Philippines quyết định không tăng thuế nhập khẩu gạo, cơ hội tốt cho gạo Việt Nam
Thị trường - Ngày đăng : 05:54, 19/12/2022
Đây là tín hiệu vui cho gạo Việt Nam vốn đang được ưa chuộng tại Philippines.
Công nhân đưa gạo lên tàu xuất khẩu tại cảng Mỹ Thới, thành phố Long Xuyên, An Giang
Theo thông báo ngày 18.12 của Văn phòng tổng thống Philippines, mức thuế nhập khẩu gạo ở mức 35% dự kiến sẽ hết hạn vào cuối năm 2022.
Tuy nhiên với việc Philippines đang đối mặt với lạm phát cao nhất trong vòng 14 năm qua, Tổng thống Marcos đã quyết định kéo dài thời gian áp dụng mức thuế này đến hết ngày 31.12.2023.
Thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm ngô và thịt heo sẽ giữ nguyên ở mức 5 - 15% và 15 - 25%. Thuế nhập khẩu than đá, nhiên liệu chính trong sản xuất điện, sẽ duy trì ở mức 0 sau cuối năm tới, nhưng sẽ được xem xét thường xuyên.
Việc Philippines duy trì thuế nhập khẩu gạo ở mức 35% được kỳ vọng sẽ có lợi cho doanh nghiệp gạo Việt Nam. Trước đây mức thuế nhập khẩu gạo của Philippines là 40% đối với gạo nhập khẩu theo hạn ngạch và 50% đối với gạo nhập khẩu ngoài hạn ngạch.
Hiện Việt Nam đang là nhà cung cấp gạo lớn nhất cho Philippines. Nước này đã nhập 2,47 triệu tấn gạo Việt Nam với tổng giá trị là 1,14 tỉ USD trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9-2022.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các doanh nghiệp nhập khẩu gạo ở Philippines vẫn quan tâm đến gạo Việt Nam dù Pakistan đang chào giá thấp hơn.
Giải thích về điều này, báo Philstar của Philippines cho biết nguồn cung sản lượng gạo Việt Nam ổn định. Các loại gạo cũng phù hợp với thị hiếu của người dân Philippines nhưng vẫn giữ được giá thành tương đối thấp.
Việt Nam cũng có lợi thế về khoảng cách địa lý giúp việc giao hàng cho Philippines tốt hơn các đối thủ cạnh tranh.
Trong khi giá gạo Việt Nam duy trì ở mức ổn định, giá gạo Thái Lan vẫn tiếp tục tăng và chưa biết điểm dừng. Hiện giá gạo trắng 5% tấm của Thái Lan đang ở mức 455 USD/tấn - mức cao nhất thế giới; gạo 25% tấm ở mức 439 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn.
Bộ trưởng Kế hoạch kinh tế Philippines Arsenio Balisacan giải thích việc kéo dài thời gian áp dụng mức thuế nhập khẩu gạo thấp nhằm "tăng nguồn cung lương thực trong nước, đa dạng hóa nguồn lương thực thiết yếu và giảm bớt áp lực lạm phát".
Lạm phát ở Philippines lên ngưỡng 8% trong tháng 11-2022, vượt xa mức mà Ngân hàng trung ương Philippines (BSP) đặt ra là từ 2 đến 4%. BSP đã bảy lần điều chỉnh lãi suất và cảnh báo sẽ siết chặt hơn nữa vào năm 2023 để đưa lạm phát về mức mong muốn.
Theo Tuổi trẻ