Sinh viên Italy trình diễn truyện Kiều và múa rối Việt tại Venice
Văn hóa - Giải trí - Ngày đăng : 06:33, 23/12/2022
Cô giáo Lê Thị Bích Hường hướng dẫn các em sinh viên tập luyện chương trình biểu diễn. (Ảnh: Trường Dụy/TTXVN phát)
Tại Rome, tối 21.12, chương trình “Hồn Việt” năm 2022 giới thiệu văn hóa truyền thống của Việt Nam, đã được những sinh viên đang học tiếng Việt tại khoa châu Á và Bắc Phi học, trường Đại học Ca’ Foscari tại thành phố Venice (Italy) trình diễn.
Chương trình có sự tham gia của các thầy cô trong khoa như Trưởng Bộ môn tiếng Việt Trần Quang Anh-Richard, cô giáo Lê Thị Bích Hường và các em sinh viên của trường mến yêu đất nước, con người và văn hóa Việt Nam.
Trong chương trình “Hồn Việt” năm nay, với sự hướng dẫn, chỉ đạo và tham gia tận tình của cô giáo Lê Thị Bích Hường, giảng viên môn thực hành tiếng Việt của trường Đại học Ca’Foscari, những sinh viên Italy, từ năm thứ nhất đến năm thứ ba, theo học bộ môn tiếng Việt đã chọn "Truyện Kiều," múa rối nước và hát quan họ để báo cáo kết quả học tập tiếng Việt, cũng như việc tìm hiểu văn hóa Việt Nam.
Thông qua những màn biểu diễn các làn điệu dân ca và văn học Việt Nam, những sinh viên này muốn bộc lộ hồn sắc văn hoá Việt ở bên trong mỗi con người. Các em không chỉ học tiếng Việt từ sách giáo khoa, mà còn tìm hiểu truyền thống đặc trưng của Việt Nam qua nhiều nguồn tư liệu khác nhau.
Màn biểu diễn thành công, làm say lòng những người tham dự, mang lại cảm giác như đang có mặt tại Việt Nam, là kết quả của quá trình dày công luyện tập của cả cô và trò bất chấp những khó khăn do thời tiết mưa lạnh, cảm cúm hay chấn thương, để luyện đọc thơ Kiều, học Xẩm Kiều, dân ca Nghệ Tĩnh và bài hát liên quan đến Kiều, mô phỏng múa rối nước theo những gì các em được học và hiểu.
Mặc dù có những em sinh viên năm nhất mới học tiếng Việt một học kỳ, nhưng niềm say mê với bộ môn tiếng Việt nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung đã giúp các em không quản ngại khó khăn, tập luyện chăm chỉ để có thể lên sân khấu biểu diễn.
Theo cô giáo Lê Thị Bích Hường, đây là dự án ngoại khóa, ngoài chương trình học chính theo yêu cầu của bộ môn nhưng các sinh viên đã đón nhận rất nhiệt tình, coi đây là cơ hội hiếm có để tiếp cận một kiệt tác như "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du.
Cô giáo Lê Thị Bích Hường hướng dẫn các em sinh viên tập luyện chương trình biểu diễn. (Ảnh: Trường Dụy/TTXVN phát)
Sang năm 2023, các sinh viên có kế hoạch dựng các trích đoạn mà các em cảm thấy tâm đắc nhất. Đây cũng là một thành công của cô giáo Hường khi đã giới thiệu thêm cho các em sinh viên Italy những hình thức nghệ thuật dân gian mới (múa rối nước) và văn học trung đại Việt Nam so với chương trình “Hồn Việt” năm ngoái, khi các em tập trung vào nghiên cứu chèo, cải lương, quan họ.
Bộ môn tiếng Việt tại Đại học Ca’ Foscari bắt đầu được giảng dạy năm 2019 và đây là nơi duy nhất ở Italy có chương trình học tiếng Việt hoàn thiện nhất, cung cấp cho các sinh viên những kiến thức về lịch sử, văn học, kinh tế, địa chính trị, nghệ thuật và mọi khía cạnh của văn hóa Việt Nam.
Trưởng khoa châu Á và Bắc Phi học, Giáo sư Marco Ceresa, người rất yêu thích Đông Nam Á, cho biết “lý do trường quyết định mở lớp dạy và học tiếng Việt do Việt Nam cũng như Đông Nam Á đóng vai trò rất quan trọng về văn hóa và kinh tế. Trước khi mở bộ môn tiếng Việt, trường Đại học Ca’Foscari đã giảng dạy 14 ngôn ngữ nước ngoài, nhưng chưa có các ngôn ngữ Đông Nam Á.”
Về tương lai của bộ môn tiếng Việt, Giáo sư Ceresa cho biết ngoài chương trình cử nhân học trong 3 năm, trong tương lai gần, khoa sẽ mở thêm chương trình thạc sỹ tiếng Việt.
Bộ môn cũng tổ chức các hoạt động gặp gỡ giao lưu văn hoá để kết nối sinh viên Italy với các sinh viên Việt Nam đang du học tại Đại học Ca’Foscari.
Còn theo cô Lê Thị Bích Hường, việc học tiếng Việt có thể giúp các em sinh viên Italy hiểu biết hơn về Việt Nam. Các em sinh viên Italy rất ham học tập và nghiên cứu, đọc rất nhiều sách.
Có thể việc phát âm của các em chưa được chuẩn do thời gian học vẫn còn ít nhưng các em đã hiểu biết về tiếng Việt và văn hóa Việt thông qua những nghiên cứu khá sâu rộng về quan họ Bắc Ninh, chèo, cải lương, thơ Hồ Xuân Hương, thơ Nguyễn Bính, giờ đây là "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, múa rối nước...
Em Anna Scuccimarra, sinh viên năm thứ 2, nói: “Tôi quyết định học tiếng Việt vì đã có dịp sống ở Đông Nam Á một thời gian và yêu thích nền văn hóa của khu vực này. Tôi học tiếng Việt vì đó là một ngôn ngữ mà tôi chưa biết. Tôi mong sẽ có nhiều người học tiếng Việt hơn nữa bởi vì tiếng Việt là một ngôn ngữ rất thú vị, hấp dẫn mặc dù khá khó so với tiếng Italy.”
Tình yêu tiếng Việt, cũng như tình yêu văn hóa Việt Nam của các em sinh viên được bồi đắp qua những giờ học tại lớp, cũng như trong những hoạt động ngoại khóa.
Và những buổi biểu diễn như thế này đã truyền cho các em cảm hứng, sự phấn khích, niềm đam mê cũng như tình yêu đối với đất nước Việt Nam.
Nền tảng cơ bản mà các em sinh viên có được trong suốt 3 năm học tập tại trường sẽ giúp các em có thể tiếp tục nghiên cứu và học hỏi tiếng Việt ngay cả sau khi các em ra trường.
Theo TTXVN