Giảm tai nạn lao động ở các làng nghề

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 11:00, 20/12/2022

Do làm tốt công tác tuyên truyền nên nhận thức về vệ sinh an toàn lao động của cả chủ doanh nghiệp và người lao động được nâng lên. Nhờ đó, tỷ lệ tai nạn lao động ở các làng nghề trên địa bàn giảm đáng kể.


Anh Lê Văn Tuyển, chủ cơ sở sản xuất bún ở thôn Đông Cận, xã Tân Tiến (Gia Lộc) thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng máy móc để tránh tai nạn lao động


Những năm gần đây, cùng với đổi mới công nghệ, việc quan tâm nâng cao nhận thức về vệ sinh an toàn lao động (VSATLĐ) tại các làng nghề đã giúp tỷ lệ tai nạn lao động ở đây giảm nhiều so với trước.

Thay đổi thói quen

Trước đây, anh Vũ Văn Hưng ở làng nghề mộc Ngô Đồng, xã Nam Hưng (Nam Sách) thường xuyên không sử dụng bao tay hay khẩu trang lúc làm việc nhưng từ khi được chủ cơ sở nhắc nhở rồi chính bản thân suýt bị mất cả bàn tay khi cưa gỗ anh mới thay đổi thói quen. "Người nào không dùng bảo hộ sẽ không được tính điểm chuyên cần và cuối tháng bị trừ lương”, anh Hưng nói.

Những năm trước, vấn đề VSATLĐ tại các làng nghề mộc trong tỉnh khá nhức nhối. Không ít lao động trong quá trình làm việc tiếp xúc với máy móc bị tai nạn lao động. Môi trường làm nghề nhiều bụi cộng với sơn và hóa chất cũng khiến nhiều người mắc bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, gần đây nhiều chủ doanh nghiệp đã thay đổi nhận thức, quan tâm hơn đến sức khỏe của người lao động. Anh Lê Văn Tuyển, chủ cơ sở sản xuất bún ở thôn Đông Cận, xã Tân Tiến (Gia Lộc) cho biết: “Chúng tôi thường xuyên bảo dưỡng máy móc, nhắc nhở người lao động kiểm tra thiết bị trước khi vào làm việc".

Hải Dương hiện có hơn 60 làng nghề. Một số làng nghề chế biến gỗ, sản xuất nông sản sử dụng máy thái, máy phay cũng dễ xảy ra tai nạn lao động. Nhận thức rõ vai trò của việc nâng cao ý thức của người lao động đối với ATVSLĐ, nhiều địa phương đã tích cực vào cuộc tuyên truyền. Tại một số làng nghề, cán bộ các thôn, khu dân cư trực tiếp giám sát và kiểm tra việc tuân thủ ATVSLĐ. Ông Phạm Văn Chương, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đông Giao Bến ở xã Lương Điền (Cẩm Giàng) cho biết việc trang bị bảo hộ lao động cho người làm tại các cơ sở chế biến gỗ của địa phương gần đây đã được các chủ cơ sở sản xuất quan tâm hơn. Ngoài tổ chức cho các chủ cơ sở ký cam kết tuân thủ các điều kiện ATVSLĐ thì chính quyền địa phương còn kiểm tra đột xuất để kịp thời nhắc nhở và yêu cầu chủ cơ sở sản xuất cũng như người lao động tuân thủ.

Người làm nghề mộc mỹ nghệ ở Đông Giao gần đây đã chú ý sử dụng bảo hộ lao động hơn khi làm việc


Vai trò tích cực của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến hết tháng 11, toàn tỉnh xảy ra hơn 120 vụ tai nạn lao động làm 5 người chết và 42 người bị thương nặng. Số vụ tai nạn lao động xảy ra chủ yếu ở các công trình xây dựng còn ở các làng nghề không nhiều.

Đại diện Phòng Việc làm (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết việc giảm tai nạn lao động ở các làng nghề xuất phát từ chính nhận thức của người quản lý, chủ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đến người lao động. Vì vậy, việc tuyên truyền các kiến thức về ATVSLĐ cần được thực hiện thường xuyên, liên tục. Cùng với xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm về ATVSLĐ thì trách nhiệm của chính quyền các địa phương cũng cần được nâng lên.

Để giảm tai nạn lao động ở các làng nghề, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, nâng cao năng lực về ATVSLĐ cho người làm công tác quản lý; người chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ cấp huyện, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và cán bộ quản lý ATVSLĐ của các xã, phường, thị trấn; trưởng các khu dân cư có làng nghề, HTX có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Qua khóa tập huấn, các học viên đã nâng cao năng lực, hiểu biết, kiến thức về ATVSLĐ, làm cơ sở triển khai các hoạt động ATVSLĐ tại địa phương.

Năm 2022, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện Chương trình ATVSLĐ giai đoạn 2021-2025; hỗ trợ rà soát và tư vấn trực tiếp về ATVSLĐ tại 70 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Sở cũng tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho nhiều cán bộ phụ trách ATVSLĐ, chủ các doanh nghiệp và người lao động.

HẢI MINH