Xử lý hình sự khi nhặt được của rơi không trả lại người mất
Pháp luật - Ngày đăng : 06:28, 11/12/2022
THIÊN BÌNH (Thanh Miện)
Trả lời: Điều 230 Bộ Luật dân sự 2015 quy định về xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên như sau: Người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.
Như vậy, trường hợp phát hiện tài sản của người khác đánh rơi, nếu biết thông tin và địa chỉ của người đó thì phải thông báo hoặc trả lại, nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã hoặc Công an cấp xã gần nhất để công khai cho người đánh rơi có thể đến nhận lại tài sản.
Trường hợp cháu nhặt được điện thoại, cố tình chiếm giữ mà không trả lại là vi phạm quy định về xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi. Hành vi của cháu có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định pháp luật.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình:
“2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
đ) Sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác;”
Người nhặt được điện thoại của người khác nhưng không trả lại có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 176 Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về Tội chiếm giữ trái phép tài sản: “1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.
Bên cạnh đó, Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định việc khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại như sau:
“1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ Luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
3. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.”
Như vậy, theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015, chỉ có bị hại hoặc người đại diện của bị hại có quyền rút đơn và chỉ các tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự thì khi người trình báo rút mới không tiến hành khởi tố vụ án.
Theo quy định tại Điều 147 Bộ luật TTHS 2015 về thời hạn, thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác của bạn Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định: Quyết định khởi tố vụ án hình sự; Quyết định không khởi tố vụ án hình sự hoặc Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.