Vì sao nhiều địa phương chưa thực hiện thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn?
Môi trường - Ngày đăng : 13:13, 08/12/2022
Nhiều địa phương dù được chọn làm điểm nhưng vẫn chưa triển khai thực hiện phân loại rác thải tại nguồn theo kế hoạch. Trong ảnh: Rác thải sinh hoạt tại xã Đồng Tâm (Ninh Giang) vẫn được thu gom lẫn lộn
Theo kế hoạch, năm 2022 toàn tỉnh sẽ thực hiện mô hình thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn ở 22 xã trong tỉnh, trong đó mỗi huyện, thị xã sẽ triển khai thí điểm tại 2 xã song đến nay nhiều địa phương chưa triển khai thực hiện.
Lộ trình đã rõ...
Tháng 8.2021, UBND tỉnh đã ban hành đề án “Xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là đề án). Đề án đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 90% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp được thu gom và xử lý bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và đạt 100% vào năm 2030.
Theo phân tích của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), khi thực hiện phân loại rác tại nguồn, khối lượng chất thải phải xử lý ở khu vực nông thôn sẽ giảm 70% và ở khu vực đô thị sẽ giảm 20%. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định, chậm nhất đến ngày 31.12.2024, bắt buộc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên toàn quốc. Như vậy, phân loại tại nguồn là việc bắt buộc phải làm, đã được luật pháp quy định.
Theo lộ trình đã đặt ra trong đề án, năm 2021 các địa phương sẽ rà soát ban hành các văn bản quy định về quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, cơ chế tài chính và chuẩn bị các điều kiện cho hoạt động phân loại chất thải tại nguồn, vận chuyển, xử lý chất thải. Năm 2022, toàn tỉnh sẽ thực hiện thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn 22 xã, trong đó mỗi huyện, thị xã thí điểm tại 2 xã (không thực hiện tại TP Hải Dương). Năm 2023 sẽ tổ chức đánh giá, tổng kết kết quả thực hiện để rút kinh nghiệm và điều chỉnh cho giai đoạn 2024 – 2025 phù hợp tình hình thực tiễn.
Để thực hiện lộ trình này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn cấp huyện và nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ở một số địa phương. Các địa phương đều đã đăng ký và lựa chọn xã để thực hiện thí điểm trong năm 2022.
Theo ông Vũ Mạnh Tưởng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, đến đầu tháng 12, ngoài huyện Nam Sách đã triển khai phân loại rác thải tại nguồn trong phạm vi toàn huyện, tại các xã đã được đăng ký thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn khác vẫn chưa thực hiện được trên quy mô toàn xã. Việc triển khai mới dừng ở quy mô nhỏ, gắn với mô hình phân loại rác thải tại nguồn của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ. Theo thống kê sơ bộ, năm 2022 toàn tỉnh có hơn 1.300 hộ đã và đang thực hiện phân loại rác thải tại nguồn.
Nhiều hộ dân ở xã An Thượng (TP Hải Dương) đã được hỗ trợ thùng đựng rác để phân loại rác thải tại nguồn
... vẫn khó thực hiện
Huyện Thanh Miện đã chọn 2 xã Chi Lăng Bắc và Cao Thắng để thực hiện mô hình thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn trong hai năm 2022 và 2023, song hiện cả 2 xã đều chưa triển khai do chưa có nguồn kinh phí.
Tương tự khó khăn của Thanh Miện, hiện nay 2 xã được xác định thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn của huyện Ninh Giang là Đồng Tâm và Văn Hội cũng chưa triển khai thực hiện được trên quy mô toàn xã do gặp khó khăn về kinh phí và cơ chế chưa rõ ràng. Các địa phương này mới dừng ở bước tuyên truyền, rà soát. Đội thu gom rác của 2 xã vẫn tiến hành thu gom chung các loại rác mà không có sự phân loại.
Ngoài khó khăn về kinh phí như 2 huyện trên, việc thực hiện thí điểm phân loại rác thải rắn tại nguồn ở 2 xã Ngọc Liên và Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) còn gặp nhiều khó khăn khác. Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cẩm Giàng, đến nay mới có khoảng 20 hộ ở xã Ngọc Liên thực hiện phân loại rác thải tại nguồn theo hướng dẫn của Hội Nông dân. Qua rà soát, số lượng hộ dân đăng ký còn ít, nhiều hộ không bố trí được đất để làm hố ủ rác hữu cơ tại gia đình. Địa phương không bố trí được nguồn kinh phí đầu tư các hạng mục để phục vụ phân loại rác như ô ủ rác tập trung, khu tập kết chất thải, đóng cửa bãi rác đã đầy...
Qua tìm hiểu của phóng viên, đã cuối năm nhưng tỉnh vẫn chưa phân bổ kinh phí cho các địa phương để triển khai thực hiện các nội dung của đề án, trong đó có việc thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn. Việc xây dựng các ô ủ rác tập trung và khu vực tập kết chất thải đến nay cũng chưa có thiết kế kỹ thuật hoặc hướng dẫn cụ thể để các địa phương làm căn cứ triển khai thực hiện. Để việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn được thực hiện hiệu quả, cần phải có cơ chế quản lý, vận hành rõ ràng và triển khai đồng bộ.
PHAN ANH