Tiêu sạch bảo hiểm

Góc nhìn - Ngày đăng : 09:45, 10/12/2022

Sau khi rút hơn 100 triệu đồng từ 17 năm đóng bảo hiểm xã hội, chị Thảo - vốn là công nhân ngành giày, mất việc khi Covid-19 bùng phát - tiêu sạch trong ba tháng.

Hai năm trước, nhà máy nơi Thảo làm việc ở Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) dừng hoạt động khiến gần 5.000 lao động mất việc. Ở tuổi 40, Thảo đột ngột bị đẩy ra khỏi công xưởng với suất quà thăm hỏi, động viên trị giá 500.000 đồng. Hàng loạt khó khăn liên tiếp ập đến. Thảo không tìm được việc làm mới. Tiệm sửa xe của chồng chị phải tạm đóng cửa do thành phố giãn cách. Giữa lúc gia đình không còn đồng nào, khoản tiền bảo hiểm xã hội thành chỗ duy nhất để trông cậy.

Tiền ăn uống, thuốc thang khi cả nhà nhiễm bệnh, tiền trọ, tiền máy tính cho hai đứa con học online... ngốn hết khoản tích lũy 17 năm tham gia bảo hiểm xã hội của chị trong vòng ba tháng phong tỏa năm ngoái.

Ảnh minh họa 

Chị Thảo là một trong hơn 960.000 người chọn nhận trợ cấp một lần, theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam năm 2021. Tổng số tiền cơ quan này thanh toán trợ cấp một lần là 39,6 nghìn tỷ đồng, tăng 15,74% so với năm 2020. Tính trung bình, mỗi người nhận chưa đến 42 triệu. Nếu cũng ở vào hoàn cảnh khó khăn như chị Thảo, số tiền này chỉ đủ trang trải trong không quá hai tháng.

Theo quy định, tổng mức đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động (tổng các loại bảo hiểm là 32%). Trong đó, người lao động đóng 8% và chủ doanh nghiệp đóng 14%. Tổng mức đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất hàng năm bằng 2,64 tháng lương, nhưng khi nhận trợ cấp một lần, với mỗi năm tham gia trước năm 2014, người lao động chỉ nhận 1,5 tháng lương, con số này từ năm 2014 trở đi là hai tháng, tức số tiền nhận được ít hơn số tiền đóng vào.

Một lãnh đạo của Bảo hiểm xã hội TP HCM nói với tôi rằng dễ dàng nhìn thấy khi người lao động nhận trợ cấp một lần, quỹ bảo hiểm sẽ được lợi trước mắt, phần thiệt thuộc về người rút. Thế nhưng là người làm chính sách, không ai muốn hưởng cái lợi đó, bởi về lâu dài sẽ là gánh nặng cực kỳ lớn lên hệ thống an sinh và ngân sách.

Tại Việt Nam, người từ đủ 80 tuổi trở lên, không có lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội sẽ được hưởng trợ cấp xã hội 360.000 đồng/tháng.

Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc nhận định Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Năm 2019, những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số và đến 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội "già hóa" sang xã hội "già" vào 2036.

Khi xã hội "già", người đóng thuế càng ngày càng ít nhưng ngân sách phải chi nhiều hơn để lo cho những người đã nhận trợ cấp một lần, nhóm không có lương hưu. Một người quyết định rút bảo hiểm xã hội là tạo thêm một gánh nặng lên thế hệ con cháu.

Điều tra về các nguồn thu nhập chính của người cao tuổi trong 12 tháng của Bộ Y tế và các tổ chức vào năm 2021 cho thấy chỉ 15% có lương hưu, 38% nhận hỗ trợ con, cháu và 29% tiếp tục làm việc để có thu nhập.

Thời gian qua, nhiều chính sách hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội đã được cơ quan quản lý, chuyên gia tính đến. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng đề xuất số năm đóng bảo hiểm xã hội ít nhất để được hưởng lương hưu từ 20 giảm xuống 15, tiến tới 10 năm...

Tuy nhiên, các con số chỉ ra, số người nhận trợ cấp một lần năm sau cao hơn năm trước với mức tăng bình quân 6,5%/năm. Hai năm qua, tại TP HCM, bảo hiểm xã hội các quận, huyện vùng ven và TP Thủ Đức luôn quá tải vì lượng người đến làm thủ tục vượt khả năng tiếp nhận giải quyết của cán bộ tại đây.

Trong làn sóng các nhà máy hết đơn hàng buộc phải cắt giảm nhân sự, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam lo ngại số người rút bảo hiểm xã hội sẽ còn gia tăng nữa. Chỉ từ tháng 9 đến 11 năm nay, ở 28 tỉnh thành đã có hơn 42.000 lao động mất việc, dự báo sau Tết thêm 15.000 người.

Cách đây một tháng, khi Tỷ Hùng, nhà máy đầu tiên ở TP HCM thông báo cắt giảm gần 1.200 lao động, tôi gặp chị Hiếu, 46 tuổi, có hơn 17 năm tham gia bảo hiểm xã hội. Chị Hiếu không lập gia đình, nhận trách nhiệm nuôi mẹ già và hai đứa cháu mồ côi. Chị xác định phải có lương hưu để an tâm vì về già không có con cái trông cậy. Tuy nhiên, làm thế nào để chị quay lại thị trường lao động khi các nhà máy gần như từ chối công nhân tuổi ngoài 40? Chị không biết câu trả lời.

Chị Hiếu có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để đủ 20 năm đóng bảo hiểm, đảm bảo điều kiện hưởng lương hưu. Nhưng kể cả như thế, chị cũng phải chờ 10 năm nữa mới nhận được khoản trợ cấp hưu trí. Với những người không có tích lũy, khoảng thời gian đó là quá dài.

Để giữ người lao động ở lại lưới an sinh, thay đổi chính sách để bảo hiểm xã hội trở nên hấp dẫn hơn với người lao động, là điều chắc chắn phải làm, nhưng chưa đủ. Câu chuyện tổng thể còn cần được nhìn thấy ở các khía cạnh như tạo cơ hội việc làm cho những lao động như chị Hiếu, cơ chế hỗ trợ kịp thời cho những trường hợp như chị Thảo; chứ không phải một suất quà động viên 500.000 đồng, trong đó có 200.000 đồng tiền mặt khi công nhân mất việc như thường thấy...

Điểm mấu chốt để giảm nhẹ gánh nặng an sinh do người rút bảo hiểm gây ra trong tương lai là tạo ra các cơ hội ngay từ bây giờ, để khoản trợ cấp một lần không phải là lựa chọn đầu tiên và duy nhất họ nghĩ đến khi mất việc.

Theo VnExpress