Lời khuyên nuôi dạy trẻ tự tin

Gia đình - Ngày đăng : 14:31, 17/12/2022

Là cha mẹ, nhiệm vụ của bạn là khuyến khích và hỗ trợ về mặt cảm xúc khi con cố gắng giải quyết các nhiệm vụ khó khăn.



Một đứa trẻ thiếu tự tin thường không dám bước ra khỏi vùng an toàn và thử những điều mới vì sợ thất bại hoặc làm người khác thất vọng. Nhưng khi đối mặt với thử thách và thất bại, con người sẽ xây dựng khả năng phục hồi, sự bền bỉ và trang bị cho trẻ đủ tự tin để phát triển.

Tình yêu vô điều kiện

Yêu thương con vô điều kiện là điều quan trọng nhất mà bạn có thể cho con. Trẻ em cần cảm thấy được chấp nhận và yêu thương. Tình yêu vô điều kiện sẽ xây dựng nền tảng vững chắc cho sự tự tin.

Khi trẻ em không có sự hỗ trợ hoặc khuyến khích về mặt cảm xúc, tất cả những gì chúng học được là sự thất bại. Khả năng phục hồi đến từ việc hiểu rằng thất bại, đứng dậy và thử lại cho đến khi thành công mới là điều quan trọng.

Cho trẻ không gian để phát triển

Các nhà nghiên cứu về phát triển cảm xúc gọi "phương pháp giàn giáo" là khuôn khổ xây dựng tính cách cho trẻ, nơi chúng được đưa ra ranh giới, mục tiêu có thể đạt được và hỗ trợ có tổ chức khi trẻ cần. Trẻ tự tin hơn khi biết ai là người chịu trách nhiệm và điều gì sẽ xảy ra.

Học và tuân theo quy tắc mang lại cho trẻ sự an toàn và tự tin, vì biết tôn trọng các ranh giới và vạch ra ranh giới khi lớn lên.

Thành thật khi khen con

Trẻ tự tin có nhận thức tích cực và thực tế về khả năng của chúng. Nếu một đứa trẻ thỉnh thoảng không nghe thấy lời phê bình mang tính xây dựng, chúng sẽ gặp khó trong thích nghi với hình ảnh không hoàn hảo về mình.

Hãy khuyến khích và hỗ trợ nhưng hãy thực tế trong lời khen của bạn. Nếu một đứa trẻ thất bại vì việc gì đó, hãy khen ngợi nỗ lực nhưng đừng khen ngợi kết quả một cách sai lầm.

Quan trọng là cha mẹ phải giúp con hiểu mọi con đường dẫn đến thành công đều có những bước lùi. Vì vậy, bạn có thể thất bại dù đã cố hết sức. Hãy nhớ chúng chỉ là những đứa trẻ nên đừng mong con hành động như người lớn. Tạo áp lực cho trẻ phải thể hiện hết khả năng để đáp ứng kỳ vọng của người lớn chỉ khiến trẻ không còn tự tin.

Đừng làm mọi việc cho con

Ngừng kiểm soát và hãy huấn luyện con. Làm mọi việc cho trẻ là cướp đi cơ hội giúp con thành thạo việc nào đó. Làm mọi việc cùng con là dạy con cách làm và xây dựng sự tự tin.

Cha mẹ nào cũng muốn bảo vệ con mình nhưng không phải bằng cách loại bỏ những trở ngại khỏi cuộc sống của chúng. Như vậy, cha mẹ không cho con cơ hội thành công. Điều quan trọng là khiến trẻ thoải mái khi chấp nhận rủi ro và biết mình vẫn có sự hỗ trợ nếu thất bại.

Thậm chí, hãy cố tình phạm sai lầm để tăng sự tự tin cho con bằng cách làm hỏng việc gì đấy những không làm to chuyện. Trẻ chứng kiến sẽ học được cách chấp nhận rủi ro một cách có tính toán và chủ động.

Để trẻ tự quyết

Để trẻ tự đưa ra lựa chọn khi còn nhỏ sẽ giúp chúng mài giũa khả năng phán đoán đúng đắn, giúp tăng sự tự tin.

Trẻ càng thực hành quản lý bản thân và cuộc sống của mình nhiều, đồng thời vượt trở ngại để đạt mục tiêu thì sẽ càng phát triển được sự tự tin và năng lực. Khuyến khích trẻ thử tự giải quyết vấn đề sẽ giúp xây dựng sự tự tin và khả năng phục hồi, khi trẻ học cách không chờ đợi ai giải cứu mình khỏi tình thế ngặt nghèo.

Đánh giá cao sự nỗ lực

Hoàn hảo không phải mục tiêu bạn muốn con hướng đến. Khi còn nhỏ, hành trình quan trọng hơn đích đến. Vì vậy, nỗ lực quan trọng hơn kết quả. Không có gì làm nản lòng và mất động lực của một đứa trẻ nhanh hơn chỉ trích nỗ lực của chúng.

Hãy đưa ra phản hồi tích cực và các đề xuất, nhưng đừng bao giờ nói với con chúng rất tệ.

Khuyến khích sự tò mò và mở ra những trải nghiệm mới

Tò mò rất tốt cho sự phát triển của trẻ. Cha mẹ có trách nhiệm cho con tiếp xúc và trải nghiệm cuộc sống càng nhiều càng tốt để giúp phát triển sự tự tin của chúng khi đương đầu với thế giới rộng lớn hơn.

Khi được tiếp xúc những thứ mới lạ, trẻ hiểu rằng dù có những thứ đáng sợ hoặc khác biệt, con đều có thể chinh phục được. Nghiên cứu thường phát hiện những đứa trẻ có cha mẹ khuyến khích sự tò mò của con sẽ làm tốt hơn bạn bè vì chúng sẵn sàng khám phá và thử những điều mới mà không sợ thất bại.

Sai lầm chỉ là nền tảng để học hỏi

Cha mẹ dạy con hiểu sai là cơ hội để học hỏi và phát triển, chúng sẽ tự tin hơn. Đừng bảo vệ con quá mức. Cho con làm sai và gợi ý cho con xem có thể làm tốt hơn vào lần sau không.

Chấp nhận sai lầm cũng sẽ giúp trẻ học cách phục hồi nhanh hơn, không sợ thất bại.

Theo VnExpress