Hoạch Trạch - ngôi làng cổ tích

Đất và người xứ Đông - Ngày đăng : 09:15, 18/12/2022

Hoạch Trạch (穫澤) tên nôm gọi là làng Vạc, nay thuộc xã Thái Học (Bình Giang). Đây là một làng cổ có lịch sử hàng nghìn năm với biết bao giai thoại mà nay còn ghi được.


Làng Hoạch Trạch có nghề làm lược bí do tiến sĩ Nhữ Đình Hiền khởi dựng từ thế kỷ XVII vẫn duy trì đến ngày nay. Ảnh: Nhân Chính

Đó đích thực là một làng quê văn hiến, nơi sinh nhiều nhân vật nổi tiếng cả nước, nơi có nghề cổ truyền độc đáo của Việt Nam. Nơi đây cũng là nơi lưu trữ nhiều sách vở bia ký, thần tích, sắc phong, sách vở có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa. Đó chính là làng cổ tích của Hải Dương và cũng là của cả nước.

Nói đến Hoạch Trạch không thể không nói đến họ Nhữ ở đây. Nếu Mộ Trạch có chi họ Vũ nổi tiếng qua nghìn năm lịch sử thì Hoạch Trạch có chi họ Nhữ nổi tiếng từ thời Lê sơ. Bắt đầu từ Hoàng giáp Nhữ Văn Lan, quê ở xã An Tử, huyện Tiên Lãng, phủ Nam Sách (nay thuộc Hải Phòng), đỗ đại khoa đời vua Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Thượng thư, đến đời con di cư về Hoạch Trạch, từ đó khởi nguồn dòng họ Nhữ ở đây. Nhữ Tiến Dụng, Nhữ Đình Hiền, Nhữ Trọng Đài, Nhữ Đình Toản, Nhữ Công Chân đều đỗ đại khoa trong gia đình họ Nhữ, giữ nhiều trọng trách trong triều đình Lê trung hưng. Ngoài họ Nhữ, Hoạch Trạch còn có Hoàng giáp Vũ Tụ, tiến sĩ Trần Vĩ đều là những vị quan nổi tiếng một thời.

Để giải thích về sự thành đạt của dòng họ Nhữ Hoạch Trạch, gia phả có ghi lại sự tích. Khởi tổ dòng họ này vốn tu nhân tích đức, tìm được một nồi vàng dưới gốc dừa sau cơn bão bị lật đổ, dù nhà nghèo nhưng vẫn lưu giữ chờ chủ nhân đến nhận. Điều này thể hiện sự nhân hậu, không chút tư lợi, nhờ đó mà con cháu thừa kế và phát huy.

Về danh nhân thời kỳ cận hiện đại làng Hoạch Trạch có 3 nhân vật tiêu biểu. Đó là Nguyễn Văn Ngọc, học giả nổi tiếng về khảo cứu văn hóa dân gian, người tham gia viết sách giáo khoa bằng quốc ngữ đầu tiên, để lại nhiều công trình có giá trị. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận, người sáng tác nhiều ca khúc bất hủ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Người Hoạch Trạch tự hào khi mỗi ban mai, bản nhạc Giải phóng Điện Biên lại cất lên thật hào hùng như tiếng nói của người con quê hương mình về lịch sử chống Pháp. Bác sĩ Nhữ Đình Bảo, người được Trung ương Đảng tín nhiệm, giao cho trọng trách chăm sóc sức khỏe Bác Hồ từ khi về Hà Nội cho đến những ngày cuối đời.

Hoạch Trạch không chỉ có những nam giới thành đạt mà còn có cả những phụ nữ phi thường. Thời Trần có Điểm Bích, thời Lê trung hưng có Nhữ Thị Thục đều là những phụ nữ tài sắc nổi tiếng một thời.

Nguyễn Thị Điểm Bích nổi tiếng đức hạnh và nhan sắc hơn người, từ khi 14 tuổi, được tuyển làm cung nữ nhà Trần từ đầu thế kỷ XIV, được triều đình cử về Yên Tử để thử độ chân tu của Đệ tam tổ Huyền Quang, tạo nên vụ án tai tiếng trong giới tu hành đương thời. Sau Huyền Quang được giải oan nhưng sự việc trở thành giai thoại ly kỳ, được các học giả thời sau viết lại thành truyện ký, không chỉ trên sách vở mà còn được khắc trên bia đá.

