Trẻ chậm nói, ảnh hưởng từ Covid-19
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 16:00, 18/12/2022
Việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời có thể giúp trẻ phát triển ngôn ngữ. Ảnh chụp tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh
Lo lắng
Chị Nguyễn Thị Th. (ở phường Bình Hàn, TP Hải Dương) bắt đầu cảm nhận con gặp vấn đề về ngôn ngữ khi thấy 19 tháng tuổi nhưng con chưa nói được từ nào. Mối lo lắng của chị càng tăng lên khi thấy những trẻ cùng tầm tuổi của con đã có thể nói được từ đôi, dùng tay để chỉ trỏ đồ vật. Chị Th. cho biết: “Con tôi thường ở nhà xem ti vi, xung quanh nơi ở lại không có nhiều trẻ em cùng trang lứa. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, trường mầm non thường đóng cửa, việc tiếp xúc với những người xung quanh cũng bị hạn chế do phải giãn cách”. Một số người thân của chị Th. cho rằng trẻ 3-4 tuổi mới nói là điều bình thường, không có gì phải quá lo lắng. Nhưng chị Th. quyết tâm đưa con đi khám và bác sĩ kết luận cháu bị rối loạn ngôn ngữ, cần cho học can thiệp. Hiện nay, bé nhà chị Th. gần 4 tuổi, đã biết nói, tuy nhiên vẫn còn chưa biết cách diễn đạt và một số câu từ không hợp với ngữ cảnh nên vẫn phải tiếp tục học can thiệp.
Tương tự như chị Th., chị Lê Thị D. (ở phường Cẩm Thượng, TP Hải Dương) cũng từng trải qua khoảng thời gian lo âu khi nhận thấy con gặp vấn đề về ngôn ngữ bởi đến 22 tháng tuổi nhưng con chị vẫn chưa nói được từ nào. Sau đó, chị đưa con đi khám và học can thiệp ở trung tâm, nhưng quá trình học can thiệp cũng từng bị gián đoạn bởi dịch bệnh.
Theo bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Danh Quyền, Trưởng Khoa Nội-Nhi, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, hiện nay tình trạng trẻ em chậm nói đang có xu hướng tăng, nhất là trong gần 3 năm trở lại đây kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Hiện nay, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh đang dạy can thiệp cho hơn 20 trẻ chậm nói, tăng gấp đôi với thời điểm 3 năm trước. Ngoài bệnh viện, còn nhiều gia đình lựa chọn cho con học can thiệp ngôn ngữ tại các trung tâm.
Gia đình cần đồng hành
Thông thường, trẻ 12 tháng tuổi bắt đầu nói được từ đơn như: “bà, ba, đi, măm”, 20 tháng tuổi trẻ có thể gọi tên phần lớn các đồ vật quen thuộc. Ở tầm 26 tháng tuổi, trẻ biết gọi tên màu sắc, hình khối, đặt câu hỏi. Khi trẻ 32 tháng, trẻ có thể biết sử dụng câu phủ định, kết hợp danh từ, tính từ, động từ… Trẻ bị chậm nói không đạt các mốc như trên, thường có biểu hiện nói không rõ lời, diễn đạt khó khăn, nói nhại hoặc nói ngược, ngọng hoặc không có dấu hiệu bật âm. Việc chậm nói ở trẻ cần được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Bởi chậm nói sẽ dẫn tới một số kỹ năng khác cũng bị hạn chế khiến trẻ nhút nhát. Về lâu dài, trẻ có thể phải đối mặt với nguy cơ tăng động, giảm chú ý, tư duy về ngôn ngữ của trẻ bị hạn chế, thậm chí tự kỷ.
Theo bác sĩ Quyền, trẻ chậm nói xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhất là từ khi xảy ra dịch Covid-19. Nhiều thời điểm trường học, các điểm vui chơi đóng cửa, trẻ bị hạn chế ra ngoài, giao tiếp, tìm hiểu, khám phá môi trường xung quanh đặc biệt là trong giai đoạn vàng phát triển ngôn ngữ từ 0-3 tuổi. Khi ở nhà, trẻ thường xuyên được ông bà, bố mẹ cho xem ti vi, điện thoại, máy tính bảng. Ngoài ra, trẻ chậm nói nguyên nhân còn do phương pháp dạy trẻ chưa phù hợp. Bố mẹ, người thân thường đoán trước và dễ dàng đáp ứng những yêu cầu của trẻ mà không để trẻ có cơ hội đòi hỏi thông qua lời nói. Từ đó, dần dần trẻ cũng mất đi khả năng ngôn ngữ vì chỉ cần có dấu hiệu là đã được đáp ứng.
Khi nhận thấy con có những biểu hiện của chậm nói, gia đình cần đưa trẻ đi khám sàng lọc cơ quan tiếp nhận, xử lý thông tin như thính giác, tai, họng, thanh quản, lưỡi xem trẻ có gặp vấn đề gì không rồi sau đó mới kiểm tra về tâm lý của trẻ. Việc học can thiệp có thể theo lời khuyên của bác sĩ, nhưng không nên phó mặc việc dạy con nói cho bệnh viện hoặc các trung tâm mà điều quan trọng nhất chính là sự đồng hành của các thành viên trong gia đình. Có thể giới hạn thời gian cho trẻ xem các thiết bị điện tử. Khi cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị này cần có người thân xem cùng và hướng dẫn, tương tác, giảng giải cho trẻ hiểu. Bố mẹ có thể dành thời gian chơi với trẻ bằng các trò chơi tương tác như trốn tìm, đá bóng, dạy trẻ nhận biết các đồ vật thông qua sách vở, tranh ảnh… sẽ khiến trẻ thích thú và có thể bật âm nói. Đặc biệt, nên dạy trẻ tiếp xúc bằng mắt càng nhiều càng tốt. Việc này có thể giúp trẻ dần dần hiểu được người lớn nói gì. Khi trẻ có nhu cầu, người thân nên dạy bé chỉ những vật cần, dạy bé nói tên các đồ vật đó, lặp lại nhiều lần. Điều này giúp cải thiện tình trạng giao tiếp phi ngôn ngữ, chậm nói ở trẻ hiệu quả.
HOÀNG QUÂN