Vì sao kết quả sử dụng đất năm 2022 đạt thấp?
Kinh tế - Ngày đăng : 13:55, 18/12/2022
Một số dự án đã được phê duyệt nhưng nhiều năm chưa thực hiện được. Trong ảnh: Dự án mở rộng Trường Tiểu học xã Thanh Giang (Thanh Miện) trong danh sách đề nghị bị thu hồi
Phê duyệt 10, thực hiện 3
Năm nay, huyện Cẩm Giàng có 197 dự án, công trình được phê duyệt với diện tích khoảng 1.249 ha. Huyện đã chuyển mục đích SDĐ thực hiện 23 công trình, dự án với diện tích gần 135 ha. Ước tính đến ngày 31.12, kết quả SDĐ năm 2022 của huyện sẽ đạt hơn 30%. Có nhiều công trình do cấp tỉnh phân bổ chưa thực hiện được. Một số chỉ tiêu đất an ninh, quốc phòng, đất cụm công nghiệp, cơ sở giáo dục, thương mại dịch vụ… đến nay chưa thực hiện được (tỷ lệ thực hiện bằng 0%).
Theo số liệu tổng hợp từ UBND huyện Kim Thành, trong năm 2022, huyện được cho phép chuyển mục đích, giảm hơn 1.026 ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp và tăng hơn 1.028 ha đất phi nông nghiệp. Tuy nhiên, ước thực hiện đến hết năm 2022 thì kết quả chưa được 2% so với kế hoạch được duyệt.
Là huyện có kết quả SDĐ năm 2022 đạt cao trong tỉnh, kết quả thực hiện đất nông nghiệp của huyện Thanh Miện đạt hơn 92%; đất phi nông nghiệp đạt hơn 87% so với kế hoạch được duyệt. Tuy nhiên, vẫn còn một số loại đất trồng lúa, đất trồng cây hằng năm khác, đất trồng cây lâu năm, nuôi thủy sản chưa thực hiện được hết mục tiêu đặt ra. Nhiều dự án SDĐ phi nông nghiệp chậm triển khai thực hiện phải chuyển sang năm sau. Qua rà soát, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã kiến nghị hủy bỏ 21 công trình, dự án trên địa bàn huyện Thanh Miện đã được HĐND tỉnh thông qua nhưng chưa thực hiện được.
Theo UBND TP Hải Dương, ước đến hết năm 2022, thành phố thực hiện được 14 công trình với diện tích hơn 21 ha, đạt gần 5,5% tổng số công trình đã được duyệt và đang thực hiện 88 công trình với diện tích hơn 256 ha, đạt gần 35% tổng số công trình đã được duyệt. Như vậy, theo ước tính đến hết năm 2022, TP Hải Dương đã và đang thực hiện khoảng 40% tổng số công trình đã được phê duyệt, còn lại là chưa thực hiện được. UBND TP Hải Dương đã rà soát và đề nghị hủy bỏ 10 công trình với tổng diện tích khoảng 6,7 ha.
Theo Sở TNMT, kết quả SDĐ năm 2022 toàn tỉnh đạt thấp. Ước đến ngày 31.12 có 589 công trình, dự án đã và đang thực hiện với diện tích hơn 2.751 ha, đạt 31% số công trình, dự án và đạt 25,3% diện tích đất theo kế hoạch được duyệt.
Vướng ở đâu?
Mặc dù đưa vào kế hoạch sử dụng đất của năm 2022 nhưng chính quyền địa phương chưa xác định sẽ triển khai mở rộng nghĩa trang thôn Cập Nhất trong năm 2022 và 2023
Qua tìm hiểu của phóng viên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả thực hiện kế hoạch SDĐ năm 2022 đạt thấp. Trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, bất cập. Nhiều công trình dự án phải thực hiện cưỡng chế thu hồi đất mới có mặt bằng để triển khai thực hiện. Đối với các dự án sản xuất, kinh doanh và thương mại dịch vụ ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp thuộc đối tượng phải thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền SDĐ cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều hộ không có nhu cầu chuyển nhượng hoặc yêu cầu mức giá cao, trong khi chưa có quy định của Nhà nước can thiệp đối với những trường hợp không thỏa thuận được này. Đây là nguyên nhân dẫn đến một số dự án chậm chuyển mục đích SDĐ. Ngoài ra, tại nhiều địa phương ở cấp xã có tình trạng SDĐ không đúng mục đích, không theo quy hoạch nên khi thực hiện thu hồi đất triển khai công trình, dự án bị vướng mắc kéo dài. Một số công trình đã có trong chỉ tiêu kế hoạch SDĐ năm 2022 nhưng chủ đầu tư chưa lập xong dự án và hồ sơ đất đai, phải lùi tiến độ thực hiện...
Bên cạnh những nguyên nhân từ cơ chế, chính sách còn có nhiều nguyên nhân khác. Qua tìm hiểu của phóng viên, trong kế hoạch SDĐ năm 2022 của UBND TP Hải Dương có kế hoạch mở rộng nghĩa trang thôn Cập Thượng và Cập Nhất ở xã Tiền Tiến, mỗi nghĩa trang mở rộng 0,5 ha. Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo xã Tiền Tiến cho biết địa phương xác định đưa vào quy hoạch để khi nào cần sẽ triển khai chứ chưa xác định mở rộng trong năm 2022 và 2023. Điều này cho thấy công tác dự báo, đánh giá thẩm định một số công trình, dự án đưa vào kế hoạch SDĐ của năm còn mang tính hình thức, chưa xác định được tính khả thi, cấp thiết, dẫn đến kết quả SDĐ đạt thấp.
Bà Nguyễn Thị Như Trang, Phó Giám đốc Sở TNMT phân tích, cùng với những nguyên nhân như đã nêu trên, kết quả SDĐ cấp huyện năm 2022 đạt thấp còn do đây là một trong những năm đầu của kỳ quy hoạch mới (kỳ 2021-2030), những năm đầu thực hiện Nghị quyết Đảng bộ các cấp nên UBND cấp huyện đã đưa vào kế hoạch SDĐ rất nhiều công trình, dự án đầu tư công, tạo nguồn, công cộng nhằm đạt được mục tiêu Đại hội Đảng bộ các cấp đã đề ra và các công trình để đạt nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao của các xã. Ngoài ra, một số dự án khu dân cư, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đường giao thông trọng điểm đưa vào kế hoạch SDĐ nhưng sử dụng diện tích đất lúa trên 10 ha thì theo quy định phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển mục đích. Trong khi đó, thời gian hoàn thiện các thủ tục để được Chính phủ chấp thuận qua nhiều bộ, ngành, nhiều khâu, mất rất nhiều thời gian, làm chậm tiến độ triển khai thực hiện. “Bên cạnh đó, do tâm lý khi đề xuất nhu cầu SDĐ là thừa còn hơn thiếu, vì vậy có những địa phương đã đề xuất nhiều dự án chưa bảo đảm các điều kiện về nguồn vốn, đầu tư, xây dựng”, bà Trang nói.
PHAN ANH