Nhữ Thị Nhuận sinh ở đầu thế kỷ XVIII, lấy chồng làng Mộ Trạch, tạo lập một gia đình giàu có và thế lực. Bà nổi tiếng về kinh doanh và công tác xã hội. Bà được giao một khoản tiền lớn vào Thanh Hóa mua quế cho triều đình, đến nơi bà thấy dân đói khổ vì mất mùa, liền mang tiền giúp dân qua hoạn nạn, sau lấy của nhà trả vào số tiền của triều đình không một chút băn khoăn. Vài năm sau, giặc Lương Âm nổi loạn tại xứ Thanh, triều đình trị mãi không xong, bà liền xin đi trị loạn. Khi vào đến nơi giặc đóng quân, mọi người nhìn thấy bà như nhìn thấy hạnh phúc, vui mừng đón tiếp và ủng hộ những quyết sách của bà. Bà ổn định đời sống dân địa phương, dẹp yên bạo loạn không mất một mũi tên, thật phi thường. Vào giữ thế kỷ XVIII, đình làng Mộ Trạch bị giặc đốt phá. Sau chiến tranh, năm Đinh Sửu (1757) bà hưng công xây lại đình làng, chi phí đến trên 3.000 quan tiền. Nhiều người muốn tham gia cho bớt gánh nặng chi phí, bà không nghe còn bỏ thêm 200 quan tiền và 10 mẫu ruộng để dân làng chi vào việc tế lễ hằng năm. Đình ấy nay vẫn còn.

Về di sản lịch sử - văn hóa, Hoạch Trạch cũng là làng quê giàu bản sắc với thiết chế văn hóa khá hoàn thiện, từng là trị sở của phủ Thượng Hồng, rồi huyện Đường An từ thời Lê đến cuối triều Nguyễn, dân gian gọi là Phủ Vạc. Ở đây có Văn chỉ hàng huyện, có chợ huyện gọi là chợ Vạc khá lớn, đó là điều kiện cho kinh tế văn hóa phát triển suốt triều Lê, Nguyễn. Chùa Thánh Thọ là một ngôi chùa lớn, được Hoàng thái hậu nhà Mạc công đức nhiều ruộng đất làm của tam bảo.

Nghề làm lược tre do Giới Hiên công Nhữ Đình Hiền khởi dựng từ thế kỷ XVII, tồn tại cho đến nay. Tuy quy mô ngày càng thu hẹp do lược công nghiệp cạnh tranh nhưng sự cống hiến của làng nghề trong hai triều Lê, Nguyễn là không thể phủ định. Lược tre Hoạch Trạch không chỉ là công cụ vệ sinh đầu tóc mà còn như một đồ mỹ nghệ, từng được xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á. Đồng bằng Bắc Bộ có vài làng làm lược tre, quy mô nhỏ đều do người Hoạch Trạch khởi dựng. Năm 1983, làng Vạc có khoảng 600 gia đình làm nghề lược tre, chiếm 95% số hộ trong làng, mỗi tháng có thể sản xuất 1 triệu lược các loại. Làng khi đó có một chợ lược, chỉ bán một sản phẩm vào buổi sáng để lái buôn đến cất hàng.

Nhà thờ họ Nhữ còn tượng ông bà Nhữ Tiến Dụng và phu nhân. Nhà thờ còn nhiều cổ vật có giá trị và 31 đạo sắc phong cho các danh thần họ Nhữ ở triều Lê. Tại nhà thờ có nhiều câu đối đại tự có giá trị lịch sử và văn học, nhưng có một câu có thể khái quát sự nghiệp của họ Nhữ tại đây: "Văn tiến sĩ, vũ công thần, triều trung hiển hoạn/Quốc trung thần, gia hiếu tử, thiên hạ hoàn danh". Nghĩa là: "Văn đỗ tiến sĩ, võ được tôn vinh là công thần, trong triều đình làm quan hiển đạt/Đối với nước là tôi trung, với gia đình là con hiếu, đối với thiên hạ thì danh giá vẹn toàn". Vì vậy mà nhà thờ được xếp hạng quốc gia từ năm 1993.

Hải Dương không chỉ có một làng quê nhiều sự tích như Hoạch Trạch, bởi xứ Đông là một miền quê văn hiến.

TĂNG BÁ HOÀNH