Hợp tác xã nông nghiệp gặp khó trong áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 16:00, 06/12/2022
Hệ thống tưới tiết kiệm tại vùng chuyên canh rau màu ở xã Phạm Kha không còn hoạt động thường xuyên
Cơ giới đứt đoạn
Xã Phạm Kha có vùng chuyên canh rau màu lớn nhất huyện Thanh Miện với tổng diện tích 162 ha. Do đây là vùng sản xuất tập trung nên nhiều khâu dịch vụ đã sử dụng máy móc để thay thế sức người. Đặc biệt, nhờ sự hỗ trợ của tỉnh và huyện nên xã Phạm Kha đã xây dựng được hệ thống tưới nước tiết kiệm cho toàn bộ diện tích trồng rau màu. HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Phạm Kha được phân công phụ trách điều hành hệ thống này. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng, hệ thống tưới tiết kiệm ở xã Phạm Kha đã bộc lộ nhiều hạn chế. Hệ thống bể hút xây dựng chưa hợp lý nên thường xuyên bị tắc nghẽn. Do canh tác các loại rau màu khác nhau nên các hộ dân không tưới nước vào cùng một thời điểm nhưng hệ thống vẫn hoạt động 100% công suất dẫn đến lãng phí điện...
Ông Vũ Viết Khang, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Phạm Kha cho biết, hiện hệ thống tưới tiết kiệm có rất ít người sử dụng vì không phù hợp nhu cầu thực tế. Diện tích được quy vùng theo phương châm "một vùng, một giống, một thời gian" không nhiều nên mục tiêu CGH đồng bộ bị đứt đoạn ở nhiều khâu dịch vụ như: tưới tiêu, bảo quản và chế biến...
Hiện các HTX nông nghiệp trong tỉnh đang đứng ra đảm nhiệm hầu hết các khâu dịch vụ. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, việc áp dụng CGH hiện nay chưa đồng bộ ở các khâu và giữa các lĩnh vực. Chẳng hạn như trong sản xuất lúa, các HTX mới chỉ tập trung CGH ở các khâu làm đất, thu hoạch, còn khâu gieo trồng, chế biến rất hạn chế. Năm 2022, diện tích lúa cấy máy bằng mạ khay trên địa bàn tỉnh mới đạt hơn 13.300 ha, chiếm 12,2% tổng diện tích gieo cấy toàn tỉnh. Tại các vùng trồng cây ăn quả, rau màu, tỷ lệ ứng dụng CGH còn khá thấp do hạ tầng kỹ thuật như: giao thông nội đồng, hệ thống tiêu thoát nước không đồng bộ... cũng như mức độ tích tụ ruộng đất ở nhiều địa phương chưa cao. Các HTX và các hộ dân gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư trang thiết bị, máy móc phục vụ CGH sản xuất nông nghiệp.
Thiếu vốn
Những năm qua, HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Long Xuyên (Bình Giang) đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh CGH vào sản xuất như khuyến khích các hộ dân đầu tư mua sắm các loại máy móc; hỗ trợ kinh phí làm mạ khay, cấy máy... Tuy nhiên trong quá trình thực hiện HTX gặp không ít khó khăn do thiếu vốn. Đơn cử như để sản xuất mạ khay, các hộ cần phải thuê diện tích mặt bằng lớn nhưng gần đến mùa vụ mới sử dụng đến gây lãng phí. Mặt khác, các công cụ hỗ trợ sản xuất như: giàn gieo, khay mạ, thiết bị gieo, giá thể... có kinh phí đầu tư lớn, trong khi thời gian khai thác chỉ khoảng 30 ngày/vụ.
Năm 2022, diện tích lúa cấy máy bằng mạ khay trên địa bàn tỉnh mới đạt hơn 13.000 ha, chiếm 12,2% tổng diện tích
Theo ông Hoàng Hữu Bắc, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Long Xuyên, ngoài việc tổ chức lại sản xuất kết hợp với nâng cao kiến thức cho nông dân thì nguồn vốn hỗ trợ để CGH đồng bộ cũng là điều mà nhiều HTX quan tâm. Hiện nay các chính sách hỗ trợ của Nhà nước rất khắt khe, ít HTX đáp ứng được. "Hiện chúng tôi đã xây dựng được một số vùng trồng lúa nếp và Bắc thơm số 7 tập trung. Việc xây dựng được các cánh đồng mẫu lớn đã giúp địa phương đủ điều kiện nhận được chính sách hỗ trợ của tỉnh và huyện. Tuy nhiên kinh phí và diện tích hỗ trợ còn khá thấp so với nhu cầu thực tế", ông Bắc cho biết.
Hiện nay, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh cho rằng cần sửa đổi một số chính sách hỗ trợ cho phù hợp nhu cầu thực tế như: Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Chính phủ về chính sách hỗ trợ mua máy móc hay Nghị định số 02/2010/NĐ-CP về khuyến nông... Nhiều HTX hiện chưa thể tiếp cận với các chính sách này do các điều kiện cho vay quá thắt chặt. Cụ thể, Quyết định số 68 ưu tiên cho hộ cá nhân vay vốn nên gây khó cho các HTX. Còn Nghị định số 02 lại yêu cầu HTX phải có nguồn vốn chủ sở hữu, có tài sản bảo đảm. Trong khi thực tế có rất ít HTX nông nghiệp đáp ứng được các điều kiện này. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ kinh phí để thúc đẩy quá trình CGH ở các địa phương trong tỉnh chưa nhiều, hiện mới chỉ áp dụng cho các mô hình điểm của các HTX.
Đại diện Liên minh HTX tỉnh cho biết, để thực hiện CGH có hiệu quả, trước hết các địa phương cần tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn. Mặt khác kết cấu hạ tầng nông thôn cũng cần được quan tâm đầu tư bài bản, đồng bộ. Ngoài chính sách của Nhà nước, các địa phương nên có chính sách riêng về CGH để giảm gánh nặng về vốn cho các HTX. "Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tham mưu UBND tỉnh những giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình CGH tại các HTX nông nghiệp. Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ các đơn vị tiếp cận với những nguồn vốn vay ưu đãi để đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào trong sản xuất", bà Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết.
ĐỖ QUYẾT