Lý do đắp mặt nạ bị ngứa rát
Làm đẹp - Ngày đăng : 14:51, 12/12/2022
Có nhiều loại mặt nạ dưỡng da với các công dụng khác nhau, ví dụ như cung cấp độ ẩm, tẩy tế bào chết, trị mụn trứng cá, giảm nếp nhăn, làm sáng da… Mặt nạ giúp thẩm thấu dưỡng chất vào da nhanh hơn. Mặc dù đa phần mặt nạ đều lành tính, song vẫn có thể gây ra một số phản ứng như cảm giác nóng rát, châm chích, ngứa ngáy, mẩn đỏ… Vậy tại sao đắp mặt nạ gây ra những biểu hiện trên?
1. Nguyên nhân đắp mặt nạ bị ngứa rát
Có nhiều nguyên nhân khiến da cảm thấy nóng rát, châm chích sau khi đắp mặt nạ.
Phản ứng dị ứng
Bạn có thể dị ứng với một số thành phần của mặt nạ gây châm chích, ngứa ngáy mà bạn không biết. Trong đó các chất tạo mùi hương là một trong những thành phần phổ biến trong các loại mặt nạ có khả năng gây kích ứng da, đặc biệt là da nhạy cảm.
Ngoài ra, tùy vào công dụng của chúng, một số loại mặt nạ còn có thêm các chất như ceramide, acid amin, glycerin, acid hyaluronic… cũng có thể gây phản ứng dị ứng trên da với các triệu chứng nóng rát, châm chích.Do đó, nếu sở hữu làn da nhạy cảm, bạn nên kiểm tra các thành phần trong mặt nạ và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng nếu triệu chứng dị ứng diễn ra nặng nề hơn.
Ngứa rát khi đắp mặt nạ có thể do phản ứng dị ứng
Quy trình chăm sóc da chưa đúng
Làm sạch da là một bước quan trọng trước khi đắp mặt nạ nhằm loại bỏ bụi bẩn, dầu nhờn, vi khuẩn tồn tại trên bề mặt da. Không những thế, việc này còn là bước đệm giúp các dưỡng chất được thẩm thấu tốt hơn vào da ở những bước chăm sóc sau. Nếu không làm sạch da, vi khuẩn có thể xâm nhập da gây viêm, kích ứng, bít tắc lỗ chân lông gây mụn ở da mặt.
Vì vậy, trước khi đắp mặt nạ, chị em cần tẩy trang và rửa mặt với sữa rửa mặt để hạn chế tình trạng đắp mặt nạ bị ngứa rát. Sau khi đã làm sạch, nên sử dụng nước hoa hồng để cân bằng độ pH cho làn da cùng serum (nếu có). Khi đã hoàn thành các bước chăm sóc da nói trên, hãy đắp mặt nạ trong 10-20 phút tùy loại rồi rửa mặt với nước thường sau đó.
Da đang bị tổn thương
Những tình trạng da sau đây không nên đắp mặt nạ:
Da sau khi thực hiện các phương pháp điều trị như bắn laser, mài da vi điểm, peel da…
Da vừa mới nặn mụn, mụn viêm.
Da đang sưng đỏ, đau rát.
Da có những vết xước trên mặt và chảy máu...
Sử dụng mặt nạ không phù hợp
Tùy vào từng loại da, bạn nên lựa chọn loại mặt nạ phù hợp, chẳng hạn như:
Da dầu nhờn nên sử dụng mặt nạ có chứa than hoạt hoặc có tính kiềm dầu. Trong khi da khô nên sử dụng mặt nạ có chứa axit hyaluronic và glycerin giúp cung cấp thêm độ ẩm cho làn da.
Da có dấu hiệu nếp nhăn hoặc muốn dưỡng trắng nên ưu tiên các loại mặt nạ chứa các thành phần chống oxy hóa như vitamin C, vitamin E… Tuy nhiên, cần lưu ý rằng da mụn và da nhạy cảm lại dễ bị ngứa rát khi sử dụng mặt nạ chứa vitamin C.
Da mụn có thể lựa chọn mặt nạ dưỡng ẩm chứa axit salicylic nồng độ thấp.
Ngoài ra, nếu tự làm các hỗn hợp mặt nạ dành cho da dầu tại nhà, bạn nên tránh các thành phần có tính có tính axit như chanh hoặc giấm táo.Những nguyên liệu này có độ pH thấp và có thể khiến bạn gặp tình trạng rát da khi đắp mặt nạ.
2. Cách khắc phục tình trạng đắp mặt nạ bị rát da
Nếu gặp phải phản ứng ngứa rát khi đắp mặt nạ, bạn có thể lưu ý một số điều sau để giảm thiểu tình trạng này:
Tháo bỏ mặt nạ và rửa mặt sạch với nước thường;
Có thể sử dụng đá lạnh chườm lên da để làm dịu bớt các phản ứng dị ứng;
Không nên chạm, chà xát, gãi vùng da bị kích ứng;
Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời…
Nếu phản ứng kích ứng da kéo dài, bạn nên đi khám bác sĩ da liễu để được điều trị kịp thời trước khi tình trạng da trở nên nghiêm trọng hơn.
Theo Sức khỏe và Đời sống