảm đau. Không để người bệnh tắm ngay khi đang say vì dễ gây hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, đột quỵ, tụt huyết áp.

Các bác sĩ lưu ý khi đã ngộ độc rượu, không cố gắng để làm cho người bệnh nôn mửa (người bị ngộ độc rượu đã bị giảm phản xạ) có thể làm sặc chất nôn của chính họ hoặc vô tình hít chất nôn vào phổi, gây ra chấn thương phổi dẫn đến tử vong.

Đối với những trường hợp nặng, cần đưa ngay đến cơ sở y tế để cấp cứu nếu có các dấu hiệu nôn liên tục, đặc biệt khi dịch nôn có máu, lay gọi không tỉnh sau 2-3 giờ, vã mồ hôi, tay chân lạnh, da xanh tái, mạch bắt yếu, co giật, thở chậm, thở không đều, tím tái.

Cách phòng tránh ngộ độc rượu

Để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, mỗi người nên hạn chế uống rượu bia để bảo đảm an toàn sức khỏe của chính mình.

Trong trường hợp phải sử dụng rượu nên lựa chọn những sản phẩm rượu rõ nguồn gốc xuất xứ. Không uống rượu khi đang uống thuốc điều trị bệnh, khi đang đói hoặc đang mệt.

Ngay khi phát hiện người bị ngộ độc rượu methanol cần chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để giải độc kịp thời, tránh các biến chứng, di chứng nguy hiểm.

LÊ CẦM