Kỳ họp bất thường thứ hai của Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra từ ngày 5.1.2023
Tin tức - Ngày đăng : 06:35, 13/12/2022
Các đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành kế hoạch trình Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (hay còn gọi là quy hoạch tổng thể quốc gia) theo quy định của Luật quy hoạch.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chuẩn bị và gửi hồ sơ quy hoạch tổng thể quốc gia tới cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Kinh tế Quốc hội chậm nhất là 20 ngày trước ngày Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Sau khi các cơ quan Quốc hội tiến hành thẩm tra các nội dung theo phân công, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ gửi lại hồ sơ quy hoạch tổng thể quốc gia tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất là 5 ngày trước ngày Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung này.
Dự kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về nội dung này tại phiên họp thứ 18 vào ngày 21.12.
Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo cơ quan hữu quan hoàn thiện hồ sơ quy hoạch tổng thể quốc gia, gửi hồ sơ đến đại biểu Quốc hội trước ngày 26.12.
Ủy ban Kinh tế chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội hoàn thiện báo cáo thẩm tra hồ sơ quy hoạch tổng thể quốc gia, gửi đại biểu Quốc hội trước ngày 5.1.2023.
Cũng theo kế hoạch hồ sơ dự thảo nghị quyết về quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ hai Quốc hội khóa XV. Kỳ họp này dự kiến từ 5.1 đến 10.1.2023.
Trước đó tại Hội nghị trung ương 6 khóa XIII đã thống nhất ban hành kết luận về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (kết luận 45).
Triển khai định hướng này, Chính phủ sẽ xây dựng hồ sơ trình Quốc hội thông qua nghị quyết về quy hoạch tổng thể quốc gia.
Theo định hướng mục tiêu, chỉ tiêu quy hoạch tổng thể quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của trung ương về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước bình quân đạt khoảng 7%/năm giai đoạn 2021 - 2030.
Trong đó vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng tăng khoảng 8 - 8,5%/năm.
Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD, trong đó vùng Đông Nam Bộ đạt khoảng 14.500 USD, vùng Đồng bằng sông Hồng đạt khoảng 10.500 USD...
Về xã hội, quy mô dân số đến năm 2030 đạt khoảng 105 triệu người. Chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,7.
Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 32m2.
Phát triển nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; thuộc nhóm 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á. Tỉ lệ sinh viên đại học đạt 260/1 vạn dân. Tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%.
Phát triển mạng lưới cơ sở y tế quốc gia đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe toàn dân, hướng tới mục tiêu công bằng, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế.
Đến năm 2030, đạt 35 giường bệnh và 19 bác sĩ/1 vạn dân; tỉ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15%...
Tầm nhìn 2050, trung ương đặt mục tiêu là nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; thu nhập đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD.
Theo Tuổi trẻ