Hình ảnh người lính can trường trong "Vầng trán và bầu trời"

Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 06:31, 18/12/2022

Tháng 12.1972 sau khi đơn phương tuyên bố hoãn không thời hạn Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, đế quốc Mỹ đã mở cuộc tập kích chiến lược bằng không quân vào Hà Nội với dã tâm “Đưa nước ta trở về thời kỳ đồ đá” nhưng chúng đã sai lầm.

Vầng trán và bầu trời

Khi ta ẩn dưới hầm
Trên đầu ta tiếng rít gầm man rợ
Thành phố rung lên trong tiếng nổ ầm ầm
Ta vẫn tin bầu trời không sụp đổ.

Khi ta ngồi trên mâm pháo
Trong tư thế ngẩng đầu
Đĩnh đạc vít quân thù xuống đất
Vầng trán ta
nâng bầu trời lên cao

Qua chiến đấu mười năm
Ta đã rõ
Vầng trán cao tới đâu
Bầu trời cao tới đó

Hà Nội tháng 12.1972

MINH GIANG

Tháng 12.1972 sau khi đơn phương tuyên bố  hoãn không thời hạn Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, đế quốc Mỹ đã mở cuộc tập kích chiến lược bằng không quân vào Hà Nội với dã tâm “Đưa nước ta trở về thời kỳ đồ đá” nhưng chúng đã sai lầm. Cuộc chiến đấu 12 ngày đêm đã bẻ gãy  những cánh pháo đài B52 là vũ khí tối tân nhất của Mỹ lúc bấy giờ. Hào khí “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã được nhà thơ Tố Hữu ngợi ca: “Chúng muốn đốt ta thành tro bụi/Ta hóa vàng nhân phẩm, lương tâm/ Chúng muốn ta bán mình trong ô nhục/ Ta làm sen thơm ngát giữa đầm” (Việt Nam máu và hoa).

Trong những ngày chiến tranh ác liệt ấy, nhà thơ quân đội Minh Giang đã tái hiện hình ảnh các chiến sĩ phòng không với lòng dũng cảm, trí thông minh, sáng tạo, với kỹ thuật thao tác chiến đấu điêu luyện trực tiếp bắn rơi máy bay Mỹ, lập nên những chiến công oanh liệt. Nhà thơ đã sáng tạo một tứ thơ mới  mẻ, độc đáo, có sức truyền cảm lớn lao, thể hiện rõ bản lĩnh, trí tuệ của những anh bộ đội Cụ Hồ làm chủ vũ khí hiện đại.

Bài thơ đưa ta về không khí chiến tranh những ngày đó: “Khi ta ẩn dưới hầm/Trên đầu ta tiếng rít gầm man rợ/Thành phố rung lên trong tiếng nổ ầm ầm”. Chỉ mấy phác họa mà cho ta hình dung sự khốc liệt của cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ. Thế nhưng với một khẳng định, một niềm tin, một ý chí, “Ta vẫn tin bầu trời không sụp đổ". Đó là một khí thế mới, một tư thế mới để đối chọi trực diện cuộc không chiến ác liệt. Đó là: “Khi ta ngồi trên mâm pháo/ Trong tư thế ngẩng đầu/ Đĩnh đạc vít quân thù xuống đất”. Chỉ với hai cận cảnh khi dưới hầm trú ẩn và khi trên mâm pháo chiến đấu, nhà thơ đã vẽ nên hình ảnh người chiến sĩ thật sinh động, khí phách, đàng hoàng, bản lĩnh, tự tin với sức mạnh tinh thần lớn lao. Chỉ một từ “vít” mà khơi dậy thế chủ động can trường, thế tiến công quyết thắng, sức mạnh của ý chí của nội lực tiềm tàng hun đúc từ truyền thống lịch sử nghìn năm của dân tộc. Và đặc biệt là sự thông minh, sáng tạo, quả cảm tập trung ở hình ảnh: “Vầng trán/Nâng bầu trời lên cao”. Quả thật đây là hình ảnh rất thực tế nhưng có sức lan tỏa, có tính khái quát cao. Một biểu tượng thật hào hùng đã khẳng định một chân lý: “Qua chiến đấu mười năm/ Ta đã rõ/ Vầng trán cao tới đâu/ Bầu trời cao tới đó”. Một tầm vóc, một bản lĩnh, một “Dáng đứng Việt Nam” đã nâng tầm vị thế đất nước vươn cao, vươn xa. Đó là âm vang của chiến thắng: “Mười hai ngày đêm Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội. Chiến thắng này đã bẻ gãy ý đồ chiến lược của đế quốc Mỹ, góp phần to lớn vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn với đại thắng mùa xuân năm 1975 lịch sử.

NGUYỄN NGỌC PHÚ